Tài chính

Tranh cãi dùng tiền ngân sách hỗ trợ vốn cho “ông lớn” hàng không

21/07/2020, 20:19

Đề xuất hỗ trợ vốn ngân sách cho ngành hàng không khôi phục sau đại dịch gặp nhiều ý kiến trái chiều.

img
Tới nay, mới có Vietnam Airlines lên tiếng xin ngân sách hỗ trợ 12 nghìn tỷ đồng dưới hình thức cho vay ưu đãi

Dùng vốn ngân sách cho vay phải là biện pháp cuối cùng!

Tại buổi tọa đàm "Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý II và 6 tháng đầu năm 2020" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 21/7, vấn đề lựa chọn giải pháp, đối tượng được hỗ trợ nhằm kích cầu nền kinh tế được các chuyên gia “mổ xẻ”.

Theo TS Cấn Văn Lực, đề xuất cần mở rộng đối tượng doanh nghiệp (DN) được hỗ trợ không chỉ các DN vừa và nhỏ mà còn phải tập trung cho các DN lớn đang chiếm vị thế trong lĩnh vực thiết yếu. Cụ thể, nêu câu chuyện ngành hàng không, ông Lực đặt vấn đề: “Mặc dù đã khôi phục 80% đường bay nội địa nhưng doanh thu của ngành hàng không chỉ khôi phục được khoảng 50%, trong khi đó chi phí cố định của ngành này cực kỳ lớn. Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy, hiện đã có 83 nước ra chính sách hỗ trợ cho ngành hàng không. Vậy Việt Nam tại sao lại không?”.

Phân tích sâu hơn, vị chuyên gia tài chính ngân hàng cho hay: “Theo dự báo của tổ chức hàng hàng không quốc tế, suy giảm hàng không năm nay ở mức 60-70% và phải mất 2-3 năm để phục hồi. Hàng không là ngành thiết yếu quan trong liên quan tới hơn 34 ngành nghề khác. Để đảm bảo công bằng, quan điểm tôi một khi đã hỗ trợ thì không phân biệt DN nhà nước hay tư nhân. Tuy nhiên mức độ hỗ trợ như thế nào thì tùy thuộc vào thị phần các hãng đang đóng góp trên thị trường ra sao”.

Cũng theo ông Lực, trong số 83 nước có chính sách hỗ trợ ngành hàng không, có khoảng 50% nước lựa chọn phương án cho vay vốn hỗ trợ. “Cho vay ở đây được hiểu dùng tiền ngân sách với lãi suất thấp. Tuy nhiên, vấn đề này liên quan tới dư địa chính sách tài khóa. Thâm hụt ngân sách là câu chuyện đang được đặt ra nhưng trong bối cảnh đại dịch, chúng ta phải chấp nhận để cứu việc làm, cứu DN. Đây cũng chính là nguồn thu cho ngân sách sau khi nền kinh tế phục hồi”, ông Lực nói và dẫn ra ví dụ quyết định giải cứu 3 ngân hàng từ 2007-2009 của Mỹ sau này đã mang lại cho Chính phủ nước này khoản lãi 30 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đức Thành, cố vấn VEPR, tới nay mới có Vietnam Airlines lên tiếng xin hỗ trợ 12 nghìn tỷ đồng, còn lại các DN hàng không khác vẫn lặng yên. “Trước khi đòi hỏi bất cứ sự hỗ trợ nào, các DN phải nhìn lại mình, tự cứu mình đã. Hỗ trợ phải có nguyên tắc, kỷ luật tài chính chứ không thể dễ dãi cứ mang tiền công đi mà không rõ DN sử dụng đồng vốn ấy với mục đích gì”.

Tương tự, ông Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR cho rằng, trong đại dịch lần này, không chỉ hàng không mà nhiều lĩnh vực khác cũng ảnh hưởng nặng nề như du lịch, khách sạn lưu trú, dệt may, da giầy… Vậy nên dùng ngân sách hỗ trợ hàng không thì các lĩnh vực khác nhìn vào sẽ như thế nào? “Riêng với Vietnam Airlines, tôi cho rằng khả năng dòng tiền của họ còn tốt hơn rất nhiều các DN khác. Cụ thể từ đầu năm tới nay, họ tung ra gói bán vé trả trước. Thậm chí nếu hết năm, hết dòng tiền lại có thể bán được vé trả trước cho cả quý I, quý II năm sau. Đây là điều ngành dệt may hay da giầy không thể làm được”, ông Anh nói.

Theo vị Kinh tế trưởng, biện pháp hỗ trợ của nhà nước nên “đánh” vào chi phí tốt hơn là hỗ trợ về lợi nhuận. “Các biện pháp miễn giảm thuế phí hiện không công bằng đối với các DN làm ăn thua lỗ, ngừng hoạt động. Cần những gói hỗ trợ thiết thực hơn chẳng hạn chi phí thuê nhà xưởng, bến đỗ, lãi vay… hoặc cũng có thể dùng tiền ngân sách để trợ giá kích cầu”, ông Thế Anh nói và nhấn mạnh: “Trong các biện pháp hỗ trợ, việc dùng vốn vay ngân sách là biện pháp cuối cùng, khi không còn giải pháp nào khác. Bởi kèm theo đó là hàng loạt các công việc kiểm tra giám sát từ hoạt động quản trị tới lương thưởng lãnh đạo DN…”.

Chính sách tiền tệ khó thúc đẩy nền kinh tế

Nhận định về giải pháp kích thích nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, ông Phạm Thế Anh cho rằng, chính sách tiền tệ trong thời điểm hiện nay được đánh giá là sẽ ít hiệu quả.

“Khi dịch bệnh còn tồn tại thì một số nhu cầu đặc thù sẽ biến mất, theo đó các ngành kinh doanh phục vụ các nhu cầu đó cũng sẽ không trở lại được, dù lãi suất có giảm cũng không tạo được động lực để doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nói cách khác, yếu tố lãi suất không hẳn quyết định hành vi đầu tư hoặc mở rộng kinh doanh vào lúc này. Dư địa chính sách tiền tệ có thể còn, tuy nhiên việc tính toán dùng vào thời điểm vào và mức độ ra sao cần phải cân nhắc kỹ, vì chính sách tiền tệ còn đối mặt với ràng buộc về lạm phát và giá trị đồng nội tệ”, vị chuyên gia phân tích.

Theo ông Thế Anh, việc thúc đẩy các dự án xây dựng hạ tầng liên quan đến các khu công nghiệp, thông qua chính sách tín dụng chính là giải pháp cần làm ngay.

“Nếu sự dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc giúp Việt Nam đón nhận thêm các nhà đầu tư mới, cùng những diễn biến của môi trường địa chính trị toàn cầu theo hướng đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc càng leo thang, thì việc chuẩn bị một hạ tầng công nghiệp như vậy là có cơ sở và việc cho phép một chính sách tín dụng phù hợp có thể thúc đẩy động lực cho các nhà đầu tư tư nhân và quốc tế. Trong ngắn hạn, việc xây dựng các khu công nghiệp có tác dụng kích thích tổng cầu. Trong dài hạn, các khu công nghiệp đi và hoạt động sẽ củng cố tổng cung”, ông Thế Anh nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.