Thế giới giao thông

Tranh cãi kịch liệt Mỹ muốn tư nhân hóa kiểm soát không lưu

15/06/2017, 14:25

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ủng hộ đề xuất tư nhân hóa hệ thống kiểm soát không lưu...

29

Mỹ đang tính chuyện tư nhân hóa hệ thống kiểm soát không lưu

Trao hệ thống kiểm soát không lưu cho hội đồng 13 thành viên

Đầu tháng 6 vừa rồi, trong một sự kiện tại phòng phía Đông Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký bản ghi nhớ và thư gửi lên Quốc hội. Trong đó, ngoài kế hoạch về xây dựng hạ tầng, Chính phủ Mỹ còn phác thảo các nguyên tắc để cải thiện hệ thống kiểm soát không lưu. Kế hoạch của ông Trump, đó là tách hệ thống kiểm soát không lưu ra khỏi Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) trong 3 năm tới và sẽ trao cho một hội đồng phi chính phủ kiểm soát.

Mỹ không phải là nước đầu tiên tính chuyện tư nhân hóa hệ thống kiểm soát không lưu. Anh, Canada, Pháp, Đức và nhiều nước khác trên thế giới vốn đã chuyển hệ thống kiểm soát không lưu cho các tổ chức tư nhân hoặc các cơ quan độc lập để điều hành. Hơn nữa, ý tưởng tư nhân hóa này đã được Chính phủ Mỹ đưa ra từ cách đây 3 thập kỷ. Năm 1987, Ủy ban Tư nhân hóa dưới thời Tổng thống Ronald Reagan đã xác định đến lúc hệ thống kiểm soát không lưu có thể dùng lực lượng thuê ngoài. Tuy nhiên, lúc đó, ý tưởng này đối mặt chỉ trích kịch liệt và dần lui vào quên lãng.

Hội đồng quản trị mới sẽ gồm có 13 thành viên đến từ các hãng hàng không, các nghiệp đoàn trong ngành và các sân bay. Đây được cho là những bên am hiểu công việc và gắn bó sát sườn với chuyên môn. Đề xuất trên nhấn mạnh tiêu chí, đó là phải đáp ứng nhiệm vụ giám sát việc kiểm soát không lưu của Mỹ, bao gồm cả an toàn, an ninh quốc gia và an ninh mạng. Kế hoạch này gần sát với dự luật mà Hạ nghị sĩ Bill Shuster, Chủ tịch Ủy ban Hạ tầng và Giao thông Hạ viện đề xuất năm ngoái.

Ông Trump cam kết, hoạt động theo dõi, kiểm soát máy bay với các hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu “đang phát triển rất mạnh” dựa trên tín hiệu vô tuyến và radar hiện tại, nhờ đó, giảm thiểu tình hình chậm trễ, tăng khả năng an toàn và cắt giảm chi phí cho hành khách.

Cũng theo ông Trump, “cơ cấu tổ chức giám sát không lưu mới sẽ không cần dùng tới tiền thuế của người dân, một con số chắc chắn sẽ gây sốc nếu mọi người biết”. Theo Reuters, FAA đã chi gần 10 tỉ USD/năm vào hệ thống kiểm soát không lưu và được tính trong phí của hành khách. FAA đã chi hơn 7,5 tỉ USD để cải cách hệ thống kiểm soát không lưu thế hệ mới trong nhiều năm trở lại đây.

Ý kiến trái chiều

Bộ trưởng Giao thông Mỹ Elaine Chao nhận định: “Cơ quan Giám sát không lưu của Mỹ cần phải hoạt động hiệu quả hơn nữa”. “Hiện nay, bộ máy này đang vướng nhiều thủ tục Nhà nước cồng kềnh, không thể thay đổi linh hoạt để bắt kịp với công nghệ và các nhu cầu mới trên thế giới”, bà Chao nói.  Giám đốc Điều hành của các hãng hàng không: United Airlines, Hawaiin Airlines, American Airlines và Southwest Airlines đều ca ngợi kế hoạch này của ông Trump. Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải chỉ trích từ nhiều nghị sĩ, chính trị gia. Theo họ, chính phủ đã trao quyền kiểm soát một tài sản quan trọng cho các nhóm lợi ích đặc biệt và các hãng hàng không lớn. 

Nghị sĩ đảng Cộng hòa Roger Wicker, đại diện cho bang Mississippi cho rằng, các sân bay nhỏ trong bang phản đối kế hoạch này. Họ lo ngại tổ chức mới sẽ không quan tâm tới lợi ích của họ như các quan chức Chính phủ. Đặc biệt, việc thay đổi này sẽ khiến xu hướng dịch vụ hàng không tại các thị trường nhỏ vốn đang suy giảm lại thêm trầm trọng. Hiện nay, các hãng hàng không lớn của Mỹ đang thu hẹp quy mô các chuyến bay tới các khu vực nông thôn, mà chuộng các địa điểm lớn và lợi nhuận cao hơn gây khó khăn trong việc kết nối và phát triển các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. 

Nghị sĩ Roger Wicker cũng đặt câu hỏi: "Tại sao chúng ta lại trao các tài sản hàng tỉ USD của Chính phủ cho một tổ chức sẽ do phần lớn các hãng hàng không điều hành?”. Ông trích dẫn thực tế tại Anh cho thấy, sau khi tư nhân hóa kiểm soát không lưu, hành khách phải trả phí tăng 30%. 

Tờ Atlantic dẫn ý kiến cho rằng, việc chuyển đổi cơ cấu quản lý này có thể khiến 2/3 lực lượng lao động đang làm việc tại cơ quan này, bao gồm hàng nghìn kỹ thuật viên, hơn 13.000 nhân viên kiểm soát không lưu không được đảm bảo về lương bổng. 

Trước những tranh luận trên, Bộ trưởng Giao thông Mỹ bác bỏ thông tin cho rằng các hãng hàng không lớn sẽ kiểm soát hội đồng điều hành hệ thống kiểm soát không lưu. Theo bà, các hãng hàng không chỉ có 2 vị trí trong hội đồng này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.