Chính trị

Tranh cãi lập quỹ bồi thường cho người bị oan

10/01/2017, 10:19

Ngày 9/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 6, thảo luận một số vấn đề còn có ý kiến...

12

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp

“Bồi thường cho ông Chấn tạo tiền lệ”

Mở đầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề: “Qua một số vụ như Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) và sắp tới là vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang), các cơ quan tiến hành tố tụng thấy khó khăn nhất trong giải quyết bồi thường người bị oan là vấn đề gì?”.

Trả lời câu hỏi này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, cái khó nhất là định lượng để xác định bồi thường bởi có những khoản vận dụng rất dễ, ví dụ như chi phí tính trên thu nhập tối thiểu của người dân nhân với những ngày bị tù oan. Nhưng có những khoản rất lớn lại không thể định lượng được,  tạo ra sự tùy nghi, ví dụ như tổn hại về danh dự, sức khỏe, tinh thần... Mặt khác, hiện cũng có áp lực khi dư luận xã hội nói rằng, tiền thuế của dân đóng góp không phải là tiền để các cơ quan mang đi bồi thường cho sai phạm trong hoạt động tố tụng hình sự. “Ở một số nước, ví dụ như Úc có lập quỹ để bồi thường, tuy nhiên ở nước ta không được các cơ quan chức năng ủng hộ”, ông Bình nói.

Tuy nhiên, ông cũng Bình cho rằng, có những nội dung nếu không quy định chi tiết sẽ rất khó đảm bảo trong bồi thường người bị oan. “Ví dụ như vụ ông Chấn, các cán bộ vận dụng bồi thường khi tiến hành kiểm điểm lại đã nhận định việc vận dụng bồi thường không đúng, dẫn tới khoản bồi thường quá cao (7,2 tỷ đồng - PV), tạo ra tiền lệ về mức bồi thường lớn. Hiện, chúng tôi đang chỉ đạo TAND tỉnh Bình Thuận để bồi thường cho ông Nén, nếu như theo đúng khung quy định thì mức bồi thường cho ông Nén sẽ thấp hơn ông Chấn nhiều dù ông Nén ngồi tù oan hơn ông Chấn 7 năm”, ông Bình nói.

Phó viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể cũng nhận định, qua thực tế giải quyết bồi thường cho người bị oan thì cái khó nhất là căn cứ tính chi phí thiệt hại để tính mức bồi thường, đặc biệt khi thương lượng rất khó vì không có ba-rem cụ thể. Vì vậy, ông Thể kiến nghị cần có ba-rem tương đối để cơ quan đi đàm phán dễ thương lượng, thỏa thuận hơn với người được bồi thường.

Có nên lập quỹ bồi thường cho người bị oan?

Về nguồn tiền bồi thường cho người bị oan, có ý kiến đề nghị thành lập quỹ bồi thường độc lập, nguồn thu của quỹ được trích từ một phần tiền phạt xử lý VPHC, tiền do phạm tội mà có, tiền hoàn trả của người thi hành công vụ và một số nguồn thu hợp pháp khác; Cơ quan quản lý bồi thường Nhà nước quản lý, chi trả và quyết toán quỹ theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Không “chuyền bóng” trách nhiệm để xảy ra oan

Theo Phó viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể, theo nguyên tắc, cơ quan nào ra quyết định cuối cùng tạo nên oan thì cơ quan đó phải xin lỗi và chịu trách nhiệm bồi thường. “Quá trình tạo nên lỗi gây ra trong cả giai đoạn dài, việc cơ quan sau cùng phải xin lỗi là đúng, nhưng quy trách nhiệm ra thì phải xử lý tất cả các cơ quan, sai ở kiểm sát thì phải truy đến cả trách nhiệm điều tra để cộng đồng trách nhiệm chứ không để bằng cách nào đó "chuyền bóng" cho nhau, cơ quan này đẩy qua cơ quan kia, rồi ngồi cười xem người ta xử lý”, ông Thể nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, Nhà nước có trách nhiệm bố trí một phần ngân sách để bồi thường. “Một năm ngân sách Nhà nước thu phạt hành chính 6.000 tỷ đồng, ban hành tịch thu từ các vụ án khoảng 500 tỷ đồng, thu từ tòa 600 tỷ đồng... là có khoảng 7.000 tỷ đồng để đền bù. Dùng các khoản này bồi thường sẽ giải quyết được áp lực dư luận không lấy tiền thuế của dân cho việc bồi thường”, ông Tuấn nói.

Đồng tình, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng kiến nghị nên có một quỹ độc lập để bồi thường cho người bị oan, vì nếu không có khoản đó, lấy tiền từ ngân sách để bồi thường thì người dân sẽ luôn băn khoăn về việc này. “Nếu tách bạch ra thì chắc chắn người dân sẽ cảm thấy việc này được minh bạch, rõ ràng hơn”, bà Hải nói.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển không đồng tình quan điểm này. Ông cho rằng, không nên thành lập thêm quỹ vì chúng ta có quá nhiều quỹ rồi. “Cả nước đã có khoảng 80 quỹ, trong đó có 50 quỹ đang hoạt động, mà quỹ thì cũng từ ngân sách thôi. Giờ nếu lập quỹ sẽ phát sinh nhiều vấn đề”, ông Hiển nêu quan điểm.

Kết luận vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh quan điểm, cơ quan Nhà nước đã làm sai thì phải có trách nhiệm bồi thường và tiền bồi thường cũng phải lấy từ ngân sách Nhà nước, mọi nguồn thu cũng đều phải đưa về ngân sách nên không cần thành lập thêm quỹ. Đánh giá đây là dự án luật rất quan trọng, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị sau phiên họp này, các cơ quan cần phải ngồi lại với nhau, sớm tổ chức Hội nghị ĐBQH chuyên trách để lấy ý kiến.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.