Thế giới giao thông

Tranh cãi lệnh cấm mang thiết bị điện tử lên máy bay

27/03/2017, 10:05

Tuần qua, hai nước Mỹ, Anh cùng áp dụng quy định cấm hành khách đi máy bay của một số hãng hàng không...

17

Anh và Mỹ cấm mang các thiết bị điện tử cỡ lớn hơn điện thoại di động trong hành lý xách tay

Tuần qua, hai nước Mỹ, Anh cùng áp dụng quy định cấm hành khách đi máy bay của một số hãng hàng không có lộ trình vào hai nước này mang theo các thiết bị điện tử cỡ lớn trong hành lý xách tay.

Cấm mang thiết bị điện tử cỡ lớn trong hành lý xách tay

Theo đó, Mỹ và Anh cấm để các thiết bị điện tử có kích thước lớn hơn chiếc điện thoại (chẳng hạn máy tính bảng, đầu DVD, máy tính xách tay và camera...) trong hành lý xách tay trên các chuyến bay xuất phát từ một số sân bay ở các nước có đa số là người Hồi giáo tại Trung Đông, Bắc Phi.

Thay vào đó, hành khách phải cất các thiết bị này trong hành lý ký gửi. Động thái này được đưa ra nhằm phòng tránh mối lo ngại khủng bố. Bởi lẽ, trước đó, nhiều nhóm khủng bố âm mưu giấu các thiết bị nổ bên trong thiết bị điện tử. Riêng quy định của Mỹ ảnh hưởng tới 50 chuyến bay/ngày của 9 hãng hàng không nước ngoài. Tuy nhiên, quy định này vấp phải nhiều thắc mắc và chỉ trích.

Đầu tiên, nhiều người thắc mắc tại sao lại cấm các thiết bị như laptop, máy tính bảng mà không cấm điện thoại. Giải thích vấn đề này, Giám đốc Cơ quan An ninh Nội địa Mỹ nhắc lại vụ tai nạn tháng 2/2016 khi một thiết bị nổ bên trong laptop phát nổ làm thủng một lỗ trên máy bay chở khách tại Somali, buộc chiếc máy bay này phải hạ cánh khẩn cấp.

Các chuyên gia chống khủng bố như ông Bennet Waters đến từ Tập đoàn Chertoff, từng làm việc tại Cơ quan An ninh nội địa Mỹ khẳng định, điện thoại không tiềm ẩn rủi ro gây nguy hiểm bằng các thiết bị điện tử lớn. Ông này dẫn lại quy định hạn chế khối lượng chất lỏng được phép mang lên máy bay để giải thích cho quy định về kích cỡ thiết bị điện tử. Theo đó, “nếu với một lượng nhỏ, các dung dịch, kem, gel không có nguy cơ gây mất an toàn hàng không thương mại. Nhưng, với số lượng lớn hơn thì rất có thể”. Logic về quy định lượng chất lỏng được áp dụng tương tự với kích cỡ thiết bị điện tử. “Thiết bị càng to, người ta càng có thể nhồi nhét nhiều thứ bên trong”, ông Waters nói.

Một vấn đề khác nhiều người thắc mắc: Tại sao lại cho phép chứa thiết bị điện tử bị cấm trong hành lý ký gửi mà không cho phép để trong hành lý xách tay. Bởi, theo ông Bennet Waters, “hành lý ký gửi được kiểm tra theo cách khác, sử dụng công nghệ tiên tiến hơn. Ngoài ra, khi để trong hành lý ký gửi, các thiết bị này tách biệt với chủ nhân nên những kẻ có âm mưu tấn công cũng khó có thể điều khiển làm nổ bom”. Nhờ đó, các thiết bị này dễ dàng phát hiện thiết bị nổ được giấu giếm trong hành lý.

Ông Jeffrey Price, chuyên gia an ninh hàng không tại Đại học Denver cũng cho biết, máy soi X-ray được sử dụng tại các điểm kiểm tra hành lý xách tay không đủ khả năng để phát hiện thiết bị nổ như các thiết bị chuyên dụng được sử dụng để rà soát hành lý ký gửi.

“Vô lý” và “không hiệu quả”?

Bên cạnh thắc mắc, quy định này còn gây tranh luận và ý kiến trái chiều từ hành khách, các chuyên gia đến giới chức an ninh trong nước, quốc tế. Một trong những trường hợp mà CNN tìm hiểu, bị ảnh hưởng và bức xúc vì lệnh cấm này là gia đình Marissa và Adam Goldstein đến từ Boston (Mỹ) hiện đang sống tại TP Hồ Chí Minh, Việt Nam. Họ chuẩn bị có chuyến bay dài cùng hai con gái song sinh. “Vợ chồng tôi cùng 2 con gái 16 tháng tuổi sẽ lên chuyến bay dài của hãng Emirates qua Dubai. Chúng tôi định dùng iPad để các con ngồi yên một chỗ nhưng bây giờ thì không thể. Hơn nữa, chúng tôi cũng phải sử dụng laptop để làm việc trên chuyến bay dài như thế này”, anh Adam Goldstein chia sẻ.

Một trường hợp khác, ông Syed Hussain sống tại cảng San Francisco, thường xuyên phải tới Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và làm việc 10 tiếng trên các chuyến bay dài 16 tiếng. “Quy định mới là tin buồn với những người muốn khai thác những cơ hội kinh doanh mới tại Bắc Mỹ và Trung Đông như tôi”, ông nói.

Về phía các chuyên gia, ông David C. Gomez, cựu Giám đốc phụ trách vấn đề chống khủng bố của FBI, nghiên cứu sinh cấp cao tại Trung tâm mạng và an ninh nội địa của Đại học George Washington đặt nghi vấn: “Nếu mối đe dọa đó là thật, thì tại sao giới chức lại cho phép chứa các thiết bị cỡ lớn trong hành lý ký gửi? Quá bất hợp lý!”.

Ông Andrew Lebovich, chuyên gia Bắc Phi chỉ trích: Lệnh cấm các thiết bị điện tử rất vô lý và sẽ khiến không ít đất nước/cá nhân (bao gồm nhiều nước đối tác của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố) bất mãn”.

Một số chuyên gia nghi ngờ, mục đích thực sự đằng sau lệnh cấm này là nhằm bảo hộ thương mại nội địa. Ông Tom Pepinsky, chuyên gia khoa học - chính trị tại Cornell nhận định, các hãng hàng không đường dài tại Trung Đông bị ảnh hưởng vì lệnh cấm như Emirates và Ethihad đang là “mối đe dọa lớn” với dịch vụ vận tải thương mại quốc tế của của các hãng hàng không lớn tại Mỹ. Do đó, việc hạn chế này phần nào làm giảm bớt tính cạnh tranh của các hãng hàng không này với các hãng của Mỹ.

Không chỉ vậy, Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) lo ngại, quy định mới của Anh, Mỹ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ trên máy bay xuất phát từ pin của các thiết bị điện tử. Vì nếu xảy ra cháy nổ, các thiết bị này được mang theo trong hành lý xách tay sẽ dễ dàng xử lý hơn để trong hành lý ký gửi. ICAO kêu gọi Chính phủ các nước trên thế giới cân nhắc để giải quyết hài hòa giữa những rủi ro an ninh và vấn đề an toàn bay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.