Âm nhạc

Tranh cãi "Mang tiền về cho mẹ": Thực dụng hay thực tế?

07/01/2022, 10:52

"Mang tiền về cho mẹ" gây tranh cãi với nhiều luồng ý kiến. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhận định, bài hát thể hiện đúng bản chất của rap.

"Mang tiền về cho mẹ" của Đen Vâu trở thành "cơn sốt" trên mạng xã hội những ngày qua. Hiện tại, MV bản rap đã đạt hơn 24 triệu lượt xem, giữ vị trí số 1 Thịnh hành trên YouTube.

Thế nhưng, bản rap lại đang gây tranh cãi xoay quanh câu rap chính "Mang tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ".

img

Bản rap "Mang tiền về cho mẹ" gây tranh cãi về sự thực dụng

Cụ thể, có ý kiến cho rằng, câu "mang tiền về cho mẹ" khá thực dụng, cổ vũ lối sống vật chất. TS. Nguyễn Phương Mai gây chú ý khi chia sẻ rằng bản thân có những điểm khó đồng cảm trong lời bài mới của Đen Vâu. "Khi Đen hát "mang tiền về cho mẹ", tôi sẽ hát theo là "mang tình về cho mẹ, cha cũng cần xin đừng câu nệ".

Bản thân Đen Vâu cũng đã lên tiếng giải thích. Anh cho biết, ba mẹ mình là dân lao động, không có đồng hưu, tiền dành dụm. "Nếu tôi không chăm lo cho họ thì ai lo đây? Dù những người mẹ có mong đợi, cần tiền hay không, đó vẫn là điều mà tôi nghĩ mình nên làm và tôi thấy vui vì được làm", rapper lý giải.

Từng nhiều lần lên tiếng trước những bài hát có câu từ, ý tứ lệch lạc, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng với anh, “Mang tiền về cho Mẹ” là một bài dễ thương và có cảm xúc.

Anh cũng không thấy bài rap thực dụng. Bởi, đó mới là cái chất của Đen: mộc mạc, gần gũi và tình cảm. Đồng thời, đó cũng là cái chất của rap là thực tế.

img

"Nhật ký của mẹ" cũng từng gây tranh cãi trước câu "Sẽ có một người yêu con hơn mẹ yêu"

Theo nam nhạc sĩ, âm nhạc để miêu tả cuộc sống. Có những nhạc sĩ (thường là dòng mainstream) dùng ngôn ngữ, ý tứ đẹp để tôn vinh cuộc sống, khiến khán giả như nhìn cuộc sống qua lăng kính màu hồng.

Ngược lại, có những rapper/nghệ sĩ underground lại dùng ngôn ngữ thường ngày để miêu tả thực tế trần trụi như đeo cho khán giả một cặp kính cận để soi bức hình cuộc sống cho rõ nét tất cả buồn vui khổ đau.

Nguyễn Văn Chung cho hay, anh đã tranh luận với một nhạc sĩ khác khi người này thắc mắc “Tại sao Đen không mang yêu thương về cho mẹ mà lại mang tiền? Quá thực dụng".

"Tôi trả lời rằng, vì tiền chính là sự yêu thương mà đứa con muốn dành cho cha mẹ. Mang tiền về chứ không phải là gửi tiền về. Chữ mang nghĩa là đi về nhà, cầm theo tiền về, và quan tâm, báo hiếu cha mẹ. Đó là tấm lòng đứa con", anh chia sẻ.

Khi viết bài "Nhật ký của mẹ", Nguyễn Văn Chung cũng bị nhiều người không đồng ý với câu "Sẽ có một người yêu con hơn mẹ yêu". Bởi, họ cho rằng, không bao giờ có ai yêu con hơn mẹ.

Thế nhưng với anh thì "đây là ước muốn của người mẹ dành cho con, khi biết mình có thể sẽ không bao giờ ở bên con mãi. Mẹ chỉ mong có người yêu con mình như mình, hoặc hơn cả mình là mẹ đều vui".

"Sao mọi người lại dùng quan điểm đánh giá một bài nhạc ballad để đánh giá một bài rap? Phải thực tế, trần trụi như vậy mới đúng là rap. Tiền cũng vậy, thực tế của cuộc sống là tiền. Sự quan tâm cũng phải biểu hiện bằng tiền đi kèm thái độ.

Không người mẹ nào bắt ép con phải gửi tiền về liên tục, mặc kệ cuộc sống con thế nào. Trừ khi, đó là người mẹ vô trách nhiệm hoặc bài bạc. Nhưng có phải người mẹ nào cũng sẽ vui khi thấy con mình có việc làm, thành công, dư dả, có thể gửi tiền về cho mình, quan tâm mình không?", nam nhạc sĩ thắc mắc.

Dù vậy, anh thấy vui vì khán giả ngày càng khó tính và có sự yêu cầu khắt khe với nội dung bài hát. Điều đó sẽ giúp nền âm nhạc phát triển và khiến các nhạc sĩ e dè hơn trong việc phóng túng những sự ngông cuồng, lệch lạc trong sáng tác của mình".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.