Thế giới giao thông

Tranh cãi người cao tuổi có nên lái xe?

15/02/2016, 19:05

“Người cao tuổi có gây mất ATGT hay không? Nên cấm nhóm người này điều khiển phương tiện hay không?”.

Bức ảnh Nữ hoàng Anh vội vàng lao xe lên
Bức ảnh Nữ hoàng Anh vội vàng lao xe lên cỏ để kịp giờ tới nhà thờ.

Chủ đề bàn tán sôi nổi

Từ lâu, Anh quốc có quy định bắt buộc đối với người lái xe từ 70 tuổi trở lên. Theo đó, bằng lái xe của tất cả những người bắt đầu bước sang tuổi 70 đều bị vô hiệu hoá. Để có thể tiếp tục điều khiển phương tiện, họ cần phải kiểm tra sức khỏe và thi lại bằng lái trước ngày sinh nhật lần thứ 70 và liên tục phải đổi bằng lái 3 năm/ lần kể từ đó.

Tuy nhiên, câu hỏi nên cấm hoàn toàn người già điều khiển ô tô hay không luôn là chủ đề được bàn tán sôi nổi. Năm 2010, tỉ lệ người trên 70 tuổi lái xe tăng gấp 4 lần so với năm 1975. Tiếp đó, năm 2013 đánh dấu lần đầu tiên số lượng tài xế trên 70 tuổi tăng vượt con số 4 triệu. Tới cuối tháng 3/2015, số người sở hữu bằng lái ở độ tuổi từ 70 trở lên là 4,3 triệu, trong đó hơn 1 triệu người trên 80 tuổi.

Quỹ RAC (Royal Automobile Club Foundation) của Anh cho biết, người lớn tuổi nhất có bằng lái xe tại Anh là một phụ nữ 107 tuổi. Nước này có 191 người có bằng lái xe khi ở tuổi vượt ngưỡng 100. Bộ Giao thông Anh (DfT) cho biết, tuy chưa có bằng chứng cho thấy người cao tuổi điều khiển xe ô tô có nguy cơ gây TNGT cao hơn nhóm tuổi trẻ hơn. Tuy nhiên, thực tế, báo chí tốn không ít giấy mực với các vụ người cao tuổi lái xe vi phạm ATGT hoặc gây TNGT.

Vụ TNGT chết người do một người cao tuổi điều khiển ô tô xảy ra cuối năm 2014 gây tranh cãi về mối tương quan giữa tuổi tác và TNGT trong suốt thời gian dài. Bà Beryl Hughes, 84 tuổi đã bị giam giữ 24 tuần, hoãn thi hành án trong 12 tháng, đồng thời bị cấm điều khiển phương tiện trong 5 năm vì tội điều khiển phương tiện gây tai nạn chết người.

Bà Beryl Hughes điều khiển chiếc Audi A3 mất lái đâm trực diện vào chiếc Honda Civic do ông Brian Bockmaster, 80 tuổi điều khiển khiến ông Brian phải nhập viện và qua đời một ngày sau đó. Trước khi gây ra vụ tai nạn, bà Hughes từng bị phạt vì vi phạm tốc độ. Bản thân bà Hughes cũng thừa nhận nhiều năm trở lại đây, khả năng lái xe đã suy giảm.

Tại phiên xét xử, Thẩm phán Stephen Holt cho biết: “Đây là bi kịch không có người thắng, kẻ thua. Nó là minh chứng cho thấy, người cao tuổi cần có trách nhiệm và nhận thức được khi nào kỹ năng lái xe của họ có thể gây nguy hiểm tới người tham gia giao thông. Vài năm gần đây, số vụ TNGT thảm khốc liên quan tới người cao tuổi đã tăng cao”. Ông Holt kêu gọi: “Bản thân người cao tuổi và gia đình, bạn bè cần có trách nhiệm theo dõi khả năng lái xe của mình và người thân, đối mặt với sự thật rằng - qua thời gian, khả năng lái xe của họ không còn an toàn. Ông cho biết, việc người cao tuổi cần và muốn lái xe, ít để ý tới vấn đề an toàn, đặc biệt ở những khu vực nông thôn không có các phương tiện giao thông công cộng là điều dễ hiểu”.

Một vụ khác, khoảng giữa tháng 7/2015, dư luận Anh được phen hốt hoảng khi những bức ảnh Nữ hoàng Anh Elizabeth II, 90 tuổi vẫn lái chiếc xe dòng Jaguar X, vội vàng phóng lên thảm cỏ, tránh hai cha con đang đi dạo trên đường để kịp giờ tới nhà thờ. Được biết, Nữ hoàng là người duy nhất ở nước Anh có quyền chạy xe mà không cần bằng lái.

Nguy cơ suy giảm nhận thức cao

Nếu bỏ lái xeTrong khi một bộ phận dư luận yêu cầu người cao tuổi nên để việc lái xe cho con cháu thì một bộ phận khác lại có quan điểm nên khuyến khích họ lái xe.

Một nghiên cứu do Khoa Y học Cộng đồng Maliman thuộc Đại học Columbia thực hiện và công bố đầu năm 2016 cho thấy, sức khỏe của người cao tuổi sẽ bị suy giảm khi họ dừng lái xe. Không chỉ vậy, việc ngừng lái xe còn làm tăng gấp đôi nguy cơ gặp các triệu chứng trầm cảm, dẫn tới suy giảm nhận thức nhanh hơn.

Tiến sĩ Guohua Li, người đứng đầu dự án nghiên cứu, kiêm Giám đốc Trung tâm Phòng chống chấn thương và dịch tễ học cho biết: “Đối với nhiều người lớn tuổi, lái xe là một đặc ân với họ. Đó là phương tiện trong sinh hoạt hàng ngày và là phương thức giúp họ tự chủ, độc lập”.

Để thực hiện nghiên cứu này, nhóm các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu chất lượng sức khỏe của những người lái xe từ 55 tuổi trở lên. Đồng thời, họ kết hợp thêm dữ liệu từ 16 dự án nghiên cứu khác. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 51% người được khảo sát từ bỏ việc lái xe cũng giảm kết nối, giao lưu với gia đình và bạn bè. Sức khỏe sẽ bị sụt giảm nhanh hơn ở người cao tuổi là nữ giới so với nam giới khi bỏ lái xe.

Tiến sĩ Li kêu gọi: “Điều chúng ta cần làm nhất đó là tìm ra những chương trình hiệu quả để có thể đảm bảo và kéo dài các chức năng kết nối, gia lưu xã hội, thể chất và sự năng động của người cao tuổi”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.