Thời sự Quốc tế

Tranh cãi rác thải tên lửa mở màn cho đấu trường mới giữa Mỹ và Trung Quốc

08/05/2021, 11:20

Những tranh cãi gay gắt giữa Mỹ, Trung Quốc liên quan tới tàn dư tên lửa Trường Chinh 5B chuẩn bị rơi xuống Trái Đất có thể chỉ là khúc dạo đầu.

img

Tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc được phóng lên vũ trụ từ ngày 29/4

Đấu trường mới giữa Mỹ-Trung

Một tuần nay, Mỹ và Trung Quốc liên tục tranh cãi liên quan tới cảnh báo tàn dư tên lửa Trường Chinh Trung Quốc 5B có thể rơi trở lại Trái Đất.

Trong khi Mỹ chỉ trích đây là hậu quả của sự tắc trách, cẩu thả và dự báo hậu quả sẽ rất nghiêm trọng thì Trung Quốc lại phản pháo rằng, phương Tây đang làm quá lên và tác động từ việc tàn dư tên lửa nặng hơn 20 tấn rơi trở lại Trái Đất không có gì nghiêm trọng.

Quan sát sự việc mới nhất, các nhà bình luận thế giới cho rằng, kể cả khi phần tàn dư tên lửa khổng lồ của Trường Chinh 5B rơi xuống Trái Đất và không gây hậu quả đi chăng nữa, những tranh cãi liên quan tới hàng không vũ trụ giữa Trung Quốc và Mỹ cũng sẽ không kết thúc.

Ngược lại, đây chỉ là mở màn cho một “đấu trường” mới giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới bởi họ đang chi không tiếc tay nhằm tăng cường sự hiện diện trong vũ trụ.

Càng đầu tư, xây dựng trên vũ trụ, khối lượng rác thải không gian sẽ càng lớn và những sự việc vật thể khổng lồ từ vũ trụ quay trở lại sẽ không còn là hiếm.

Chỉ hơn tháng trước, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc cũng để mắt tới một vụ xả rác thải vũ trụ cực lớn. Trong đó, Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) thải ra khối rác vũ trụ lớn nhất từ trước tới nay, đó là phần bệ nặng 2,9 tấn của 48 tấm pin nickel - hydro.

Dự kiến, khối rác sẽ trải qua 2 - 4 năm trôi nổi trong quỹ đạo thấp của Trái Đất trước khi bốc cháy trong khí quyển.

Hệ luỵ từ hoạt động xả thải này không như việc xả phần tàn dư tên lửa Trường Chinh 5B bởi vật thể của tên lửa Trung Quốc nặng hơn 20 tấn nên khó có thể cháy hết, để lại cấu trúc lớn rơi xuống Trái Đất.

Tuy nhiên, ngay khi có thông tin vụ xả thải của trạm ISS, trang web Tin tức Vũ trụ Trung Quốc lập tức đăng tải một bài viết cảnh báo nguy cơ khối rác thải 2,9 tấn hồi quyển.

“Hãy cầu nguyện cho khối rác thải đó không quay trở lại và va vào trạm vũ trụ”, theo nội dung bài viết trên trang web này.

Vấn đề rác vụ trụ sẽ tồi tệ như biến đổi khí hậu

Tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) dẫn báo cáo được công bố tháng này chỉ ra, Trung Quốc đang theo dõi khoảng 20.000 khối rác thải vũ trụ, nhiều hơn 50% so với thập kỷ trước.

Cuối cùng, hậu quả có thể là, dù còn người không thực hiện được bất cứ hoạt động vũ trụ nào nữa nhưng tổng lượng rác thải vũ trụ vẫn sẽ tiếp tục tăng, cánh cửa vào không gian của con người sẽ hoàn toàn bị chặn - ông Feng Hao, chuyên gia về hàng không vũ trụ tại Trung Quốc nhận định

Ông Feng Hao, tác giả dẫn đầu báo cáo trên và những người đồng cấp tại Viện kỹ thuật hệ thống tàu vũ trụ Bắc Kinh cho rằng, thực trạng khối lượng rác thải trong quỹ đạo Trái Đất tăng nhanh là rất đáng báo động vì những vật thể trôi nổi đó có thể va chạm với nhau.

Viễn cảnh trên sẽ diễn ra sớm và tồi tệ hơn khi Trung Quốc - Mỹ tiếp tục cạnh tranh nhau trên vũ trụ.

Cả hai đều có những kế hoạch tham vọng mở rộng chương trình không gian trong vài năm tới. Hàng chục nghìn vệ tinh đã được phóng, rất nhiều hạ tầng quy mô lớn được xây dựng trong các quỹ đạo từ Trái Đất đến Mặt Trăng.

Ông Feng ước tính, đến năm 2033, quỹ đạo địa tĩnh sẽ chật ních, đồng nghĩa nếu đưa thêm vệ tinh lên quỹ đạo sẽ dẫn đến va chạm dây chuyền.

Rác thải không gian “có thể trở thành vấn đề chính trị quan trọng tương tự như tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay”, một nhà khoa học làm việc tại Bắc Kinh giấu tên cho biết.

Theo nhà khoa học này, khi các quỹ đạo quan trọng không còn nhiều chỗ trống, căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, hai đất nước tích cực nhất trong hoạt động khai thác hàng không vũ trụ, sẽ ngày càng gay gắt.

“Bắc Kinh có thể chỉ trích Washington vì xả thải vũ trụ, ngược lại, Washington sẽ hạn chế những nhiệm vụ trong không gian tương lai của Bắc Kinh. Điều này sẽ gây ra tác động địa chính trị sâu sắc, ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia trên Trái Đất”, chuyên gia giấu tên nhấn mạnh.

Hơn nữa, khi Mỹ-Trung đối đầu, hoạt động hợp tác quốc tế liên quan tới xử lý rác thải vũ trụ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Chưa kể, thực trạng chia sẻ thông tin theo dõi rác thải vũ trụ giữa các quốc gia còn hời hợt, một phần do công nghệ được sử dụng trong vũ trụ có liên quan tới quân sự nên không nước nào muốn chia sẻ rõ với nhau.

"Có thể tưởng tượng tình hình này như hai người cùng ngồi hàng ghế đầu tranh giành vô-lăng trong khi chiếc xe đang chuẩn bị đâm vào tường vậy", chuyên gia Bắc Kinh lý giải.

Trung Quốc phóng tên lửa Trường Chinh 5B vào vũ trụ, mang theo mô-đun đầu tiên của trạm vũ trụ Thiên Cung do Trung Quốc chế tạo, từ ngày 29/4. Tên lửa này có cấu hình 1 tầng lõi làm nhiệm vụ đẩy nên kích thước của tầng này rất lớn. Khi hoàn thành nhiệm vụ đưa tên lửa tới nơi, tầng lõi sẽ tách ra bị vô hiệu hoá và trở thành khối rác vũ trụ khổng lồ. Vấn đề là phần rác này đang quay tít trong quỹ đạo Trái Đất không thể kiểm soát. Dự kiến sẽ rơi xuống Trái Đất trong sớm nhất là ngày hôm nay (8/5).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.