Hạ tầng

Tranh cãi về đề án thu phí ô tô vào nội đô TP.HCM

12/12/2017, 18:07

Hội nghị phản biện đề án thu phí ô tô vào trung tâm TP có nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia.

IMG_4872
Hội nghị phản biện đề án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM chủ trì

Ngày 12/12, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - TP.HCM chủ trì cuộc họp về phản biện đề án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố. Tham dự hội nghị có đại diện các ban ngành liên quan và các chuyên gia giao thông.

Theo Công ty CP Công nghệ Tiên phong (đơn vị xây dựng dự thảo đề án), tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực trung tâm TP đã và đang ngày càng nghiêm trọng nếu không có giải pháp kiềm chế gia tăng số đầu xe và hạn chế xe lưu thông vào trung tâm.  Trên cơ sở đó, công ty đề xuất lập dự án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố với tổng mức đầu tư dự án 1.500 tỷ đồng, giai đoạn đầu dự án sẽ có 34 cổng thu phí đa làn, tự động không dừng và một trung tâm điều hành kết nối với các cổng thu phí, xử lý thông tin cũng như quản lý hoạt động thu phí.

Dự kiến nếu được thành phố thông qua thì đến năm 2018 lập nghiên cứu khả thi đề án, năm 2019 vận hành thử và đến đầu năm 2020 chính thức hoạt động cùng với tuyến metro số 1.

IMG_4873
Bà Trương Thị Hòa, Đoàn luật sư TP.HCM nhận định theo Luật phí và lệ phí thì không có việc thu phí để giảm ùn tắc giao thông. Ảnh Đỗ Loan

Đánh giá về hiệu quả của đề án, bà Trương Thị Hòa, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, theo Luật phí và lệ phí thì không có việc thu phí để giảm ùn tắc giao thông việc thu phí kẹt xe nằm danh mục phí sử dụng đường bộ, không nên bổ sung thêm phí này, tránh trường hợp phí chồng phí.

"Về tính kinh tế theo tôi không hiệu quả, sẽ gây phản ứng từ phía người dân. Học kinh nghiệm ở các nước về thu phí ô tô nội đô, người ta có nhiều biện pháp giải quyết đồng bộ, còn ở Việt Nam thì giao thông chưa đồng bộ, không đồng bộ sẽ khó hiệu quả. Nếu học tập các nước thì học tập những gì, cụ thể như thế nào?", luật sư Hòa nói.

IMG_4876
Ông Đồng Văn Khiêm, Hội đồng tư vấn phản biện của UBMT TQ TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh Đỗ Loan

Phản biện đề án, ông Đồng Văn Khiêm, Hội đồng tư vấn phản biện của UBMT TQ TP.HCM nhận định, cần xác định nguyên nhân ùn tắc chủ yếu do ý thức của người dân để có phương án, nhiệm vụ xử lý thế nào. Đề án cần điều tra, khảo sát đánh giá ngay ban đầu bằng những con số cụ thể. Ùn tắc vào trung tâm TP mỗi ngày là bao nhiêu? Phân tích lưu lượng xe vào trung tâm bao nhiêu? Nếu thu phí sẽ làm giảm bao nhiêu % ùn tắc. Nếu giảm được ô tô mà xe máy lại tăng thì bài toán kẹt xe cứ luẩn quẩn.

Học theo một số mô hình các nước cần cân nhắc kỹ các nét tương đồng có thể vận dụng được hay không, tránh tình trạng làm nửa chừng bỏ ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố. "Về tính khả thi của đề án, tôi băn khoăn liệu có thực hiện được hay không, đồng thời phải có sự đồng thuận của nhân dân và quyết tâm cao của thành phố mới có thể triển khai được”, ông Khiêm nói.

Sau khi nghe ý kiến phản biện của các đại biểu, chuyên gia, ông Phạm Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết sẽ ghi nhận và tiếp thu các ý kiến của các nhà khoa học, trên cơ sở đó Sở sẽ tham mưu với UBND TP tiếp tục điều chỉnh đề án cho phù hợp hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.