Thời sự Quốc tế

Tranh cãi về một tác nhân khiến vụ giẫm đạp ở Indonesia thành thảm kịch

05/10/2022, 16:09

Tại thời điểm cuối trận đấu, dường như cổng ra vào sân vận động không mở hết nên cổ động viên không kịp thời thoát ra ngoài.

Hiệp hội Bóng đá: Hết trận đấu, cổng ra vào vẫn đóng

Ngày 4/10, Hiệp hội Bóng đá Indonesia cho biết đã cấm Giám đốc điều hành đội bóng Arema FC - ông Abdul Harris và ông Suko Sutrisno - điều phối an ninh của đội bóng, tham gia hoạt động trong lĩnh vực bóng đá tới trọn đời vì không đảm bảo an ninh trên sân bóng và chậm yêu cầu mở cửa sân bóng khiến vụ giẫm đạp tại Indonesia trở thành thảm kịch.

Arema FC là đội bóng chủ nhà trong trận đấu diễn ra trên sân vận động Kanjuruhan, Đông Java hôm 1/10.

Hiệp hội Bóng đá Indonesia cũng cấm toàn bộ cổ động viên của đội Arema FC tới tham dự các trận đấu có đội này tại thành phố Malang tới năm sau.

img

Cổ động viên trèo lên hàng rào để thoát thân trong vụ giẫm đạp trên sân vận động Indonesia. Ảnh - AFP

Ông Erwin Tobing, người đứng đầu ủy ban kỷ luật của Hiệp hội Bóng đá Indonesia, cho rằng, đáng lẽ cổng phải được mở ngay khi có bạo loạn nhưng lại bị đóng.

Giải thích thêm, ông Ahmad Riyadh, đại diện hiệp hội bóng đá, cho biết do thiếu nhân sự nên chỉ có một vài nhân viên chịu trách nhiệm mở cổng khi trận đấu kết thúc nhưng họ chưa kịp làm nhiệm vụ thì cảnh sát xịt hơi cay khiến cổ động viên sợ hãi ùa về cổng.

Theo ông Riyadh, tất cả cổng ra vào trên sân vận động cần được mở 10 phút trước khi mỗi trận đấu kết thúc nhưng trong trận đấu hôm 1/10, bảy phút sau khi trọng tài thổi còi kết thúc chung cuộc, 7 cổng vẫn khóa dẫn tới một trong những thảm kịch sân vận động gây thương vong về người nhiều nhất thế giới.

Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA) và Liên đoàn Bóng đá châu Á khuyến nghị nên mở lối thoát tại các sân vận động trong suốt thời gian diễn ra trận đấu vì lý do an toàn. Dù quy định này không cần thiết áp dụng với các giải đấu trong nước hay giải đấu quốc gia nhưng được khuyến cáo trong trường hợp cảnh sát sử dụng hơi cay để kiểm soát đám đông.

Cảnh sát Indonesia: Cổng đã mở nhưng chỉ hé

Cùng ngày 4/10, cảnh sát Indonesia lại đưa ra thông tin khác.

Cảnh sát đã trích xuất camera an ninh tại 6 trong tổng số 14 cổng tại sân vận động ở thành phố Malang ở những nơi có nhiều nạn nhân thiệt mạng nhất để điều tra.

Đại diện cảnh sát, ông Dedi Prasetyo khẳng định 6 cổng này không đóng nhưng quá nhỏ và chỉ đủ cho 2 người đi qua nhưng tại thời điểm đó lại có hàng trăm người tìm cách thoát thân. Ông Prasetyo cũng cho rằng việc để cổng khóa sau khi trận đấu kết thúc là trách nhiệm của ban tổ chức.

img

Nhiều nạn nhân bị nghẹt thở, ngất xỉu trong vụ giẫm đạp trên sân vận động Indonesia đêm 1/10. Ảnh - AFP

Một số khán giả tới sân vận động Kanjuruhan hôm 1/10 cũng cho biết lúc đó, nhiều cổng đặc biệt là cổng số 13 bị khóa nên họ không thể thoát ra ngoài.

“Mọi người tìm cách thoát thân sau khi cảnh sát bắn hơi cay. Nhóm bạn của tôi lạc nhau mỗi người một ngả. Mọi người muốn tìm cách thoát ra nhưng cổng bị khóa. Đó là lý do vì sao hầu hết mọi người thiệt mạng do bị giẫm đạp và nghẹt thở”, anh Prasetyo Pujiono, một khán giả đến xem trận đấu ở gần cổng số 13 cho biết.

Bản thân anh Pujianto là một trong số những người hỗ trợ di chuyển 20 thi thể nằm rải rác xung quanh cổng số 13. Nhớ lại khung cảnh kinh hoàng khi đó, anh Pujianto kể: “Rất nhiều thi thể nằm rải rác tại cổng số 13. Chúng tôi không thể thoát ra ngoài nếu không di dời bớt các thi thể chắn ở cổng. Vậy là tôi và các bạn cùng giúp sức”.

Cô Evita Triawardani, cổ động viên của đội Arema, cho biết, trong những trận đấu cô từng tham gia trước đây, ban tổ chức thường mở cửa 15-20 phút trước khi kết thúc. Nhưng vào đêm 1/10, cổng số 13 vẫn đóng và cô phải tìm cách thoát thân bằng cách chạy qua cổng số 14.

Cô Triawardani kể lại cô chứng kiến nhiều người gào khóc, cố gắng hít thở trong làn hơi cay, nhiều bậc phụ huynh cho con cái ngồi lên vai để con có thể hít thở. Song, rất nhiều trẻ em đã không qua khỏi, kết cục đã có ít nhất 17 trẻ thiệt mạng.

Vụ bạo loạn và giẫm đạp tại sân vận động ở thành phố Malang, tỉnh Đông Java của Indonesia khiến 131 người thiệt mạng được cho là một trong những vụ giẫm đạp tại sân vận động nghiêm trọng nhất trên thế giới.

Thảm kịch xảy ra sau khi trận đấu giữa đội bóng Arema và Persebaya Surabaya kết thúc với tỉ số 2 - 3 nghiêng về đội khách vào ngày 1/10. Các cổ động viên sau đó tràn xuống sân cỏ, buộc cảnh sát phải triển khai lực lượng chống bạo động để giải tán.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.