Điện ảnh

Tranh cãi về nhà đầu tư mua Hãng phim truyện Việt Nam

09/05/2016, 09:01

Việc Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) được Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) mua lại khiến nhiều người lo lắng.

DSC_3972

Nhiều đạo diễn lo ngại tương lai Hãng phim truyện Việt Nam nhưng cũng có nhiều người nhận định VFS sẽ phát triển tốt sau cổ phần hóa

Việc Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) được Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) mua lại khiến nhiều người lo lắng cho số phận của VFS khi rơi vào tay một đơn vị vốn không có chút liên quan nào tới điện ảnh.

Hoang mang về tương lai

Vốn là một hãng phim Nhà nước với bề dày lịch sử cùng những bộ phim đã ghi dấu trong nền điện ảnh Việt như: Biệt động Sài Gòn, Em bé Hà Nội, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Vợ chồng A Phủ,… nên việc VFS được bán cho một công ty “ngoại đạo”, không có dính dáng gì tới điện ảnh khiến nhiều người hoang mang về số phận của hãng phim, cũng như tương lai của phim Nhà nước.

NSND Thanh Vân, Phó giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam cho hay, ông là một trong những người phản đối bán hãng phim cho VIVASO, vì công ty này không có bất cứ liên quan gì với điện ảnh. “Cổ phần hóa là chủ trương tất yếu, nhưng lựa chọn một đơn vị duy trì tiếp con đường của hãng phim có truyền thống về sản xuất phim thì cấp độ các nhà quản lý phải suy nghĩ”, NSND Thanh Vân tâm sự.

Trong khi đó, là người từng có hơn 30 năm gắn bó với VFS, NSƯT Bùi Cường bày tỏ: “Tôi không rõ kế hoạch tiếp theo của VIVASO là gì, nhưng tôi hơi hoang mang về tương lai của hãng phim. Một hãng phim có bề dày lịch sử với nhiều bộ phim được thế giới biết đến, mà giờ lại bán cho một công ty không có chút dính dáng, kinh nghiệm nào với điện ảnh. Họ có tiền nên có thể cứ thế nhảy vào mua một hãng phim như thế sao?”.  

Bản thân đạo diễn Vương Đức, Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam cũng từng chung tâm lý lo ngại với mọi người. “Tất nhiên, nếu đó là một đơn vị nào đó gần gũi với chúng tôi hơn, chẳng hạn những mạnh thường quân tài trợ cho hãng phim, hiểu về phim ảnh, văn hóa thì sẽ tốt hơn”, ông Đức tâm sự.

Tuy nhiên, bên cạnh những hoang mang đó, vẫn có những ý kiến khác. Biên kịch Đinh Thiên Phúc cho biết, ông rất ngạc nhiên trước ý kiến cho rằng, đối tác chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy (chiếm 65% cổ phần) là dân lái tàu thủy, không biết làm phim.

Ông nói: “Thế bây giờ Vietnam Airlines nhào vô, các ông cũng bảo họ chỉ biết lái máy bay, đâu biết làm phim? Hoặc Vinamilk nhảy vào làm đối tác, các ông cũng nói doanh nghiệp bán sữa biết gì phim ảnh mà nhảy vào? Tư duy này hết sức thiển cận. Còn chuyên môn ư? Tôi tin nhà đầu tư sẽ trọng dụng đội ngũ làm phim dày dạn kinh nghiệm của số 4 Thụy Khuê, Hà Nội. Bạn có thể không làm nghề xây dựng, nhưng khi xây nhà, bạn cần có tiền và tìm được đội ngũ thợ giỏi”.

Đâu là lý do?

Nhìn lại một thập kỷ qua, VFS đã sản xuất rất nhiều bộ phim được đánh giá cao về nghệ thuật như: Trái tim bé bỏng, Mùi cỏ cháy, Rừng đen, Những người viết huyền thoại,… Tuy nhiên, không phải bộ phim nào cũng mang lại lợi nhuận. Doanh thu của những bộ phim Nhà nước gần như không bao giờ được công khai, nhưng nhìn vào lượng người xem tại các rạp có thể ước tính phim thành công hay thua lỗ.

Phim Rừng đen và Những người viết huyền thoại lặng lẽ rời rạp sau 1 tuần công chiếu vì vắng khán giả. Trong khi đó, phim Sống cùng lịch sử (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) gây một cú “sốc” nặng cho công chúng khi kinh phí làm phim lên tới 21 tỷ đồng nhưng số vé bán ra chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nhiều nghệ sĩ không đồng tình khi bị bán cho một công ty xa lạ, vậy thử hỏi, họ đã đưa nghệ thuật của Việt Nam nói chung và các sản phẩm của VFS đi đến đâu?

Họ đã nhận rất nhiều giải thưởng, danh hiệu, mà để đến hôm nay, phải bán hãng phim có bề dày hơn nửa thế kỷ cho một công ty lạ hoắc, vậy những nghệ sĩ đang ở đâu? Họ nói vậy nhưng có nghiệm ra chính họ đã đẩy VFS tới mức không còn giá trị thương hiệu?”. Đạo diễn Hà Sơn

Chính đạo diễn Vương Đức cũng thừa nhận, khoảng 20 năm nay, VFS làm phim hầu như đều thua lỗ. Hiện tại, lỗ lũy kế của hãng phim đã lên đến gần 40 tỷ đồng. Bởi vậy, khi đưa ra đấu giá cổ phần, giá trị thương hiệu của hãng phim chỉ ở mức 0 đồng.

Nhìn thẳng vào sự thật, đạo diễn Hà Sơn cho hay, hầu hết các hãng phim của Nhà nước đều không mang lại lợi nhuận, trong khi vẫn tiêu tốn hàng tỷ đồng mỗi năm. Ông phân tích: “Làm phim không ai xem thì không thể tuyên truyền được, vậy là nhiệm vụ chính trị không hoàn thành. Lợi nhuận lại không có. Bởi vậy, cổ phần hóa là một trong những cách để thoát nợ nhanh nhất”.

Khi đặt câu hỏi có phải mảnh đất số 4 Thụy Khuê được bán lại với giá 20 tỷ đồng, giá trị thương hiệu của hãng chỉ bằng 0, phải chăng đó là “món hời” nên VIVASO mới quyết định mua lại cổ phần của VFS, ông Nguyễn Danh Thắng, Phó TGĐ Tổng công ty Vận tải thủy phủ nhận điều này.

Ông Thắng nói: “Quyết định đầu tư cho VFS, ngoài tình yêu với điện ảnh, chúng tôi còn kỳ vọng sau khi chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần với sự đầu tư chiều sâu, các chế độ đãi ngộ phù hợp, chúng tôi sẽ được cộng tác với các đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên để thúc đẩy ngành sản xuất điện ảnh phát triển, mang lại lợi nhuận cho công ty.

Ngoài ra, chúng tôi muốn điện ảnh là kênh truyền thông để VIVASO thúc đẩy các nghề kinh doanh của công ty. Đặc biệt, chúng tôi đang tiến tới thành lập một công ty kinh doanh đa ngành nghề”.

Trước trăn trở của các nghệ sĩ là hãng phim sẽ hoạt động như thế nào, ông Thắng khẳng định, sau khi cổ phần hóa, hãng sẽ hoạt động với hai dòng phim là thương mại và nghệ thuật. Công ty sẽ tạo mọi điều kiện cho các nghệ sĩ hoạt động một cách tốt nhất, cố gắng thu hút và kêu gọi các nhà đầu tư, phát hành. Tuy nhiên, cổ phần hóa không đơn giản, những thách thức và khó khăn vẫn còn ở phía trước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.