Xã hội

Tranh cãi việc cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật

15/04/2015, 10:26

Cấp xã là cấp cơ sở, do đó, không nên giao cho cấp này thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

cap xa
Còn nhiều tranh cãi trong việc giao quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho chính quyền cấp xã - Ảnh minh họa

Sáng nay (15/4), Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận và cho ý kiến về một số vấn đề còn tranh cãi trong Dự án Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật.

Trình bày báo cáo Giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật ban hành văn bản pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, liên quan đến thẩm quyền, hình thức ban hành văn bản của cấp huyện, cấp xã, có ý kiến đề nghị giao cho chính quyền cấp huyện, cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Có ý kiến đề nghị chỉ giao cho chính quyền cấp huyện ban hành văn bản quy phạm pháp luật; một số ý kiến khác đề nghị không giao cho chính quyền cấp huyện, cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, để bảo đảm chính quyền cấp huyện thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phù hợp với đặc điểm của địa phương thì việc giao cho chính quyền cấp này thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết, nhưng phải xác định rõ phạm vi, thẩm quyền và hình thức văn bản; đồng thời, quy định chặt chẽ quy trình ban hành nhằm khắc phục hạn chế hiện nay là cấp chính quyền này ban hành nhiều văn bản nhưng nội dung lại ít chứa quy định mới, hiệu lực, hiệu quả không cao. Theo đó, Dự thảo quy định Hội đồng nhân dân cấp huyện ban hành nghị quyết; Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định để quy định những vấn đề mà luật, nghị quyết của Quốc hội giao ban hành.

Đối với cấp xã, đây là cấp cơ sở có trách nhiệm triển khai thực hiện pháp luật, do đó, không nên giao cho cấp này thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hơn nữa, qua khảo sát thực tế cho thấy, mặc dù Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2004 giao cho cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng thực tiễn cho thấy, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành là sao chép lại văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, thậm chí không đúng với văn bản của cơ quan cấp trên vv... Do đó,  đề nghị không quy định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã.

Tuy nhiên, khi cho ý kiến về việc này, nhiều ĐBQH chuyên trách tại các địa phương nhấn mạnh rằng cần phải có sự cân nhắc thận trọng, vì khi không giao quyền cho cấp xã thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức chính quyền ở địa phương cấp xã. Nếu cho rằng chất lượng ban hành của UBND cấp xã còn thấp, chưa đảm bảo, còn sao chép thì phải tạo cơ chế tìm giải pháp khắc phục chứ không phải là ngừng giao quyền.

Một vấn đề khác còn nhiều tranh cãi là thẩm quyền ban hành văn bản của chính quyền đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt cũng là một loại hình chính quyền địa phương được quy định tại Điều 110 của Hiến pháp. Tuy nhiên, mô hình về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt hiện nay đang được nghiên cứu, chưa rõ là sẽ thuộc cấp hành chính nào, do đó Dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật chỉ quy định về hình thức văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ do Quốc hội quy định khi quyết định thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đó.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.