Điện ảnh

Tranh cãi việc hạn chế cảnh uống rượu, bia trong phim

02/03/2020, 06:52

Quy định: “Hạn chế hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình” ảnh hưởng thế nào đến sáng tạo nghệ thuật?

img
Phim “Quỳnh búp bê” có cảnh các cô gái làng chơi tiếp rượu

Điều 4 Nghị định 24 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 24/2/2020 quy định: “Hạn chế hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình”. Câu hỏi đặt ra, điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến sáng tạo nghệ thuật?

Không cấm hoàn toàn

Còn nhớ, năm 2018, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Thông tư 25 quy định việc hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh (thay thế cho Thông tư số 02/2014). Thông tư 25 từng khiến giới làm nghề không khỏi lo lắng, hoang mang lẫn lúng túng. Nghị định 24 lần này cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ giới làm nghề. Đạo diễn Nguyễn Phương Điền ủng hộ hoàn toàn và cho rằng: “Nghị định 24 có nói là hạn chế chứ không cấm hoàn toàn và cần đến sự linh hoạt xử lý của đạo diễn. Thừa nhận rằng rượu, bia là công cụ để làm nổi bật tính cách, hoàn cảnh câu chuyện, nhưng nếu không trực tiếp sử dụng, đạo diễn có thể làm cách khác, tạo một tình huống, nhân vật sao cho linh hoạt để vừa nói lên thông điệp nhưng vẫn đúng theo các luật pháp hiện hành”.

“Ví dụ trước đây, trên phim, nhân vật lúc nào cũng phì phèo thuốc lá. Sau đó, nhà sản xuất vẫn làm phim và vẫn có nhiều tác phẩm hay đấy thôi. Đến giờ, nhân vật nào hơi buồn bã một chút là ngồi cầm ly rượu uống thì cũng sẽ gây nhàm chán. Hơn nữa, chắc chắn trước khi ban hành, Nghị định đã được họp bàn, cân nhắc rất nhiều rồi”, đạo diễn “Tiếng sét trong mưa” cho hay.

Đồng quan điểm với đạo diễn Phương Điền, theo diễn viên Minh Tiệp, thời gian qua có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm do rượu, bia gây ra. “Sử dụng rượu, bia trên phim nên ở mức tương đối, nhiều quá sẽ dễ bị bội thực. Hơn nữa, các bạn trẻ ngày nay rất thích phim Việt Nam. Nhiều người hâm mộ nghệ sĩ nào đó, xem phim của họ lại học theo phong cách, lối sống của nhân vật trong phim thì sẽ không tốt. Trước đó, Nhà nước đã ban Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì cớ sao nghệ sĩ vẫn uống rượu, bia trên phim ầm ầm? Chúng ta thiếu gì cách để thể hiện tình cảm, đâu cứ nhất thiết lúc nào cũng phải cần đến rượu?”, nam diễn viên bày tỏ.

Như thế nào sẽ là phạm luật

img
Nhân vật do Mỹ Tâm thủ vai trong phim "Chị trợ lý của anh" uống bia giải sầu khi gặp căng thẳng

Với Nghị định 24, bước đầu dễ thấy điểm tích cực vì nếu siết chặt các quy định, những cảnh quảng cáo lộ liễu, hay cảnh uống rượu tràn lan trên phim ảnh sẽ được “làm sạch”. Tuy nhiên, giới chuyên môn vẫn hoài nghi về tính chặt chẽ và thuyết phục của Nghị định này đối với việc sáng tạo nghệ thuật. Đạo diễn Phan Đăng Di vẫn thấy Nghị định còn mơ hồ và nhiều hạn chế. Đặc biệt, sẽ có nhiều áp lực đối với nhà làm phim và hội đồng kiểm duyệt đối với các cảnh phim không nhằm mục đích khắc họa nhân vật/tái hiện sự kiện lịch sử hay phê phán hành vi. “Với Nghị định này, những phim có cảnh sử dụng rượu, bia nhằm mục đích nghệ thuật sẽ gây khó cho việc sáng tạo nghệ thuật, điện ảnh. Chẳng hạn đám cưới ở vùng quê, cảnh tại quán bar, cảnh những tên cộm cán gặp mặt nhau tại bữa tiệc và mời rượu... sẽ được tái hiện lại trên màn ảnh như thế nào? Lúc đó, liệu phim có còn đời, còn chân thật không khi phải bỏ đi những cảnh quay mà chúng buộc phải xuất hiện?”, đạo diễn Phan Đăng Di cho hay.

Luật sư Trần Anh Dũng (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhất trí cho rằng, Nghị đinh 24 quy định khá rộng và chặt chẽ, gây khó khăn đến việc sản xuất phim. Nhất là các phim về đề tài xã hội, phản ánh những góc tối của đời sống sẽ rất khó lên sóng, thậm chí có thể bị phải loại ra hết khỏi các cảnh quay. “Các nước có nền điện ảnh phát triển cũng không có quy định như vậy! Đó là công cụ để thể hiện thông điệp, dẫn dắt câu chuyện, nếu cắt đi hoàn toàn thì có thể làm mất đi tuyến tính nhân vật, câu chuyện. Hơn nữa, phim ảnh là phần xã hội thu nhỏ của đời sống thực nên trong các tác phẩm phim ảnh, sân khấu. Các cảnh hút thuốc đưa vào là cần thiết nhằm làm cho phim, tác phẩm sân khấu chân thực hơn”, luật sư Dũng phân tích.

Có một điều đặc biệt, trong Nghị định 24 không có phụ lục đính kèm liên quan đến các sản phẩm diện ảnh được chiếu trên nền tảng Internet, mà nổi bật là loại hình webdrama nở rộ trong thời gian vừa qua. Luật sư Trần Anh Dũng cho rằng, nếu webdrama không được liệt kê vào danh mục sản phẩm điện ảnh nói chung thì trong khi những người làm nghệ thuật chân chính bị hạn chế, phim ảnh nghệ thuật bị kiểm soát chặt chẽ thì những nội dung nhảm nhí trên mạng xã hội lại được buông lỏng, tùy tiện.

Theo PGS.TS xã hội học Trịnh Hòa Bình (nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học Việt Nam), ở góc độ tích cực, việc ban hành Nghị định 24 là thiết thực. Nhưng, ở góc độ nghệ thuật, nếu cứ “thò” cảnh nào ra là bị cắt sẽ khó cho điện ảnh. Trong khi đó, lĩnh vực sân khấu có thể dễ dàng hơn. Vì sân khấu không cần phải có rượu, bia thật để biểu đạt hoàn cảnh mà có sự hỗ trợ của âm thanh, ánh sáng… Nhưng điện ảnh phải diễn xuất, phải tạo tình huống như đời thật. Hay nói cách khác, rất khó có thể áp dụng nghị định này vào thực tế bởi chưa có sự rõ ràng. “Vấn đề quan trọng là trường đoạn đó dài bao nhiêu, lặp lại bao nhiêu lần sẽ được cho là vi phạm. Ở đây, điều đó chưa lượng hóa được để quy ra trách nhiệm. Nhưng đây là một “miền” khó xác định. Vì, nghệ thuật không phải là một đại lượng có thể cân đo, đong đếm được như trong toán học, vật lý. Do đó, việc phim có sử dụng rượu, bia “lọt ải” kiểm duyệt hay không vẫn tùy theo cách hiểu, cách nhìn nhận vào từng tác phẩm để đánh giá mức độ”, ông Trịnh Hòa Bình nói và cho rằng, vấn đề quan trọng là những đánh giá của Hội đồng kiểm duyệt, nhà quản lý có cảm tính, có thiên kiến hay không, chứ không nằm ở những câu chữ của Nghị định 24.

Theo Nghị định số 24, hình ảnh diễn viên uống rượu, bia phải đảm bảo không vi phạm điều cấm như: Ép buộc người khác uống; người chưa đủ 18 tuổi uống; dùng lao động chưa đủ 18 tuổi tham gia sản xuất, mua bán; lái xe sau khi uống rượu, bia... Các tác phẩm điện ảnh không được xuất hiện hình ảnh diễn viên uống rượu, bia tại cơ sở y tế, giáo dục, nơi cai nghiện, trung tâm bảo trợ xã hội, nơi làm việc cơ quan Nhà nước, công viên, nhà chờ xe buýt, rạp chiếu phim, nhà hát...

Việc sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia nhằm mục đích nghệ thuật chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết để khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử hoặc tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định hoặc phê phán, lên án hành vi uống rượu, bia.

Việc sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia nhằm mục đích nghệ thuật phải được cơ quan có thẩm quyền duyệt phim chấp thuận trên cơ sở đề nghị của Hội đồng thẩm định phim theo quy định của Luật Điện ảnh hoặc được cơ quan có thẩm quyền cấp phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật chấp thuận theo quy định.

Đồng thời, nghị định cũng nêu rõ: Không ca ngợi tổ chức, cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh rượu, bia.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.