Hồ sơ tài liệu

Tranh cãi việc mua chuyên cơ cho nguyên thủ

02/01/2016, 13:15

Thực tế tại Anh, nguyên thủ nước này vẫn đi thuê máy bay mỗi chuyến công tác.

Thủ tướng Anh David Cameron đang đối mặt tranh luậ
Thủ tướng Anh David Cameron đang đối mặt tranh luận dữ dội vì quyết định mua máy bay làm chuyên cơ.

Đã quen hình ảnh chuyên cơ sang trọng của các nguyên thủ trong các bộ phim “bom tấn” nên người ta mặc định, mỗi nước đều có chuyên cơ riêng cho nguyên thủ. Thực tế tại Anh, nguyên thủ nước này vẫn đi thuê máy bay mỗi chuyến công tác và quyết định mua chuyên cơ phục vụ công cán nhiều lần bị phản đối dữ dội.

Thực sự cần mua máy bay mới phục vụ công cán?

Việc đi lại bằng đường hàng không của Hoàng gia Anh và các quan chức cấp cao do phi đội số 32 thuộc Không quân Hoàng gia (RAF) đảm nhiệm. Trung tuần tháng 11, Chính phủ Anh đặt hàng tân trang lại một chiếc máy bay cũ A330 Voyager của RAF trị giá 10 triệu bảng Anh (tương đương 339 tỷ VND) để phục vụ Thủ tướng, Bộ trưởng, gia đình Hoàng gia trong các chuyến công tác dài. Khi hết hạn sử dụng, chiếc A330 sẽ được sử dụng làm máy bay tiếp nhiên liệu trên không.

Quyết định trên đã khơi mào cuộc tranh cãi: Liệu có thực sự cần thiết mua máy bay mới hay không? Bởi, nó được đưa ra chỉ cách thời điểm Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne công bố kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách, thắt lưng buộc bụng khoảng một tuần.

Giới chức Anh khẳng định, việc sử dụng máy bay A330 Voyager làm chuyên cơ cho nguyên thủ, các Bộ trưởng và thành viên Hoàng gia giúp người đóng thuế tiết kiệm 775 nghìn bảng Anh/năm so với phí thuê máy bay.

Thứ nhất, Nữ phát ngôn Thủ tướng khẳng định, A330 Voyager là loại máy bay rẻ nhất trên thị trường, dù chưa cho biết có lắp thêm giường hay phòng tắm riêng hay không. Tiếp đó, Phủ Thủ tướng ước tính, khi thuê máy bay, họ phải chi 6.700 bảng Anh/giờ bay công tác của Thủ tướng. Trong khi, với dự án mới, chi phí sẽ giảm xuống còn 2.000 bảng Anh. Người dân Anh lâu nay vốn bức xúc và phàn nàn về chi phí thuê máy bay của Thủ tướng quá đắt đỏ.

Điển hình, trong chuyến sang Arab Saudi dự đám tang Nhà vua Abdullah, Chính phủ phải chi 100 nghìn bảng Anh thuê máy bay đưa ông Cameron và các thành viên Hoàng gia đi. Người phát ngôn Chính phủ cho biết: “Chúng tôi dự định sẽ nâng cấp máy bay của RAF thành chuyên cơ chở Thủ tướng, các Bộ trưởng cấp cao cũng như Hoàng gia nhằm tiết kiệm tiền cho người dân. Đây là một phần trong kế hoạch chi tiêu quốc phòng của Chính phủ”.

Thủ tướng Anh David Cameron đang đối mặt tranh luậ
Thủ tướng Anh David Cameron và vợ trên một chuyến bay.

Điều đáng nói, dù khẳng định sẽ tiết kiệm tiền cho người đóng thuế nhưng Phủ Thủ tướng cho biết, phải sau 13 năm (đến năm 2028) chuyên cơ này mới làm được điều đó. Trong khi, “tuổi thọ của Voyagers thông thường chỉ khoảng 20 năm”. Như vậy, nhiều chuyên gia tính toán, số tiền tiết kiệm không đáng là bao.

Ông David Hunter, Giám đốc Công ty cho thuê máy bay EastWest Aviation cáo buộc Chính phủ “tâng bốc” số tiền chuyên cơ tương lai tiết kiệm giúp người dân. “A330 là loại máy bay lớn (có thể chứa 158 chỗ). Do đó, chi phí để duy trì hoạt động cho A330 không hề nhỏ - không có chuyện chi phí hoạt động chỉ 2.000 bảng Anh/giờ”.

Máy bay sơn quốc hiệu đẳng cấp hơn máy bay thương mại thông thường?

Trong khi đó, một bộ phận khác ủng hộ mua máy bay. Theo họ, vấn đề chi phí không đáng nói, quan trọng là nếu sắm chuyên cơ riêng sẽ giúp nâng tầm và giữ thể diện quốc gia. Là nền kinh tế đứng thứ năm thế giới nhưng Anh là nước duy nhất trong nhóm G20 không có chuyên cơ cho lãnh đạo.

Tờ Express so sánh Anh với các nền kinh tế nhỏ hơn như: Argentina, Australia, Brasil, Canada, Indonesia, Italia, Hàn Quốc, Mexico, Saudi Arabia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ... và những nước này đều sở hữu chuyên cơ riêng dành cho các lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia.

“Họ nghèo hơn nhưng họ vẫn có máy bay riêng cho lãnh đạo vì họ hiểu nó không chỉ giúp các nguyên thủ đi lại tiện lợi mà còn thể hiện hình ảnh quốc gia”, Express bình luận và nhấn mạnh thêm:  “Rõ ràng, nếu lãnh đạo tới tham dự Hội nghị thượng đỉnh quốc tế, bước xuống từ máy bay sơn quốc hiệu, chắc chắc sẽ ấn tượng hơn là bước xuống từ máy bay thương mại thông thường”.

Dù vậy, có lẽ với Anh, giới chức và người dân không quá xem trọng vấn đề thể hiện hình ảnh quốc gia qua chuyên cơ. Trước đây, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cũng từng đề xuất mua hai máy bay phục vụ riêng Thủ tướng và Nữ hoàng trong dự án được dư luận Anh gọi “lái” là Blair Force One (tương đương Air Force One của Tổng thống Mỹ).

Tuy nhiên, kế hoạch Blair Force One liên tiếp gặp sóng gió trên chính trường. Chính phủ do Công đảng cầm quyền ủng hộ việc mua một máy bay riêng cho các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, liên tiếp vấp phải chỉ trích của chuyên gia tài chính. Sau đó, chuyện mua chuyên cơ một lần nữa khuấy động dư luận khi Ủy ban An ninh và tình báo Quốc hội ủng hộ kế hoạch mua chuyên cơ cho Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng để đảm bảo an toàn. Ủy ban này giao cố vấn Sir Peter Gershon nghiên cứu kỹ kế hoạch mua và trang bị chuyên cơ.

Theo cố vấn Sir Peter Gershon, chiếc máy bay mới phải được trang bị hệ thống liên lạc hiện đại, có khả năng chuyên chở đội ngũ phóng viên tùy tùng cùng hệ thống an ninh tối tân nhất. Để giảm chi phí, cố vấn khuyên nên thuê dài hạn chứ không mua đứt máy bay. Ước tính kế hoạch trên tiêu tốn 12,3 triệu bảng Anh/năm, đắt hơn chi phí thuê máy bay khoảng 2,7 triệu bảng/năm. Chi phí sử dụng chuyên cơ sẽ do phía sử dụng chi trả như Văn phòng Thủ tướng, Bộ Quốc phòng hay Hoàng gia.

Tuy vậy, kế hoạch mua chuyên cơ vẫn tiếp tục bị nhiều nhóm chính trị phản đối gay gắt. Đảng Bảo thủ chỉ trích dự án lãng phí. Các chính trị gia khác mỉa mai, Chính phủ đang tiêu tốn tiền thuế để quan chức đi lại cho “sành điệu”. Do đó, nhiều người e ngại, nếu không có kế hoạch chi tiêu mua sắm máy bay rõ ràng và hợp lý, rất có thể kế hoạch trang bị chuyên cơ lần này của Thủ tướng David Cameron khó thành hiện thực.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.