Xem - ăn - chơi

Tranh cãi việc thu phí bản quyền bản ghi hình karaoke

04/04/2017, 09:16

Việc Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) áp dụng mức thu phí quyền liên quan với những bản ghi hình...

24

Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam chỉ thu tác quyền bản ghi hình, không thu của bản ghi âm

Những đầu karaoke nào bị thu?

Vừa qua, Công văn số 01/CV-RIAV-LC/2017 ra ngày 24/3/2017 của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam đã khiến dư luận xôn xao khi yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trả phí với những bản ghi thuộc quyền sở hữu của RIAV. Theo đó, “các đơn vị kinh doanh dịch vụ karaoke hiện sử dụng các sản phẩm bản ghi (ghi âm, ghi hình) âm nhạc thuộc quyền sở hữu, quyền quản lý của RIAV vào mục đích kinh doanh, nhằm thu lại lợi nhuận khi chưa có sự thỏa thuận và được phép của các chủ sở hữu”.

Điều này khiến nhiều chủ quán karaoke hiểu rằng, họ sắp phải gồng gánh một khoản phí không nhỏ cho hàng nghìn bản ghi (ghi âm, ghi hình) trong đầu máy karaoke của mình. Tuy nhiên, nhạc sĩ Minh Châu lý giải, không phải tất cả các đầu máy karaoke hiện nay đều có bản ghi của RIAV. Những đầu máy karaoke như của Cali, Ariang… là karaoke midi - file midi để tích hợp hàng chục nghìn bài trên một đĩa với dung lượng mỗi bài hát đều rất nhẹ. Những bản karaoke midi này đều đã được làm lại nên thuộc quyền sở hữu của nhà sản xuất đầu máy karaoke chứ không thuộc về RIAV.

Tuy nhiên, nhạc sĩ Minh Châu cũng nhìn nhận, Công văn số 01/CV-RIAV-LC/2017 của RIAV chỉ ghi: Thu phí tác quyền liên quan với những bản ghi (ghi âm, ghi hình) là chưa rõ ràng. RIAV cần làm rõ đơn vị này sẽ thu cái gì, bởi nhiều người còn đang rất mơ hồ chưa hiểu rõ bản chất việc thu phí.

Bà Trương Thị Thu Dung, Phó chủ tịch thường trực RIAV cho hay, hiệp hội sẽ sàng lọc từng đầu máy, chỉ thu tiền những bản ghi hình thuộc về RIAV. Bởi trong đầu máy các thương hiệu mà các quán karaoke đang sử dụng có sản phẩm của rất nhiều nơi, kể các cả trung tâm hải ngoại. Thực tế, các quán karaoke sử dụng nhiều loại đầu máy khác nhau, mỗi đầu máy lại chứa sản phẩm thuộc bản quyền của các trung tâm, nhà sản xuất, nghệ sĩ khác nhau chứ không chỉ riêng RIAV.

“Nhiều đầu máy karaoke hiện nay có khoảng 20 nghìn bài, trong số đó chỉ có tối đa 5000 bài hoặc tối thiểu 2000 bài của RIAV thôi, còn lại là bài của những trung tâm khác. Chúng tôi không có trách nhiệm và cũng không thu tác quyền quyền liên quan của những trung tâm ấy. Với bản ghi hình, nhìn vào hình có thể phân biệt được bài hát này của nhà sản xuất nào, khi thu phí về thì trả lại cho họ cho đúng”, bà Dung chia sẻ.

Cào bằng 2.000 đồng có hợp lý?

Tuy nhiên, việc thu phí cào bằng 2.000 đồng/bài/đầu máy được nhiều người đánh giá là không hợp lý và thiếu công bằng. Vì thực tế, tại cơ sở kinh doanh karaoke có những ca khúc có lượt sử dụng lên tới hàng nghìn lần/năm, nhưng cũng có những bài rất ít người sử dụng. Do đó, hai loại này không thể có cùng mức phí tác quyền như nhau.

Theo ca sĩ Nhật Kim Anh, cô ủng hộ việc thu phí quyền liên quan này, bởi từ trước tới nay, hầu hết nghệ sĩ đều không nhận được tiền tác quyền từ karaoke. Trong khi đó, các nghệ sĩ phải mua độc quyền bài hát, về hòa âm phối khí, thu âm, quay hình, tốn nhiều tiền và công sức quảng bá cho bài hát của mình nổi tiếng để khán giả biết đến. Và cho đến khi ra tới bài karaoke là cả quá trình khó khăn.

Thế nhưng, Nhật Kim Anh lại không đồng tình với việc thu phí đồng giá 2.000 đồng/bài. “Điều này sẽ thiệt thòi cho những chủ sở hữu có ca khúc được nhiều người hát, vì họ đã tốn rất nhiều công sức để ghi âm ghi hình, hòa âm phối khí hay, quảng bá bài hát cho khán giả biết. Nếu vất vả như vậy mà tiền tác quyền vẫn bằng những chủ sở hữu bài hát ít người biết là không công bằng”, cô tâm sự.

Trong khi đó, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng thừa nhận chưa bao giờ anh nhận được tiền tác quyền từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Chỉ có các nhà sản xuất băng đĩa thường làm việc trực tiếp với công ty của anh để mua bài về làm karaoke. “Từ trước đến nay mọi người cũng “dùng chùa” quen rồi. Nhiều bài hát của tôi họ còn tự lấy nhạc, tắt tiếng ngang nhiên, trong khi mình phải bỏ rất nhiều tiền để làm hòa âm. Nhưng dù sao, tôi cũng nghĩ nên có chế độ thu hợp lý đối với các cơ sở kinh doanh karaoke”, Mr. Đàm chia sẻ.

Giải thích về điều này, bà Trương Thị Thu Dung chia sẻ, việc chia đồng đều hay không cho các hội viên, nhà sản xuất là công việc của hiệp hội, khi nào nhà sản xuất phản ứng thì hãy bàn tới. Bà cũng cho biết thêm: Tác quyền 2.000 đồng/bài là quá rẻ so với hàng chục, hàng trăm triệu đồng mà nhà sản xuất đã bỏ ra để thực hiện. Được biết, việc thu phí được áp dụng với các điểm kinh doanh karaoke trên toàn quốc từ tháng 7 và thời hạn được sử dụng là một năm, RIAV sẽ không truy thu thời gian sử dụng trước đây. Số tiền thu được sẽ dùng 10% để chi trả các chi phí hoạt động của văn phòng hiệp hội, 5% trả cho Sở Văn hóa, Thể thao hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, còn lại trả trực tiếp cho các chủ sở hữu.

Nhiều hiệp hội bảo vệ tác quyền chưa tạo được niềm tin

Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết: Các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan đi vào hoạt động thu được một số kết quả khích lệ. Tuy nhiên, theo ông, hệ thống tổ chức đại diện ở Việt Nam phát triển chưa đầy đủ, chưa đủ mạnh và chuyên nghiệp; chưa thực hiện đầy đủ tính công khai, minh bạch; hoạt động cấp phép, thu và phân phối tiền bản quyền đang gặp nhiều khó khăn, có lĩnh vực chưa triển khai được, ảnh hưởng đến niềm tin của hội viên. Đặc biệt, chưa có sự hợp tác, phối hợp giữa các tổ chức đại diện tập thể với nhau trong xử lý các vướng mắc xảy ra trong thực tiễn hoạt động hoặc trong lĩnh vực và phạm vi quản lý quyền có liên quan.

Để khắc phục những tồn tại trên, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam; Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam; Hội Bảo vệ quyền nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam đã kí kết chương trình phối hợp với nhau. Theo đó, thay vì 3 tổ chức trên đứng lên lần lượt thu tiền tác quyền, sẽ ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thực hiện thu tiền khai thác tác quyền một lần.

Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương (Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam), sự hợp tác giữa ba đơn vị theo quy định này thể hiện việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan đã tiến thêm một bước. Đó là tạo sự thuận lợi cho các đối tác, các cá nhân sử dụng quyền âm nhạc và quyền liên quan. “Trước đây, hàng năm, từng hội và trung tâm sẽ đến yêu cầu trả tiền tác quyền gây rắc rối cho cá nhân, tổ chức sử dụng. Nhưng giờ đây, các tổ chức, cá nhân sẽ có một đầu mối để trả tiền tác quyền, đó là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam”. Theo nhạc sĩ, đây là công việc hết sức khó khăn, nhưng vẫn phải tiếp tục làm, thương thảo. Bởi, quyền tác giả, quyền liên quan nếu không được bảo vệ xứng đáng thì sẽ triệt tiêu nguồn lực trí tuệ, triệt tiêu sáng tạo của xã hội.

Bắc Lưu

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.