Điều tra

Tranh cãi việc xử phạt người báo chốt CSGT

16/03/2020, 09:30

Việc xử lý những đối tượng thành lập hội nhóm trên MXH thông báo cho người vi phạm vị trí CSGT cắm chốt đang gây ra những ý kiến trái chiều...

img
Cơ quan An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Thanh Hóa làm việc với đối tượng L.N.T

Gây ảnh hưởng đến công tác TTKS

Ngày 6/3, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định xử phạt 5 triệu đồng đối với L.N.T (SN 2001, quê quán xã Châu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, hiện đang ở tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) tạo lập nhóm Thông chốt, Báo chốt, Trêu Cảnh sát Cơ động Thanh Hóa, sau đó đổi tên nhóm thành “Thông chốt, báo chốt TP Thanh Hóa”.

Nhóm thành lập ngày 8/7/2019, chỉ sau một thời gian ngắn đã có hơn 17.000 thành viên, thường xuyên đăng tải các thông tin, hình ảnh về các điểm, chốt kiểm tra của lực lượng CSGT, trật tự để các thành viên né tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng thực thi công vụ.

Công an huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang cũng vừa xử phạt đối tượng Nguyễn Văn Tú (SN 1999, trú tại thôn Hồ Lương, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam) 7,5 triệu đồng vì hành vi lập nhóm facebook thông báo chốt CSGT “giúp” một số người trốn tránh việc kiểm tra, xử phạt.

Công an TP Đà Nẵng cũng đã lập biên bản xử phạt N.Đ.C (32 tuổi, trú tại quận Sơn Trà) và N.H.D là 2 admin “Chốt KT nồng độ cồn Đà Nẵng” và “Nồng độ cồn Đà Nẵng!”. Hai trang facebook này chuyên “chỉ điểm” giúp dân nhậu vượt trạm kiểm tra nồng độ cồn.

Trước đó, nhiều công an các địa phương như Phú Thọ, Điện Biên, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Tây Ninh, Hà Nội... đều đã xử lý những đối tượng lập nhóm trên facebook, zalo để các thành viên chỉ những điểm chốt CSGT đang làm việc. Các biên bản xử phạt đều căn cứ vào Điểm e, Khoản 3, Điều 66, Nghị định 174/2013/NĐ - CP, ngày 13/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Trao đổi với Báo Giao thông, Thượng tá Lê Việt Hồng, Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, hành vi lập nhóm để đăng tải hình ảnh, bài viết về các điểm, chốt kiểm tra của lực lượng CSGT, trật tự mà các đối tượng lập ra là rất nguy hiểm, không chỉ cản trở, tác động xấu đến hiệu quả công tác TTKS, xử lý vi phạm giao thông mà còn có thể để các đối tượng phạm pháp hình sự, tàng trữ, vận chuyển ma túy, vũ khí nguy hiểm… biết để né tránh sự kiểm tra, phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng. Do đó, hành vi này cần phải được xử lý kịp thời.

Trung tá Nguyễn Trung Kiên, Phó trưởng Công an huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang phân tích thêm: “Theo quy định, người dân được quyền giám sát hoạt động của CSGT, tuy nhiên, việc giám sát phải được thực hiện công khai và không được làm ảnh hưởng đến hoạt động của lực lượng chức năng. Trong khi đó, hành vi của các đối tượng lập nhóm trên là lén lút, thực hiện nhằm mục đích vụ lợi và làm ảnh hưởng đến hoạt động của lực lượng chức năng, cụ thể là giúp người vi phạm giao thông trốn tránh việc kiểm tra, xử phạt”.

Khó chứng minh được mục đích

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc xử phạt những người đăng hình ảnh chốt CSGT đang làm nhiệm vụ cần phải thận trọng.

“Theo tôi xử phạt những hành vi nêu trên thì cần phải thận trọng và xem xét kỹ lưỡng. Nếu người ta chụp ảnh chốt CSGT làm nhiệm vụ đưa lên mạng mà không gắn vào quảng cáo hay là mục đích bôi nhọ danh dự, nói sai sự thật thì không có căn cứ để xử phạt.

Trừ trường hợp CSGT đang làm nhiệm vụ có tính chất bí mật như chốt chặn vây bắt tội phạm hay bảo vệ an ninh cho tổ chức cá nhân nào đó. Nếu lực lượng CSGT lo ngại việc chụp ảnh chốt CSGT làm nhiệm vụ sẽ giảm hiệu quả việc xử lý người vi phạm giao thông thì lực lượng này cần phải có các biện pháp công tác nhằm thực hiện công việc có hiệu quả”, ông Xuyền cho biết.


Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Điểm d Khoản 1, Điều 3 Luật Xử phạt vi phạm hành chính đã quy định: “Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định”.

“Theo đó, hành vi nào bị cho là vi phạm hành chính và có thể bị phạt thì hành vi đó phải được quy định trong văn bản qui phạm pháp luật rõ ràng. Vì vậy, nếu chỉ xét hành vi báo cho bạn bè hoặc bất cứ ai biết được thông tin có CSGT để mà đi cho đúng luật, khỏi bị xử phạt không phải là hành vi vi phạm pháp luật hành chính, không thể bị xử phạt”, luật sư Bình nói.

Đồng quan điểm, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Hà Nội Tinh hoa cũng nêu quan điểm, việc người dân thông báo, truyền dữ liệu qua mạng viễn thông (facebook, tin nhắn hay điện thoại) với mục đích báo tin về nơi CSGT đang làm nhiệm vụ, cảnh báo trước cho người khác về hoạt động tuần tra, xử phạt vi phạm giao thông cũng là một trong những biện pháp giúp nâng cao ý thức tuân thủ giao thông.

Nếu mục đích của hành vi này là để người khác biết và chấp hành tốt các quy định giao thông thì không thể xử phạt. Cạnh đó, pháp luật không có quy định cụ thể về mục đích của hành vi thông báo chốt CSGT như thế nào thì mới gọi là sai.

Trao đổi với PV Báo Giao thông về vấn đề này, ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết: “Lực lượng chức năng nếu xử phạt những trường hợp chỉ điểm CSGT làm nhiệm vụ thì phải có căn cứ pháp lý, không thể có mỗi hành vi không mà xử phạt được. Cần phải xem quyết định xử phạt căn cứ vào đâu, hành vi đó có mục đích gì và thực hiện như thế nào để ra quyết định xử phạt”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.