Pháp đình

Tranh cãi việc xử tù nhóm cưa một cây gỗ khô trong rừng

24/08/2019, 07:36

5 bị cáo bị đưa ra xét xử về hành vi cưa 1 cây gỗ trắc đã chết khô thuộc rừng đặc dụng Đắk Uy.

img
5 bị cáo tại phiên tòa hôm 12/8

TAND tỉnh Kon Tum vừa mở phiên tòa xét xử phúc thẩm lần 3 vụ án “trộm cắp tài sản” đối với 5 bị cáo Phan Tiến Dũng (kiểm lâm tại BQL rừng đặc dụng Đắk Uy), Nguyễn Văn Bảy (38 tuổi), Nguyễn Văn Thụ (42 tuổi), Lê Quốc Khánh (40 tuổi), Nguyễn Ngọc Bình (39 tuổi, cùng trú tại Đắk Hà, tỉnh Kon Tum).

5 bị cáo bị đưa ra xét xử về hành vi cưa 1 cây gỗ trắc đã chết khô thuộc rừng đặc dụng Đắk Uy, chiều dài 2m, khối lượng 0,123m3 (được định giá hơn 19 triệu đồng). Khi đang thực hiện cưa gỗ, nhóm người này bị cơ quan chức năng phát hiện nên bỏ lại gỗ ở rừng.

Ngày 27/9/2017, TAND huyện Đắk Hà xử sơ thẩm lần 2, tuyên mỗi bị cáo từ 12-15 tháng tù. Ngày 1/6/2018, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm, tuyên 5 người này không phạm tội. Khi 5 công dân này gửi đơn yêu cầu TAND huyện Đắk Hà (nơi từng kết án oan cho các bị cáo) phải xin lỗi thì cơ quan này từ chối nhận đơn vì cho rằng phải chờ quyết định giám đốc thẩm.

Đến ngày 26/7/2018 Chánh án TAND Tối cao có kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng các bị cáo có phạm tội “trộm cắp tài sản”.

Tại phiên toà phúc thẩm lần 3 diễn ra ngày 12/8, phần tranh tụng giữa các luật sư và HĐXX xảy ra gay gắt. Luật sư Trần Cao Đại Kì Quân cho rằng, căn cứ vào các quy định của pháp luật, hành vi khai thác gỗ trắc của các bị cáo chỉ có thể xử lý hành chính, không thể cố tình ghép vào tội “trộm cắp tài sản”. “Tại nhiều địa phương khác cũng xảy ra các sự việc tương tự nhưng chưa có nơi nào xử lý tội “trộm cắp tài sản”. Thậm chí, ngay sau vụ án của các bị cáo, có vụ cũng vào rừng đặc dụng Đắk Uy khai thác trái phép với giá trị lớn hơn nhưng cũng chỉ bị xử lý hành chính”, luật sư Quân dẫn chứng.

Luật sư Lê Văn Hoan cũng dẫn các căn cứ pháp luật và khẳng định, các bị cáo cưa cây gỗ trắc đã chết không phải là tài sản do con người bỏ sức lao động tạo ra (gỗ mọc tự nhiên), cho nên hành vi của các bị cáo không cấu thành tội “trộm cắp tài sản”. Nếu cố tình ghép các bị cáo tội “trộm cắp tài sản” sẽ làm oan sai các bị cáo.

Tuy nhiên, đại diện VKSND tỉnh Kon Tum cho rằng, rừng đặc dụng Đắk Uy do nhà nước bỏ vốn ra trồng, trong đó có khúc gỗ trắc chết khô. Mục đích các bị cáo vào rừng cưa cây gỗ này là để chiếm đoạt. Hành vi của các bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp, không bị oan.

Kết thúc phiên toà, HĐXX giữ nguyên phần quyết định về tội danh trộm cắp tài sản và tuyên phạt Lê Quốc Khánh 12 tháng tù, Phan Tiến Dũng 10 tháng tù, Nguyễn Văn Bảy 8 tháng tù treo, Nguyễn Văn Thụ và Nguyễn Ngọc Bình cùng 6 tháng tù treo.

Đội mưa đến để tham dự phiên toà, ông Nguyễn Văn Cương (anh trai bị cáo Nguyễn Văn Bảy) thắc mắc: “Theo quy định, khai thác 5m3 trở lên mới khởi tố hình sự, cây gỗ chết khô kia nhóm bị cáo chỉ cắt hơn 1m3, sao không chỉ xử phạt hành chính mà bắt đi tù?”.

Bà Nguyễn Thị Hằng (vợ bị cáo Phan Tiến Dũng) nghẹn ngào kể, đã hơn 3 năm nay, gia đình không một ngày vui vì người đàn ông trụ cột trong nhà vướng vòng lao lý. “Ngao ngán quá, tội nhỏ có cần xử lớn đến vậy không?”, bà Hằng quay đi, gạt hai dòng lệ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.