Giao thông

Tranh cãi xe cứu hộ có được ưu tiên?

03/08/2017, 07:05

Xe cứu hộ giao thông không tránh khỏi việc bị lực lượng CSGT “hỏi thăm” khi sử dụng còi, đèn ưu tiên...

1

Doanh nghiệp cứu hộ đề nghị nên xem xe cứu hộ là xe chuyên dụng và cần có phù hiệu cho loại xe này - Ảnh: Tạ Tôn

Trong khi lực lượng chức năng coi xe cứu hộ là xe tải và phải được gắn phù hiệu kinh doanh vận tải thì doanh nghiệp làm công tác cứu hộ lại mong muốn được xem là xe chuyên dụng để được ưu tiên khi tham gia cứu hộ giao thông....

Ai quản lý xe cứu hộ?

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Trần Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ABC cho biết, đang lúng túng trong việc xác định xe cứu hộ phải gắn phù hiệu xe chuyên dụng hay phù hiệu xe tải. Khi xe chúng tôi lưu thông có thể bị lực lượng CSGT phạt nếu không có phù hiệu xe tải. Theo đúng lộ trình của Nghị định 86, từ ngày 1/7, xe tải từ dưới 3 tấn phải gắn phù hiệu kinh doanh vận tải, xe cứu hộ nào ra đường cũng bị phạt.

“Nếu xe cứu hộ bị coi như xe tải, công tác cứu hộ của chúng tôi sẽ gặp khó khăn do không được đi vào phố cấm, giờ cấm, không được đi làn ưu tiên và việc cứu hộ sẽ không kịp thời”, ông Minh nói và đề xuất: “Nên xem xe cứu hộ là xe chuyên dụng và cần có phù hiệu cho loại xe này”.

Cùng quan điểm, ông Bùi Xuân Duyên, Cứu hộ 116, Chi hội trưởng Chi hội Cứu hộ giao thông đường bộ VN (Hội ATGT Việt Nam) cho rằng, mỗi địa phương đang có cách hiểu khác nhau về phù hiệu vận tải đối với xe cứu hộ. Điều này dẫn tới có địa phương yêu cầu phải có phù hiệu vận tải, nhưng có nơi lại không. Dù doanh nghiệp xin cấp phù hiệu là xe kinh doanh vận tải nhưng họ cũng không cấp với lý do xe cứu hộ không thuộc diện bắt buộc phải gắn phù hiệu nên có thể bị phạt bất cứ lúc nào.

“Trong khi đó, theo giấy chứng nhận đăng kiểm xe cứu hộ là xe chuyên dụng, không phải là xe tải. Chúng tôi cần có hướng dẫn cụ thể, xe cứu hộ phải có phù hiệu vận tải hay phù hiệu xe chuyên dụng để khi lưu thông trên đường chúng tôi được đàng hoàng không phải xin xỏ, trốn tránh”, ông Duyên lý giải và đề xuất: “Theo tôi, xe cứu hộ không thuộc diện bắt buộc phải có phù hiệu vận tải vì loại xe này chỉ làm nhiệm vụ tham gia cứu hộ giao thông, không phải chuyên chở hàng hóa”.

Đề cập vấn đề này, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, Tổng cục sẽ nghiên cứu, báo cáo Bộ GTVT các vấn đề liên quan đến hoạt động cứu hộ trên đường bộ. Hiện nay, Nghị định 86/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đang được sửa đổi. Trong quá trình sửa đổi, Tổng cục sẽ bổ sung các nội dung liên quan đến hoạt động xe cứu hộ trên đường bộ.

2
Xe cứu hộ giao thông không tránh khỏi việc bị lực lượng CSGT “hỏi thăm” khi sử dụng còi,đèn ưu tiên - Ảnh: GTTM

Phải chịu hai lần phí đường bộ

Không chỉ gặp vấn đề về phù hiệu vận tải, cứu hộ giao thông đang gặp nhiều vướng mắc về thu phí, kiểm tra tải trọng, khối lượng được phép kéo theo. Ông Trần Văn Minh cho rằng, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cứu hộ đang sử dụng xe chuyên dụng nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, những xe này trong giấy chứng nhận đăng kiểm lại không ghi tải trọng cho phép, kéo theo là bao nhiêu nên khi bị lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng chúng tôi không biết căn cứ vào quy định nào để chấp hành.

“Cứu hộ giao thông bản chất là cần thời gian nhanh, kịp thời, nhưng cứu hộ vẫn hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, chưa được xem xét quan trọng như xe cứu hỏa, xe hộ đê, xe cứu thương... khiến công tác cứu hộ rất khó khăn. Nhưng xe cứu hộ không hề được ưu tiên. Do vậy, xe cứu hộ giao thông không tránh khỏi việc bị lực lượng CSGT “hỏi thăm” khi sử dụng còi, đèn ưu tiên hay lỡ có lấn tuyến, vượt đèn vàng, dừng đỗ chưa đúng chỗ”, ông Minh phân tích.

Một vướng mắc khác đang được nhiều doanh nghiệp cứu hộ phản ánh là khi qua các trạm thu phí, bị thu phí cả xe cứu hộ và xe cần cứu hộ. Ông Bùi Xuân Duyên cho rằng: “Điều này là rất vô lý vì khi đó, chúng tôi phải chịu hai phí. Trong cơ cấu giá thành vận tải, giá vé cầu đường theo tính toán của chúng tôi cho mỗi chuyến đi còn đắt hơn tiền xăng dầu. Nếu thu hai lần vé, không doanh nghiệp cứu hộ nào chịu nổi”.

Liên quan đến việc kiểm tra xe quá tải, nhiều doanh nghiệp cứu hộ cũng cho rằng, chưa có cơ sở pháp lý để doanh nghiệp thực hiện. Ông Bùi Xuân Duyên cho biết, hiện chưa có quy định xe cứu hộ được kéo bao nhiêu tấn đè lên càng kéo xe sau. Nhiều xe cứu hộ đã bị cơ quan chức năng xử phạt vì hành vi này nhưng lại xảy ra tranh cãi, dẫn đến cơ quan chức năng thu hồi quyết định vì chưa có căn cứ để phạt.

“Hay như khi dùng xe cứu hộ loại nhỏ để kéo xe to hơn phía sau thì xác định xe nào quá tải và kiểm tra xe nào cũng chưa có cơ sở pháp lý để xử phạt. Cần có quy định để hướng dẫn doanh nghiệp biết khi nào đúng, khi nào sai. Nhiều khi lực lượng chức năng dừng xe kiểm tra theo cảm quan”, ông Duyên dẫn ví dụ.

Trao đổi về vấn đề này, bà Phan Thị Thu Hiền khẳng định, đối với việc thu phí xe cứu hộ khi kéo xe tai nạn phía sau thì khi xe cứu hộ (thuộc đối tượng thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ) kéo xe cần cứu hộ, xe cần cứu hộ là hàng của xe cứu hộ. Trong trường hợp này, xe cứu hộ là đối tượng thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ, xe cần cứu hộ không phải đối tượng thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ.

Bà Hiền cũng cho biết, để tránh tình trạng một số phương tiện chở hàng quá tải, lợi dụng việc thuê xe cứu hộ để kéo phương tiện vượt qua trạm kiểm tra tải trọng xe, các trạm kiểm tra tải trọng xe sẽ chỉ cân kiểm tra tải trọng của phương tiện được kéo theo, không kiểm tra tải trọng của xe cứu hộ.

Mỹ: Các phương tiện phải nhường đường cho xe cứu hộ

Tại Mỹ, khi đăng ký học lái xe và thực hành điều khiển các phương tiện giao thông trên đường bộ, các tài xế đều phải nắm rõ nguyên tắc nhường đường cho xe cứu hộ giao thông nói riêng và các phương tiện đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp nói chung. Khi lưu thông trên đường, nếu nhìn thấy phương tiện cứu hộ di chuyển phía sau, các phương tiện giao thông đang di chuyển buộc phải bẻ lái sang phải, nhường đường cho xe cứu hộ đi trước.

Tại California, Luật GTĐB ở đây quy định tài xế lái xe cứu hộ giao thông được miễn gần như hoàn toàn việc chấp hành Luật GTĐB tại tiểu bang miễn là họ thực sự đang đi giải quyết sự cố. Tất cả các phương tiện giao thông trên đường khi thấy xuất hiện xe cứu hộ đều phải nhường đường. Lái xe cứu hộ ở California được quyền vượt phải nếu họ thực sự cảm thấy cần thiết trong vài tình huống yêu cầu cần bẻ hướng và bứt tốc khẩn cấp.

Tại mỗi bang của nước Mỹ, Luật GTĐB áp dụng các ưu tiên cho các phương tiện làm nhiệm vụ cứu hộ. Khi di chuyển qua các công trình cầu, đường đặc biệt, trong đó phải tuân thủ quy định về trọng tải, việc cân đo trọng lượng xe cứu hộ và xe đang được cứu hộ (chở, kéo) sẽ được thực hiện tách biệt nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình giao thông xe cứu hộ sẽ đi qua.Quý Hợi

Hà Nội chưa cấp phù hiệu cho xe cứu hộ

Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện Sở cũng chưa cấp phù hiệu cho loại xe cứu hộ vì không có doanh nghiệp đến làm thủ tục xin cấp. Tuy nhiên, theo Luật GTĐB xe cứu hộ không thuộc diện xe ưu tiên.

“Nghị định 86 đã quy định 7 loại hình kinh doanh vận tải phải gắn phù hiệu là xe tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe hợp đồng, xe container, xe đầu kéo, rơ- moóc, sơmi - rơmoóc, xe ô tô vận tải hàng hóa và xe kinh doanh khách du lịch”, ông Long cho biết và khẳng định: “Thường xe cứu hộ trên địa bàn thành phố là xe tải nhỏ dưới 3,5 tấn. Mà theo quy định của Luật GTĐB, hàng hóa là máy móc thiết bị nguyên vật liệu, nhiên liệu, hàng tiêu dùng, động vật sống và các động sản khác được vận chuyển bằng phương tiện giao thông. Theo định nghĩa này, đối với xe cứu hộ chở hàng thì khi chở hàng chính là kinh doanh vận tải hàng hóa và phải thực hiện theo lộ trình gắn phù hiệu theo Nghị định 86. Căn cứ vào quy định này thì Nghị định 46 đưa ra các mức xử phạt trong lĩnh vực kinh doanh vận tải. Đối với xe cứu hộ mà kéo theo xe cần cứu hộ thì có thuộc đối tượng kinh doanh vận tải hàng hóa hay không và phải gắn phù hiệu hay không đang là vấn đề cần xem xét. Còn trong trường hợp giấy chứng nhận đăng kiểm của xe cứu hộ mà ghi là xe tải thì phải gắn phù hiệu, còn nếu ghi là xe chuyên dụng không thuộc đối tượng quy định trong nghị định.

T.D

Chưa có quy định xe cứu hộ là kinh doanh hay không kinh doanh vận tải

Ông Đặng Trần Khanh, Giám đốc trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-03V cho biết, xe cứu hộ giao thông được xác định trong giấy chứng nhận kiểm định là xe “chuyên dụng”. Hầu hết xe này thuộc sở hữu của các doanh nghiệp và tham gia hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực cứu hộ phương tiện giao thông. Tuy nhiên, trong Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô không điều chỉnh đối tượng này, trong khi việc khai báo là xe kinh doanh vận tải hay không kinh doanh vận tải thuộc trách nhiệm của chủ xe, nên hầu hết các chủ phương tiện khai báo trong hồ sơ kiểm định là xe không kinh doanh vận tải. 

Vì vậy, theo quy định hiện nay, xe không kinh doanh vận tải không phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình như xe khách, xe tải kinh doanh vận tải, taxi... Đây cũng là vấn đề cần được đặt ra. Xe cứu hộ giao thông có các trang thiết bị như đèn, còi đặc thù là theo nguyên bản của nhà sản xuất và được phép sử dụng. Đối với việc lưu thông trên đường, loại hình xe này có  thuộc diện ưu tiên hay không phải căn cứ theo Luật GTĐB và thẩm quyền quản lý, cấp phép thuộc cơ quan quản lý nhà nước về vận tải.

Huy Lộc

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.