Thị trường

Tranh cãi xung quanh vụ 7 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị tước giấy phép

18/08/2022, 14:04

Theo Tổng cục QLTT, tước giấy phép “không hề gây ảnh hưởng đến hoạt động của DN”, các thương nhân cho rằng, cần rõ ràng, minh bạch hơn...

“Không hề gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp”

Liên quan đến việc 7 doanh nghiệp (DN) đầu mối xuất, nhập khẩu xăng dầu bị tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu như Báo Giao thông đã đưa tin, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã lên tiếng.

Tổng cục QLTT cho biết, theo các quyết định được công bố, ngoài 7 DN đầu mối xuất, nhập khẩu xăng dầu bị tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, thì còn có 11 thương nhân đầu mối khác bị xử phạt hành chính.

img

Theo giới chuyên môn, cần rà soát lại một cách kỹ lưỡng, thận trọng...dứt khoát thu hồi giấy phép nếu không đủ điều kiện...

Theo Tổng cục QLTT, các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu chủ yếu là: Duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định, nhập khẩu xăng dầu thấp hơn hạn mức tối thiểu về số lượng, chủng loại được phân giao hàng năm;

Không gửi đăng ký hệ thống phân phối xăng dầu định kỳ với Bộ Công thương trước ngày 31/1 hàng năm và gửi đăng ký điều chỉnh khi có sự thay đổi hệ thống phân phối;

Không xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất mà vẫn đưa dự án vào hoạt động...

Dẫn quy định của Nghị định 99 (năm 2020) của Chính phủ, việc tước giấy phép là từ 1-3 tháng, ông Nguyễn Đức Quyện, Thư kí Đoàn Thanh tra, Bộ Công thương cho biết, căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT đã ban hành quyết định xử phạt.

Ông Nguyễn Đức Quyện nhấn mạnh, trong giấy phép kinh doanh có quy định, thương nhân được quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, do vậy trong quyết định xử phạt hành chính, nếu có hình thức tước giấy phép, được hiểu là tước quyền kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu.

Tuy nhiên, vị này lại nói rằng, hình thức xử phạt này “không hề gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp”…

Cần rõ ràng, minh bạch, kịp thời…

Khẳng định này từ phía đại diện Tổng cục QLTT đã ngay lập tức đã gây tranh cãi. Một doanh nghiệp đầu mối bày tỏ, giải thích của cơ quan chức năng cần rõ ràng hơn. Theo đó, điều họ cần biết là doanh nghiệp bị tước giấy phép có được giao dịch mua bán xăng, dầu như bình thường hay không.

"Nếu có phát sinh giao dịch với các DN bị tước giấy phép, do Vụ Thị trường trong nước công bố chậm và đơn vị bị tước không thông báo, thì có vi phạm pháp luật hay không?", doanh nghiệp đầu mối nói và cho rằng, Vụ Thị trường trong nước cũng cần công khai rõ ràng, minh bạch những thông tin trên...

Bởi lẽ, đây là vấn đề ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia và góp phần làm sạch thị trường, khi mấy năm gần đây, đường dây buôn lậu, làm giả 200 triệu lít xăng dầu đã làm rúng động dư luận.

img

Nhà máy lọc dầu Dung Quất kiến nghị Bộ Công thương làm rõ quyền mua của 7 thương nhân đầu mối bị tước giấy phép

Với nỗi băn khoăn này, theo nguồn tin riêng của Báo Giao thông, 2 nhà máy lọc hóa dầu lớn nhất Việt Nam (cung cấp khoảng 70-75% nhu cầu xăng, dầu trong nước) là nhà máy lọc dầu Dung Quất và đơn vị bao tiêu sản phẩm của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, cũng đã có văn bản gửi Bộ Công thương kiến nghị hỗ trợ thông tin trực tiếp, kịp thời, làm rõ quyền mua các sản phẩm xăng dầu của các doanh nghiệp bị tước giấy phép.

“Việc này làm cơ sở để doanh nghiệp này tuân thủ đúng Nghị định 95 của Chính phủ trong quá trình thực hiện tiêu thụ sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tiêu thụ, giải phóng sản phẩm xăng dầu Nghi Sơn giai đoạn hiện nay”, văn bản của đơn vị bao tiêu sản phẩm của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn nêu rõ.

Không chỉ vậy, một thương nhân còn phân tích, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, tức là phải đủ các điều kiện mới được cấp phép. Và một khi đã bị tước, đồng nghĩa với việc không còn quyền kinh doanh bình thường.

Các quyền của thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu được quy định tại Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu bao gồm: Được mua bán xăng dầu, nguyên liệu với các thương nhân đầu mối khác; Được quyền nhập khẩu hoặc mua trong nước nguyên liệu để pha chế xăng dầu;

Được phân phối xăng dầu thông qua các đơn vị trực thuộc, bao gồm các doanh nghiệp thành viên, chi nhánh, kho, cửa hàng bán lẻ của doanh nghiệp và thông qua hệ thống thương nhân là tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu (tối thiểu 40 đại lý và 10 cửa hàng sở hữu, đồng sở hữu).

Được xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu…

Vị thương nhân khẳng định, kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu là một loại hình kinh doanh bao gồm nhiều hoạt động, và xuất, nhập khẩu chỉ là một hoạt động trong đó. Do đó, khi tước giấy phép của thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, nghĩa là tước hết các quyền, chứ không riêng gì chỉ hoạt động xuất, nhập khẩu.

“Các quyền trên không còn, thì quyền mua xăng dầu từ các đối tác trong nước, hay nước ngoài cũng không còn hiệu lực”, vị này cho hay.

Lấy ví dụ về sự việc của Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm, bị tước giấy phép vào tháng 4 năm ngoái, do liên quan đến đường dây buôn lậu, làm giả 200 triệu lít xăng dầu, nhưng sau đó không lâu được cấp lại và tiếp tục có tên trong danh sách 7 thương nhân bị tước giấy phép lần này, các chuyên gia đặt dấu hỏi về khâu hậu kiểm và cho rằng, cần rà soát lại một cách kỹ lưỡng, thận trọng...dứt khoát thu hồi nếu không đủ điều kiện...

Để rộng đường dư luận, Báo Giao thông cũng đã đặt vấn đề trên với Tổng cục Trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Theo nguồn tin của Báo Giao thông, Tổng cục Quản lý thị trường đã chuyển quyết định tước giấy phép của 7 doanh nghiệp đầu mối trên sang Vụ Thị trường trong nước, chỉ sau 2 ngày ra quyết định xử phạt để đăng tải công khai thông tin. Song, mãi đến ngày 9/8, thông tin trên chỉ mới được công khai. Thời điểm này, có một số DN đầu mối đã gần hết thời hạn tước giấy phép.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.