Y tế

Tránh đột quỵ ở người già khi rét đậm kéo dài

19/02/2022, 06:00

Khi thời tiết rét đậm kéo dài, một số bệnh viện ghi nhận gia tăng các ca đột quỵ, tai biến, viêm phổi cấp, điều trị chủ yếu là người già.

Gia tăng bệnh nhân cấp cứu

Tại Khoa Cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa T.Ư những ngày gần đây liên tục kín bệnh nhân.

Mỗi ngày, tại đây tiếp nhận 50 trường hợp nhập viện liên quan chủ yếu đến các bệnh lý hô hấp, tim mạch như viêm phổi, tai biến mạch máu não, đột quỵ…

img

Từ sau Tết Nguyên đán, rất đông bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Lão khoa T.Ư

Có mặt tại đây, anh Vũ Tiến Thắng (Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết: “Bố tôi chuyển lên từ tuyến dưới được chẩn đoán tai biến mạch máu não.

Ông đã ngoài 70 tuổi, lại có bệnh tiểu đường, huyết áp cao nên suốt hơn chục ngày trời lạnh vừa qua hầu như không ra khỏi nhà.

Trước hôm phải nhập viện, ông có ra ngoài cửa đứng nói chuyện với hàng xóm, sau đó, gia đình phát hiện ông đi lại loạng choạng, chân tay yếu đi, phản xạ nói cũng kém nên vội đưa đến bệnh viện.

Bác sĩ có nói may mắn đến sớm, nên khả năng phục hồi hi vọng tốt”.

Còn tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, bệnh nhân Đỗ Văn Hoàng (65 tuổi, trú tại Hà Nội) nhập viện từ mùng 4 Tết, hiện cũng đang dần hồi phục.

Theo người nhà bệnh nhân, trước đó, ông Hoàng có biểu hiện choáng váng, khó chịu, nhưng ngại ngày Tết nên nhất định không đi khám.

Tuy nhiên, sau đó thấy bệnh nhân có dấu hiệu yếu tay, chân, gia đình vội vàng đưa đến bệnh viện. Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị tai biến.

BS. Lý Đức Ngọc, Phó khoa Nội Tim mạch người lớn, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E cho biết, mỗi ngày khoa tiếp nhận 10 - 15 bệnh nhân mắc các bệnh lý về tim mạch, trong đó có 2 - 3 ca nhồi máu cơ tim cấp.

Tuy nhiên, từ dịp Tết Nguyên đán đến nay, khi nhiệt độ lạnh sâu, số ca nhồi máu cơ tim tăng lên gấp đôi.

“Tỷ lệ bệnh nhân nhập viện nặng tăng 5 - 10% so với ngày bình thường, có những ca không kịp chờ xét nghiệm phải đi phẫu thuật ngay, bởi với bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp nếu qua thời gian vàng thì hậu quả có thể tử vong ngay trên bàn mổ vì không được tái thông mạch kịp thời”, BS. Đức cho biết.

Đề cập nguyên nhân gia tăng bệnh nhân trong thời điểm này. BS. Nguyễn Danh Cường, Phó trưởng Khoa Cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa T.Ư, cho biết, do nhiệt độ thay đổi đột ngột trong thời tiết lạnh kéo dài làm sức đề kháng của con người giảm xuống, nhất là ở những bệnh nhân cao tuổi và những người có bệnh lý nền.

Bên cạnh đó, một số gia đình áp dụng những biện pháp chống lạnh chưa đúng cách, có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe.

Điển hình như đốt lò than trong nhà để sưởi ấm hay bật điều hòa ở nhiều độ cao quá khiến nhiệt độ trong nhà và ngoài trời chênh lệch nhiều, điều này cũng ảnh hưởng đến sức khỏe người già.

Nhiều ca đột quỵ đến muộn, trễ giờ vàng điều trị

Theo BS. Ngọc, không ít bệnh nhân dấu hiệu khởi phát bệnh từ 5 - 7 ngày nhưng vẫn không đi khám do lo ngại dịch bệnh hoặc ngại thăm khám trong dịp lễ, Tết… khiến bệnh trở nặng mới đưa vào viện cấp cứu.

Có bệnh nhân khi đến viện đã ngưng tim, phải cấp cứu tuần hoàn, đặt ống khí quản, thở máy… nếu cứu được cũng để lại di chứng nặng nề.

Trong đó, nếu những bệnh nhân nhồi máu cơ tim, đột qụy não nếu được cấp cứu nhanh, trong thời gian vàng thì tỷ lệ cứu sống cao.

Thời gian vàng để bệnh nhân nhồi máu não được tái thông mạch não bằng thuốc là trong vòng 4,5 giờ kể từ khi khởi phát. Bệnh nhân tắc mạch máu lớn có thể can thiệp trong 6 giờ kể từ khi khởi phát.

BS. Phạm Xuân Hiếu, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện E cho biết thêm, ngoài tai biến, đột quỵ, một số bệnh mãn tính như thoái hóa khớp, viêm khớp mạn tính, viêm phổi... cũng dễ trở nặng hơn trong thời tiết giá lạnh.

Chính vì vậy, khi nhiệt độ giảm sâu, người lớn tuổi không nên tập thể dục thể thao quá sớm ngoài trời, chỉ nên tập nhẹ nhàng trong nhà…

Buổi đêm khi đi vệ sinh hoặc khi thức dậy buổi sáng không tung chăn quá đột ngột khiến chênh lệch nhiệt độ cao, dễ gây đột quỵ.

Gia đình cần quan tâm tới người cao tuổi hơn, không để ra đường khi thời tiết quá lạnh, nếu bắt buộc phải đi cần mặc ấm, nên sử dụng xe buýt hoặc taxi, ôtô, không nên đi xe máy.

Bên cạnh đó, tăng cường chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đủ chất để tăng cường sức đề kháng cơ thể…

Trong khi đợt lạnh kéo dài suốt nửa tháng qua chưa giảm thì theo cảnh báo mới nhất từ Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 19 - 23/2, Bắc bộ và Bắc Trung bộ có khả năng trải qua đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến giờ.

Rất có thể đây sẽ là đợt rét nhất trong mùa đông năm nay tính đến thời điểm hiện tại. Nhiều nơi nhiệt giảm sâu, rất mạnh. Trung du và đồng bằng có thể dưới 100C, vùng núi cao có khả năng cao xảy ra mưa tuyết và băng giá.

Trước diễn biến thời tiết còn kéo dài thêm đợt lạnh mới, BS. Phạm Xuân Hiếu, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện E khuyến cáo, điều quan trọng nhất là mỗi người cần lắng nghe cơ thể mình, tuân thủ tất cả hướng dẫn điều trị nếu đang có các bệnh nền khác. Khi thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như choáng váng, cơn đau ngực, đau đầu… cần đi khám ngay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.