Đi ++

Tranh giả lũng đoạn thị trường tranh Việt Nam

19/03/2018, 10:05

Liên tiếp các vụ việc làm tranh giả, nhái bị phát hiện gây rúng động làng mỹ thuật nước nhà.

27

Tranh của họa sĩ Thành Chương bị làm giả thành tranh của cố họa sĩ Tạ Tỵ

Tranh giả biến hóa

Thị trường tranh giả Việt Nam đã tiến hóa tới cấp độ khó lường. Trước đây, đạo chích chỉ dừng ở mức làm giả bản gốc rồi đem rao bán. Nay là mạo danh người này làm giả tranh người kia, không khó để kể ra một số trường hợp như tranh The Young Beggar của Bartolome E. Murillo bị làm giả rồi mượn tên cố họa sĩ Tô Ngọc Vân hồi tháng 5/2017; Tranh của họa sĩ Thành Chương bị làm giả thành tranh của cố họa sĩ Tạ Tỵ trong triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu tháng 7/2016...

Ăn rơ với kiểu trộm long tráo phụng đó, tranh giả ngày nay cũng đang dần nhờ cậy lớp áo chuyên môn quốc tế để tung hoành. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long cho hay: “Như sự kiện Những bức tranh trở về từ châu Âu có sự liên đới của chuyên gia nước ngoài là Jean Francois Hubert. Đây là một nhân vật có uy tín trong làng thẩm định tranh và đồ cổ Đông Dương. Nhưng có thể ông ta vì đồng tiền mà tha hóa, tiếp tay cho đường dây làm tranh giả”. Xa hơn, tranh giả của các họa sĩ Đông Dương trước 1970 tung hoành thời gian gần đây cũng nhờ tiếng tăm từ các sàn đấu giá quốc tế lớn như Christie’s hay Sotheby’s để luồn lách.  

Nhưng đỉnh cao hơn cả là có trường hợp không cần mượn danh ai, không cần chuyên gia biến chất mà tranh giả vẫn tồn tại, thậm chí trong một thánh đường nghệ thuật lớn. Nhà nghiên cứu Phạm Long nhắc lại câu chuyện ở bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, do hậu quả chiến tranh lẫn chủ trương mang tranh phiên bản đi triển lãm quốc tế, tranh gốc cất ở nhà đã dẫn tới sự xáo trộn về quản lý thật giả. “Trong bảo tàng hiện nay có nhiều tác phẩm mà không ai phân biệt được đó là thật hay giả. Đặc biệt, như bức vẽ phong cảnh chùa Thầy của cụ Hoàng Tích Trù vốn ở tầm nghi vấn rất cao vẫn đang được treo”, ông Long cho hay.

Như virus máy tính, giới chép tranh cũng phát triển với tốc độ đáng sợ. Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng choáng váng cho biết dù ông đầy mình kinh nghiệm cũng ngỡ ngàng với công nghệ làm giả thời nay: “Tranh của cụ Nguyễn Phan Chánh trước đây người ta chỉ chép được phần tranh, chứ phần chữ Nho thì không được khéo. Sau đó giới làm giả thuê cả họa sĩ Trung Quốc để giả phần chữ Nho rất bài bản. Nhưng rồi vẫn lộ vì phần chữ Nho lại... đẹp quá, không giống với nét chữ của cụ Nguyễn Phan Chánh - dù sao vẫn là người Việt. Và giờ thì có cả những kẻ vừa viết chữ Nho giỏi nhưng cũng... vụng như Chánh”.

Họa sĩ cần chủ động

Tranh giả lũng đoạn thị trường tranh Việt Nam đã đẩy giới mỹ thuật nước nhà tới bờ vực. Nói ngắn gọn như họa sĩ Đào Hải Phong thì “vừa mới gây được cảm tình với bạn bè thế giới về hội họa nước nhà, chúng ta đã lại cho họ vài cái tát đau đớn”. Theo đó, truy tìm thuốc chữa cho tranh giả buộc người trong cuộc phải nhìn ở nhiều góc độ khác nhau - và hướng nào cũng thấy không phải một sớm một chiều mà xong. Ở góc độ cầu, tức người tiêu dùng, nâng cao ý thức về chất lượng xuất xứ của tranh vẫn cứ là chuyện đầu tiên: “Muốn loại bỏ tranh giả cần thức tỉnh công chúng yêu nghệ thuật, thay đổi về thói quen thưởng ngoạn tác phẩm. Ngoài ra còn là vai trò của các nhà sưu tập nghiêm chỉnh, đối tượng nuôi sống hội họa và cả văn hóa nói chung”.

Còn phía giới họa sĩ, chưa bao giờ cần có sự chủ động như thời điểm hiện tại. Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng thẳng thắn cho rằng cần có sự chủ động từ phía người sáng tác: “Từ giờ, theo tôi các anh bị vi phạm thì cứ nói toẹt ra. Xác định đúng họa sĩ A, B làm gì thì cứ vạch trần. Tế nhị mãi không giải quyết được cái gì cả. Đánh động như thế sẽ khiến họ bớt lại phần nào”. Các họa sĩ vài năm trở lại kêu gào rất quyết liệt, nhưng theo luật sư Đinh Anh Tuấn bên âm nhạc bảo vệ quyền tác giả tốt hơn hội họa. Nhìn từ Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, nhiều gương mặt trong giới mỹ thuật đã bắt đầu mơ tới một điều tương tự. Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nhấn mạnh rằng, đòi hỏi một tổ chức giám định cho cả nước thì khó (và trên thế giới cũng chưa có hình thức này), nhưng một tổ chức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các họa sĩ hoàn toàn mang tính khả thi. Việc thống nhất và bảo hộ quyền lợi cho người cầm cọ dưới một mái nhà chung có thể là giải pháp mấu chốt để làm dịu bầu không khí “thật giả bất phân” nghẹt thở trên thị trường mỹ thuật hiện nay.  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.