Quản lý

Tranh luận chuyển ga đường sắt khỏi nội đô Hà Nội

16/04/2015, 06:13

Đề xuất dịch chuyển ga đường sắt khỏi nội đô Hà Nội là vấn đề gây nhiều tranh luận...

81

Tại gác chắn phố Khâm Thiên, mỗi lần tàu qua lại xảy ra ùn ứ nhẹ vì người tham gia giao thông tràn cả sang làn đường ngược chiều - Ảnh: Liên Anh

Công an bảo nên, đường sắt nói không

Kiến nghị dịch chuyển nhà ga đường sắt ra ngoại vi thành phố, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó giám đốc CATP Hà Nội nêu vấn đề: “Mỗi lần tàu chạy, chúng tôi rất vất vả trong điều tiết giao thông. Ga Giáp Bát hàng ngày đều có việc dồn toa, chắn tàu hàng tiếng đồng hồ, gây ùn tắc, nhất là tại khu vực Văn Điển”.

Ông Hải cũng đồng thời đề nghị tăng cường gác chắn, cải tạo đường ngang, xây dựng, cải tạo đường gom bên đường sắt và hành lang ATGT đường sắt để tạo thuận lợi, đảm bảo an toàn cho người dân.

Đề xuất này của ông Hải ngay lập tức nhận được sự phản ứng của Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN Trần Ngọc Thành. “Giờ cao điểm hoàn toàn không có tàu hàng vào. Tàu khách lại càng không có chuyện dồn dịch”, ông Thành nói.

Hà Nội ủng hộ tăng nặng mức phạt vi phạm giao thông

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị Bộ GTVT khi sửa đổi Nghị định 171 phải áp chế tài tăng nặng với những hành vi gây nguy hiểm tính mạng con người. “Trên đường cao tốc mà tự nhiên có xe máy, ô tô đi ngược chiều rất nguy hiểm. Hay trên những tuyến đường huyết mạch, một ông lái xe vào ăn phở, cả tuyến đường ùn tắc. Với hành vi cố ý gây ảnh hưởng xã hội thì phải cương quyết”, ông Hùng nói.

T.B

Về việc di chuyển ga, ông Thành phân tích: “Tôi đi nhiều nước trên thế giới, chả nước nào di chuyển ga ra khỏi thành phố. Hơn thế nữa, ga đường sắt chính là đầu mối kết nối các phương thức vận tải, trong đó có vận tải đô thị, làm sao chuyển được”.

Ông Thành bức xúc nói: “Hôm nay anh muốn cho ga ra khỏi thành phố, dăm mười năm nữa các anh kết nối vào đâu. Hãy quay lại câu chuyện tàu điện leng keng đi. Giờ mà còn tàu điện leng keng, ta nâng cấp lên như bên châu Âu thì quá tuyệt vời”.

Cũng theo ông Thành, “ga đường sắt là câu chuyện lớn nằm trong quy hoạch của Chính phủ” và cho rằng vấn đề quan trọng hiện nay là “phối hợp chặt với thành phố để tổ chức vận hành, khai thác các ga thế nào để đảm bảo ATGT, chống ùn tắc giao thông".

Đối với đường ngang và hành lang ATGT đường sắt, vấn đề được cho là “bức xúc nhất tại khu vực Hà Nội”, ông Thành nêu con số, hiện tại Hà Nội có 184 đường ngang, trong số này 30% có gác, 30% cảnh báo tự động, còn lại gần 40% chỉ có biển báo. “Thực tế, kể cả cảnh báo tự động thì ngồi trong ô tô điều hoà kín mít cũng chẳng nghe thấy gì cả”, ông Thành nói.

Đáng nói hơn, ngoài số đường ngang trên, địa bàn Hà Nội có trên 400 vị trí gọi là đường ngang dân sinh. “Những đường ngang này, chúng ta đóng một nở ra 10. Thời gian tới, đề nghị rà soát lại toàn bộ. Đề nghị thành phố phối hợp với đường sắt để làm”, ông Thành nói.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ngắt lời tỏ vẻ không hài lòng: “Quyết định 1856 có rồi. Cứ thế mà làm thôi”.

Đề nghị phối hợp chặt chẽ hơn để giải quyết dứt điểm vấn đề đường ngang, ông Thành cũng cho biết, đường sắt đang thử nghiệm ứng dụng hệ thống cần chắn tự động, cố gắng đến tháng 9 hoàn chỉnh sẽ cho lắp đồng bộ.

Hà Nội còn gần 1.000 xe phải cắt thùng

Xung quanh việc loại xe quá tải, tại hội nghị bàn việc xử lý vấn đề này hôm 14/4, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT cho biết, quyết tâm loại bỏ xe quá khổ ngay trong tháng 4/2015 và trong quý II/2015 không còn xe quá tải hoạt động trên địa bàn.

E ngại Hà Nội khó có thể thực hiện được cam kết này, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện cho rằng, Hà Nội phải quyết liệt hơn với xe quá tải, chứ 30/4 khó mà giải quyết xong. Hà Nội có gần 1 nghìn xe phải cắt thùng chứ không phải ít. Phải vào tận bãi, tận nơi mà xử lý. Hà Nam đã hết rồi. “Nếu 30/6 mà sạch được xe quá khổ đã là tốt rồi. 30/5 thì quá tốt còn 30/4 tôi e rằng rất khó”, ông Huyện băn khoăn.

Cũng liên quan đến vấn đề xe quá khổ, quá tải, ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban QLDA Đường sắt tiết lộ thông tin đáng chú ý về việc xe quá khổ thường xuyên đi qua trục từ Nguyễn Trãi (Hà Nội) đến Quang Trung (Hà Đông). “Hiện trên tuyến đường đã có biển quy định rõ xe có chiều cao dưới 3,5m mới được lưu thông nhưng vào các buổi tối muộn, gần như không thể kiểm soát các xe này. Thống kê cho thấy, có tới 8 lần xe quá khổ làm đổ biển hạn chế chiều cao trên tuyến”, ông Thành nói.

Xã hội hóa triệt để bến, bãi đỗ xe, trạm đăng kiểm

84
 

Liên quan đến công tác đảm bảo TTATGT, giảm ùn tắc giao thông, chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng lưu ý, nếu Hà Nội không có giải pháp lâu dài sẽ dễ dẫn tới tình trạng tái ùn tắc như thời gian trước. “Hà Nội triển khai bãi đỗ xe ngầm quá chậm. Phải tạo cơ chế cho nhà đầu tư làm. Nếu không xử lý được giao thông tĩnh, không đường sá nào có thể chịu nổi với tốc độ tăng trưởng xe như hiện nay. Cái này hoàn toàn có thể xã hội hoá mạnh mẽ được, cần làm rất nhanh”, Bộ trưởng nói.

Tương tự đối với hoạt động của các bến xe, trạm đăng kiểm trên địa bàn thành phố, Bộ trưởng gợi ý nên cổ phần hoá 100%. “Để tư nhân làm chất lượng sẽ tốt hơn, dịch vụ tốt hơn. Nhà nước chỉ kiểm tra, kiểm soát. Các trung tâm đăng kiểm, các bến xe của Hà Nội nên mạnh dạn xã hội hoá 100%, rút hết vốn để tái đầu tư”, Bộ trưởng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.