Hạ tầng

Tranh luận gay gắt về hạn chế xe cá nhân tại TP.HCM

30/03/2016, 06:58

Các chuyên gia đã đề xuất hạn chế xe cá nhân để khắc phục vấn nạn ùn tắc, TNGT tại TP.HCM.

1
Tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra trên nhiều tuyến đường tại TP.HCM khiến người dân mệt mỏi mỗi khi ra đường - Ảnh: Phan Tư

Tại cuộc hội thảo hôm qua (29/3) về các giải pháp kéo giảm ùn tắc và TNGT, các chuyên gia, nhà quản lý đã đề xuất nhiều giải pháp cấp bách cũng như lâu dài để khắc phục vấn nạn đang nhức nhối này tại TP.HCM.

Tranh luận gay gắt về hạn chế xe cá nhân

Cuộc hội thảo trở lên sôi nổi khi PGS. TS. Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM dẫn ra hàng loạt các nguyên nhân gây ùn tắc và TNGT như: Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, vỉa hè bị chiếm dụng, xe gắn máy quá nhiều… Qua đó, ông Hiệp đề nghị, TP cần tăng thuế lưu hành xe 4 bánh các loại (trừ xe buýt), dần tăng thuế lưu hành cả xe 2 bánh. “Đây không phải là hình thức tận thu, mà là tiến đến hạn chế xe cá nhân, tạo điều kiện phát triển giao thông công cộng”, ông Hiệp nói.

Cùng quan điểm, ông Lê Văn Thạch (Viện Nghiên cứu phát triển TP) cho rằng, hiện có nhiều giải pháp, nhưng chưa xác định cái nào cần thiết nhất. Vậy nên, chắt lọc lại theo thứ tự ưu tiên, giải pháp nào cấp bách thực hiện trước. Chẳng hạn như giải bài toán lấn chiếm vỉa hè, hạn chế số lượng xe gắn máy từ đó góp phần kéo giảm ùn tắc ở nội đô.

"Thành phố cần tăng mạnh mức xử phạt vi phạm giao thông, tối thiểu gấp 3 lần so với hiện nay. Trước mắt, sẽ ảnh hưởng đến một số đối tượng nhất định, đặc biệt là phương tiện ở địa phương khác đến, người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, khi bị phạt nặng sẽ khiến họ có ý thức hơn, sợ bị phạt nặng nên chấp hành nghiêm khi tham gia giao thông”.

PGS. TS. Nguyễn Văn Hiệp
nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM

Còn TS. Huỳnh Thế Du, đến từ Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, có thể hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân, nhất là xe ô tô bằng các chính sách tăng chi phí sử dụng (các loại thuế và phí), đồng thời không cho đỗ xe trên đường hoặc không cho sử dụng một số tuyến đường. Đây là những giải pháp cần thiết để kéo giảm ùn tắc.

Trái ngược với quan điểm trên, TS. Vũ Anh Tuấn (Trường ĐH Việt Đức) lại cho rằng, phải có cách để quản lý giao thông toàn diện thay cho tư duy hạn chế phương tiện cá nhân. “Khi giải quyết ùn tắc, ô nhiễm và tai nạn, chúng ta thường quan niệm rằng, cơ sở hạ tầng giao thông phải đầy đủ. Nhưng không một nước nào trên thế giới có thể mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông bắt kịp với sự tăng trưởng nhu cầu GTVT. Đã đến lúc phải có quan niệm mới, đó là lựa chọn và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thích hợp, trong đó chú trọng giải pháp quản lý, kiểm soát, lựa chọn phương tiện và ứng dụng giao thông thông minh”, TS. Tuấn nói.

Đồng tình với ý kiến trên, TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM cho rằng, cần đổi mới quan điểm và tư duy, từ đó tạo đột phá về chính sách, trước hết là chính sách tài chính thu hút thêm nguồn lực đầu tư vào hạ tầng giao thông theo các phương thức: BOT, BT. TS. Cương cũng đưa ra 10 nhóm giải pháp để thành phố ưu tiên chọn những giải pháp mang tính đột phá giảm ùn tắc và TNGT.

2
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại hội thảo

Cơ sở hạ tầng: Quá chật chội

Dù nhiều ý kiến đưa ra về nguyên nhân gây ùn tắc, TNGT, tuy nhiên đa phần các chuyên gia, nhà quản lý đều thống nhất, sâu xa vẫn là hệ thống hạ tầng giao thông hiện quá chật. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhận định, những năm qua, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp giảm ùn tắc, TNGT. Thực tế kết quả đã có chuyển biến. Tuy nhiên, ùn tắc vẫn khá nhức nhối do một số nguyên nhân như: Quy hoạch sử dụng đất còn bất cập, làm phát sinh nhu cầu đi lại. Điều này tạo sức ép rất lớn đối với cơ sở hạ tầng giao thông.

7 giải pháp giảm ùn tắc giao thông tại TP HCM giai đoạn 2016-2020: Khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu; Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông; Nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hành khách và vận tải hàng hóa, kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân; Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành Luật GTĐB; Tăng cường công tác kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm; Điều phối các lực lượng trong công tác điều tiết giao thông; Kiên quyết lập lại trật tự lòng lề đường.

Thứ trưởng Đông cho rằng, thành phố cần bố trí vốn giải quyết các vấn đề cấp bách về hạ tầng, tổ chức và quản lý tốt hạ tầng vốn có để giải bài toán ùn tắc, TNGT một cách bền vững.

Cùng quan điểm, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, TP.HCM phải hoàn thiện hệ thống quy hoạch giao thông đô thị, đặc biệt chú trọng yếu tố quy hoạch tổ chức giao thông; Cần đánh giá hệ thống giao thông trước khi đầu tư xây dựng; Nếu các công trình mới, cao ốc mới ảnh hưởng đến giao thông, cơ quan quản lý cương quyết không cấp phép xây dựng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, những năm qua việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông TP.HCM có mức tăng thấp - chỉ khoảng 2%. Năm 2011, TP.HCM có khoảng 3.217 km đường giao thông, đến năm 2015 có thêm 168 km đường mới.

Theo ông Cường, phát triển hạ tầng chậm, trong khi lượng phương tiện tăng nhanh là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc. Tuy nhiên, đây là bài toán mang tính dài hơi, cần có sự đột phá trong đầu tư hạ tầng để giải quyết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.