Xã hội

Tranh luận gay gắt việc Bob Kerrey làm Chủ tịch ĐH Fulbright

02/06/2016, 13:21

Việc bổ nhiệm ông Bob Kerrey làm Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam đang gây nên những tranh luận gay gắt.

Untitled

Việc bổ nhiệm ông Bob Kerrey (ảnh giữa) làm Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam đang gây nên những tranh luận gay gắt

"Lẽ nào nước Mỹ không còn ai ngoài Bob Kerrey?"

Liên quan đến vấn đề bổ nhiệm ông Bob Kerry, bà Tôn Nữ Thị Ninh là cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) và tại Bỉ, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam cũng đã chia sẻ những ý kiến của mình.

Trả lời tờ Zing news chiều 1/6, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho hay, khi biết rằng cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey được bổ nhiệm làm chủ tịch của Đại học mới, bà vô cùng bàng hoàng và không thể hiểu nổi.

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, ông Bob Kerry hoàn toàn không thể giữ vị trí Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam. Và cũng không thể nhân danh tương lai mà bỏ qua sự thật ông đã là người đã trực tiếp tham gia vào cuộc thảm sát thường dân vô tội, phụ nữ, trẻ em, người già tại thôn Thạnh Phong vào tháng 2/1969

"Bob Kerrey quan niệm giữ vị trí lãnh đạo ĐH Fulbright góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên. Tuy nhiên, như ông đã trả lời Financial Times (Anh) cách đây 1-2 ngày, ông sẵn sàng từ chức, nếu sự tham gia của ông có thể tổn hại đến dự án. Tôi nghĩ, không cần chần chừ hơn nữa, nếu ông rời vị trí ngay bây giờ như ông tuyên bố “sẵn sàng” thì cử chỉ đó là cử chỉ tự trọng và sẽ được người Việt Nam đánh giá cao. Thiết nghĩ, nhiều người Mỹ sẽ đồng tình với quyết định đó của ông" - cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam nói.

tonnuthininh

Bà Tôn Nữ Thị Ninh (Ảnh DW)

Bà Tôn Nữ Thị Ninh cũng đặt câu hỏi: " Vài người liên quan trực tiếp đến dự án công khai khẳng định rằng Bob Kerrey là người “hoàn toàn phù hợp” để giữ vị trí lãnh đạo đó. Tôi xin hỏi, lẽ nào nước Mỹ không còn ai có thể vận động vốn cho trường ĐH Fulbright Việt Nam ngoài Bob Kerrey?"

Theo bà Ninh, nếu nhóm dự án thực hiện việc lựa chọn vị trí chủ tịch trường Fulbright Việt Nam với nhiều ứng viên một cách công khai, bà tin chắc là đã có thể tìm được người phù hợp về mặt chuyên môn và kinh nghiệm, nhưng tên tuổi không bị mang tiếng như vị này. Và sẽ là một vết đen không thể xoá sạch khỏi sự ra đời của trường đại học danh giá như ĐH Fulbright Việt Nam nếu ông Bob Kerrey là chủ tịch sáng lập của ĐH này.

"Nếu phía Mỹ khăng khăng giữ quyết định của mình, thì đối với tôi, không còn có thể coi đây là một dự án chung như nhóm sáng lập vẫn khẳng định. Vì rằng như trong một cuộc hôn nhân, hai bên cần phải lắng nghe, tôn trọng cảm xúc và suy nghĩ của nhau.

Tôi tin rằng, sự điều chỉnh đó không những không ảnh hưởng đến quan hệ hai nước đang tiến triển tốt đẹp. Ngược lại, việc này sẽ đặt hợp tác Việt - Mỹ trong khuôn khổ ĐH Fulbright Việt Nam trên một nền tảng, khởi điểm bình đẳng, lành mạnh và vững bền" - bà Bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ.

Nên khoan dung

Trả lời báo Infonet về ông Bob Kerrey, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng ở hệ thống chính trị Mỹ, ông là Thượng nghị sĩ là người có tiếng nói, đồng thời là thành viên hội đồng quản trị của trường Fulbright ở Mỹ.

Theo ông Quốc, những ý kiến cho rằng không được để ông là chủ tịch một trường ở Việt Nam vì những gì ông ấy đã gây ra ở vụ thảm sát Thạnh Phong – Bến Tre năm 1969 là không nên. Có thể những người phản đối họ có suy nghĩ riêng hoặc từng chứng kiến những nỗi đau quá lớn. Nhưng chúng ta phải nhìn về tương lai và nhìn việc lựa chọn làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác ĐH Fulbright một cách khoan dung hơn.

3-0439

Ông Dương Trung Quốc

“Chúng ta luôn luôn nói hoà giải, nếu chúng ta khư khư giữ ám ảnh quá khứ thì chẳng thế chơi với ai được, vì thế kỷ 20 chúng ta đánh nhau với bao nhiêu nước. Lúc đó là vì bảo vệ độc lập và chủ quyền dân tộc nhưng nay đã hoà bình rồi thì chúng ta nên mở cửa và xoá bỏ hận thù chiến tranh” – ông Quốc nói.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng chúng ta không bao giờ quên quá khứ. Chiến tranh là mất mát, đau thương nhưng chúng ta cần nhìn về hiện tại và tương lai trên phương diện bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Tuy nhiên, không nên đào sâu những mất mát, đau thương mà nhân dân hai nước đã và đang gánh chịu.

Trong chiến tranh Việt Nam, Bob Kerrey là một Đại úy hải quân và từng tham gia một trong những vụ thảm sát đẫm máu ở xã Thạnh Phong của Bến Tre vào năm 1969 khiến nhiều phụ nữ và trẻ em thiệt mạng.

Vụ việc được giấu kín vì báo cáo của Kerrey và đồng đội chỉ nói “tiêu diệt 21 Việt Cộng” và phá hủy hai căn nhà. Mọi việc chỉ được hé lộ sau loạt bài điều tra của New York Times và chương trình truyền hình “60 Minutes II” nổi tiếng của đài CBS vào năm 2001.

Các con số và thông tin vụ việc có khác nhau, nhưng điều chắc chắn là vào đêm 13/2/1969, Kerrey cùng đồng đội sát hại ít nhất 13 phụ nữ và trẻ em. Bài điều tra năm 2001 của New York Times nói đó là một chiến dịch tàn bạo, đẫm máu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.