Chính trị

Tranh luận nảy lửa về trách nhiệm Bộ trưởng

01/11/2018, 06:00

Không khí tranh luận sôi nổi và quyết liệt ngày một gia tăng khi các ĐB đề cập đến những vấn đề nóng...

4

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Không khí tranh luận sôi nổi và quyết liệt ngày một gia tăng khi các ĐB đề cập đến những vấn đề nóng được dư luận quan tâm, đến mức ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đề nghị các ĐBQH cần xây dựng “văn hóa nghị trường”.

Tranh luận nảy lửa về trách nhiệm Bộ trưởng

ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về Dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác HS-SV, trong đó có quy định về việc “SV bán dâm đến lần thứ 4 bị buộc thôi học” mà bà Hiền đánh giá “gây phản cảm, thiếu cơ sở và đi ngược lại mục tiêu giáo dục”. ĐB Hiền chất vấn về trách nhiệm quản lý, vai trò nêu gương của người đứng đầu ngành giáo dục khi “thường xuyên đưa ra quan điểm sửa sai, xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm rồi lại tiếp tục sai”.

Giải thích Thông tư ĐB Hiền nêu đang trong diện rà soát theo hướng những nội dung không còn phù hợp phải sửa hoặc bỏ nhưng theo Bộ trưởng Nhạ, khi sửa ban soạn thảo, đặc biệt là cá nhân cán bộ thực hiện việc này năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém nên đưa lên, gây bức xúc xã hội. Khi nhận được thông tin, Bộ trưởng đã chỉ đạo báo cáo, xử lý ngay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh Bộ trưởng đã tiếp thu ý kiến dư luận xã hội. Bà đề nghị những quy định không hợp lý, phản cảm, gây bức xúc xã hội cần sửa ngay và rút kinh nghiệm.

Chưa thỏa mãn, ĐB Hiền tranh luận lại, tiếp tục chất vấn về vai trò người đứng đầu trong việc nhận trách nhiệm. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Bộ trưởng Nhạ rút kinh nghiệm vì đã đổ lỗi cho một cán bộ thiếu năng lực của ngành.

Ngay sau đó, hai nữ ĐB là Lý Tiết Hạnh và Lê Thị Thanh Xuân tranh luận với ĐB Hiền và cho rằng, bên cạnh những hạn chế ngành giáo dục cũng đạt được nhiều thành quả. Cùng với đó, dẫu người đứng đầu có trách nhiệm nhưng chỉ là khi văn bản được ban hành chính thức, trong trường hợp này mới chỉ là dự thảo.

Tranh luận lại quan điểm này, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng các Bộ trưởng có đủ trình độ, năng lực, bộ máy để trả lời câu chất vấn của ĐB. Ông Nghĩa nhấn mạnh, cử tri muốn nghe Bộ trưởng trả lời chất vấn nên đề nghị tôn trọng quyền của ĐBQH. Việc các ĐBQH tranh luận với nhau là rất tốt nhưng không nên “lên gân” và “quy chụp” cho ĐBQH. Theo ông, các ĐBQH cần xây dựng văn hoá nghị trường, đặt lợi ích của nhân dân lên trước, tôn trọng lẫn nhau, không quy chụp động cơ của ĐBQH này hay ĐBQH khác. 

Trao đổi thêm với Báo Giao thông bên hành lang sau đó, ĐB Phạm Thị Minh Hiền nhấn mạnh, quan trọng là Bộ trưởng phải nhận ra trách nhiệm của người đứng đầu, nếu không sẽ không có được giải pháp hữu hiệu. Dù đánh giá giáo dục là lĩnh vực rất khó, có những sai sót không thể nào quy hết trách nhiệm cho Bộ trưởng nhưng theo ĐB tỉnh Phú Yên, vấn đề là thái độ, quan điểm của người đứng đầu.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an Nghệ An) cũng chia sẻ với Bộ trưởng Nhạ nhưng ông cho rằng, một Thông tư được ban hành, trước đó nội bộ cần bàn luận kỹ, bản thân Bộ trưởng cũng phải đọc trước khi đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.

“Có lợi ích nhóm trong xử lý 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ?”

Đó là câu hỏi được ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Ông cũng đề cập đến dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 và hỏi Bộ trưởng vì sao xử lý chậm, có lợi ích nhóm, và vi phạm có được xử lý nghiêm minh?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận Dự án Gang thép Thái Nguyên chậm so với tiến độ đặt ra. Có hai vấn đề lớn đặt ra đối với dự án này là các tranh chấp pháp lý giữa Tổng công ty Thép Việt Nam và Gang thép Thái Nguyên với Tổng thầu PVC và chuyện thoái vốn Nhà nước ra khỏi Tổng công ty Thép Việt Nam. Theo Bộ trưởng Công thương, vấn đề thứ nhất đang được triển khai tích cực nhưng có rất nhiều vấn đề tồn đọng.

Về thoái vốn ra khỏi Tổng công ty Thép, Bộ trưởng Công thương cho hay, sau khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, của Thủ tướng, Bộ Công thương đã quyết liệt triển khai rà soát việc thoái vốn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện lại vướng vấn đề mới, trong đó có cam kết bảo lãnh của Tổng công ty Thép với Công ty Gang thép Thái Nguyên về khoản vay hơn 1.800 tỷ của Ngân hàng VietinBank. “Nếu chúng ta tiến hành thoái vốn sẽ gây ra thiệt hại lớn vì Tổng công ty Thép đã cam kết bảo lãnh 100% khoản vay này đối với dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2”, Bộ trưởng Công thương giải thích và cho biết đã chủ động báo cáo Chính phủ và xin phép triển khai xây dựng phương án mới phù hợp.

Về tổng thể 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ của ngành công thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: “Chắc chắn không có câu chuyện bao che dưới bất kỳ hình thức nào đối với cá nhân, tổ chức có liên quan. Tôi khẳng định không có lợi ích nhóm trong bất kỳ hoạt động nào trong xử lý vướng mắc tồn tại các dự án”.

Có “lỗ hổng” khi để hàng nghìn container phế liệu ùn ứ

Trả lời chất vấn của ĐB Hà Thị Lan về “lỗ hổng” trong quản lý khi để xảy ra tình trạng hàng nghìn container phế liệu nhập khẩu ùn ứ tại các cảng biển, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề này không phải cơ quan chức năng không biết, không chủ động mà thực tế là biết trước và Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ tham mưu chính sách phòng ngừa từ xa.

Lỗ hổng được Bộ trưởng Hà chỉ ra là chưa kiểm soát được hàng hoá vào lãnh thổ và chưa có cơ chế cơ quan gác cổng phối hợp với các cơ quan quản lý kiểm soát.

Song cũng theo ông, giải quyết vấn đề này không khó. Trước khi các lô hàng vào thì yêu cầu tổ chức độc lập kiểm tra. “Bộ TN&MT đã ban hành đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để giám định. Việc kiểm soát không cho nhập khẩu phế liệu vào là trong tầm tay”, Bộ trưởng thông tin. 

Tranh luận lại, ĐB Trần Văn Minh dẫn báo cáo của Bộ TN&MT có hơn 15.000 container đang tồn ở cảng, trong số này có container chứa phế liệu, chất thải. “Cử tri lo ngại có thể chứa chất thải nguy hại, tiềm ẩn nguy cơ với môi trường nếu không có giải pháp xử lý thích đáng”, ông Minh nói và đề nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với trách nhiệm đứng đầu Chính phủ giải thích, làm rõ hơn vấn đề.

Hôm nay (1/11), phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tiếp tục và kết thúc vào chiều cùng ngày.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.