Xã hội

Tranh luận về thủy điện nhỏ với hậu quả lũ lụt miền Trung

30/10/2020, 15:49

Các chuyên gia đang có những tranh luận trái chiều về vấn đề "thủy điện nhỏ và vấn đề lũ lụt" trong buổi sinh hoạt chuyên đề diễn ra sáng nay.

img
Buổi sinh hoạt có nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia.

Thủy điện không gây lũ chồng lũ

Từ chuyện sạt lở tại Rào Trăng 3 hay thảm họa miền Trung khi hứng chịu liên tiếp nhiều cơn lũ nặng nề thời gian qua khiến nhiều người đặt câu hỏi, các công trình thủy điện nhỏ và phá rừng liệu có phải là tác nhân gây ảnh hưởng môi trường sống...

Bên hành lang buổi sinh hoạt chuyên đề “thủy điện nhỏ và vấn đề lũ lụt” diễn ra sáng nay (30/10), ông Vũ Thanh Ca, Khoa môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hồ thủy điện có nhiệm vụ tích nước, trước khi lũ đến, hồ thủy điện phải đảm bảo đón lũ và mức độ đón lũ sẽ phụ thuộc vào từng loại hồ và phụ thuộc vào việc hồ thủy điện có chức năng điều tiết lũ hay không điều tiết lũ.

Khi lũ tràn về, tùy theo lưu lượng nước tính toán sẽ tràn về vượt ngưỡng nào đó thì thủy điện sẽ xả tương ứng với lượng nước về.

“Nói chung, lượng nước xả của những hồ thủy điện này nhỏ hơn hoặc bằng lượng lũ về. Nếu như hồ thủy điện xả lũ thấp hơn lượng nước về thì nó đang góp phần giảm lũ cho hạ du. Còn nếu xả bằng thì có bao nhiêu nước vào thì có bấy nhiêu nước xả ra, có nghĩa là có thủy điện hay không có thủy điện thì lượng nước về hạ du như nhau nên việc tồn tại của thủy điện không ảnh hưởng gì đến lũ ở hạ du”, ông Ca nói.

Nêu ý kiến về việc các thủy điện nhỏ tự xây dựng quy trình và trình lên sẽ làm giảm hiệu quả quản lý và độ tin cậy công trình, ông Ca chia sẻ: Đối với việc phê duyệt, thủy điện sẽ tự xây dựng quy trình phát hành hồ chứa sau cho trình lên cấp có thẩm quyền.

Thông thường xây dựng cần có những quy trình cụ thể, các quy trình khi trình lên phải thỏa mãn điều kiện mới được phê duyệt nên việc tự quy hoạch không ảnh hưởng đến mức độ hiệu quả của quy trình.

Ông Ca cũng cho biết, báo cáo đánh giá trên thế giới về mối liên hệ giữa hồ chứa các khu vực ở Châu Âu cho thấy: Hồ chứa lớn có khả năng giảm lũ, một số hồ giảm tới 100%, hoặc là hồ nhỏ không có tác dụng giảm lũ. Nhưng nói hồ thủy điện làm cộng hưởng và gây lũ chồng lũ là không đúng.

“Mưa miền Trung năm nay là mưa cực lớn trong nhiều năm mới xảy ra một lần và trong trường hợp này, báo cáo của hiệp hội nghiên cứu rừng quốc tế cho thấy, rừng nguyên sinh chỉ có thể điều hòa và giảm được những trận lũ nhỏ, cực bộ chứ hầu như không có tác dụng giảm lũ đối với lũ cực đoan.

Với mức mưa như vậy, ngay tại hồ lớn cũng cực kỳ khó giảm lũ, chưa kể thủy điện nhỏ”, ông Ca nhận định.

Tuy nhiên, để đánh giá khách quan, theo ông Ca, chúng ta hãy nhìn thực tế đợt mưa tháng 7/2018 tại Nhật Bản làm 225 người chết và 13 người mất tích, thiệt hại kinh tế nặng nề.

"Tại sao như vậy khi rừng của họ hầu như được giữ nguyên, ngay cả chân núi đều có đường bê tông vững chắc để chặn đá lở?", ông Ca đặt câu hỏi và trả lời: "Đối với trường hợp thời tiết cực đoan thì rừng không có nhiều tác dụng".

Bày tỏ quan điểm về loạt thủy điện nhỏ được xây dựng dày đặc trên các sông ở miền Trung, hay câu chuyện một lòng sông chỉ khoảng 26km nhưng cõng tới 4 thủy điện nhỏ ở Rào Trăng, ông Ca cho rằng: Thủy điện nếu quản lý tốt thì nó chỉ phá một phần rừng ở lòng hồ đã được tính toán, còn nếu như phá quá mức đó thì lỗi ở công tác quản lý nhà nước yếu kém.

Còn khi quy hoạch nhiều thủy điện nhỏ trên một dòng sông thành bậc thang thì nó hoàn toàn không gây nên lũ chồng lũ.

"Với quy trình vận hành hồ, thì tất cả các hồ xả tối đa bằng lượng nước về. Tức là, hồ thứ nhất sẽ xả đúng bằng lượng nước về hồ đó, hồ thứ 2 xả bằng lượng nước hồ thứ nhất xả ra cộng với lượng nước mà nó có từ lưu vực của nó, tương tự các hồ trên đó…

Như vậy, tăng số lượng thủy điện, chúng ta sẽ tăng số lượng xả lũ hơn là một thủy điện trên dòng và không ảnh hưởng dòng chảy bởi tác động thủy điện tồn tại trong khoảng cách rất ngắn, người ta gọi là xoáy rối và những cái này nó tiêu tán rất nhanh nên khoảng 1-2km là không còn tác động đến dòng chảy nữa', ông Ca lý giải.

Phát triển thủy điện nhỏ chưa tương xứng với rủi ro phá rừng?

Mặc dù cho rằng thủy điện nhỏ không ảnh hưởng nhiều đến dòng chảy, tuy nhiên, TS. Toán học Nguyễn Ngọc Chu lại cho rằng qua việc xây dựng thủy điện nhỏ có thể xảy ra nhiều tiềm ẩn như việc lợi dụng việc phá rừng xây thủy điện để khai thác gỗ.

"Thủy điện nhỏ là thuộc địa phương quản lý nên việc kiểm tra cũng phụ thuộc vào địa phương, do đó khi làm thủy điện nhỏ họ còn nghĩ đến việc lấy thêm rừng. Có thể là những người trực tiếp giải phóng mặt bằng, cũng có thể là người dân…

Người quản lý cũng có thể biết nhưng họ chấp nhận điều đó. Thay vì lấy 20 ha rừng thì họ chỉ khai 7 hoặc 4 ha ở trên cũng không biết được", ông Chu đặt vấn đề.

Cũng theo ông Chu, quy hoạch năng lượng thủy điện khoảng 25.500 MW, trong khi các nhà máy đang vận hành đã sản xuất được 18.500 MW; dự kiến 143 dự án đang triển khai có công suất khoảng 1.800 MW. "Như vậy, còn khoảng 5.000 MW trong quy hoạch, đây là con số quá nhỏ và chúng ta hoàn toàn có thể thay thế được từ nguồn năng lượng khác", ông Chu nói và nhấn mạnh: “Chúng ta đã có khoảng 20.000 MW năng lượng thủy điện rồi, còn 5.000 MW nữa thì ăn thua gì với tốc độ tăng trưởng kinh tế và điện lực mức 10-15% để thêm lo lắng”, ông Chu nói.

Theo ông Chu, chúng ta nên dồn đầu tư cho phía Nam làm điện mặt trời và điện gió và tích cực trồng rừng ở khu vực miền Trung để không tác động đến môi trường sinh thái thêm nữa.

Trước quan điểm trên, ông Đỗ Đức Quân, Phó cục trưởng cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công thương) chia sẻ: “Dư luận không đồng thuận với thủy điện vì lý do gây lũ, tôi cho rằng không chính xác, có thể do thông tin chưa đến với người dân đầy đủ nên cũng có những thông tin sai lệch.

Bộ Công thương đã dừng không bổ sung quy hoạch các dự án dưới thủy điện nhỏ dưới 3 MW, các dự án ảnh hưởng đất rừng, đất lúa, môi trường từ nhiều năm.

Tuy nhiên, liên quan vấn đề thủy điện, các địa phương cũng cần đánh giá lại, với tình hình cực đoan thời tiết như này, kế hoạch xây dựng ra sao để có kế hoạch phát triển về sau”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.