Thời sự

"Tránh trường hợp trách nhiệm dồn lên Thủ tướng như vừa qua"

04/11/2014, 07:36

Sửa đổi Luật tổ chức Chính phủ phải khắc phục được tình trạng trách nhiệm dồn lên Thủ tướng như thời gian qua, Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật của Uỷ ban pháp luật của QH nêu rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý - ảnh Anh Tuấn
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý báo cáo thẩm tra về Luật Tổ chức chính phủ sửa đổi - Ảnh: Anh Tuấn

Liên quan đến quy định về về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ (Chương III), báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày cho biết, cơ bản tán thành quy định tại Dự thảo Luật (gồm 3 điều quy định về Thủ tướng Chính phủ). Trong đó, Điều 24 Dự thảo Luật đã quy định chi tiết và thể hiện 6 nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Điều 98 Hiến pháp và bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, cho rằng, các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ cần đặt trong mối quan hệ với nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ.

"Mặt khác, cần phân biệt với các thành viên khác của Chính phủ, phải khắc phục được tình trạng dồn trách nhiệm lên Thủ tướng Chính phủ như trong thời gian qua. Bên cạnh đó, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ “Thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ” đã được quy định tại khoản 6 Điều 98 Hiến pháp", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay.

Cũng theo đại diện cơ quan thẩm tra, về cách thể hiện, Ủy ban Pháp luật đề nghị mỗi nội dung quy định trong Hiến pháp về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ nên cụ thể hóa thành các điều luật riêng. Đồng thời, cân nhắc 4 thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp quy định của Hiến pháp:

Thứ nhất, trong thời gian QH không họp, trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tại khoản 3 Điều 24.

Thứ hai, giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm tại khoản 5 Điều 24.

Thứ ba, tạm thời giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại khoản 6 Điều 24.

Thứ tư, quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân tại khoản 9 Điều 24. Bởi vì, trường hợp các biện pháp này hạn chế quyền con người, quyền công dân thì phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 14 Hiến pháp mà không thể quy định chung thẩm quyền này cho Thủ tướng Chính phủ như quy định của dự thảo Luật.

Mặt khác, báo cáo thẩm tra của UB Pháp luật của QH cho rằng cần tiếp tục rà soát, cân nhắc các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, quyết định tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức; quyết định việc phân cấp quản lý công chức, viên chức…

Bình Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.