Xã hội

Chủ tịch Công ty điện gió tráo người, trốn cách ly có thể bị phạt tù

10/03/2020, 09:28

Các luật sư cho rằng, việc đánh tráo người để trốn cách ly dịch Covid-19 có thể xem xét xử phạt tù.

img
Cơ quan chức năng Quảng Trị đến đưa bốn người của công ty điện gió ở Hướng Hóa đi cách ly trong đêm (Ảnh: H.T)

Hiện thông tin ông Lê Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty CP điện gió Hướng Tân tráo người để trốn cách ly đang gây xôn xao dư luận.

Trước đó, tối 8/3, sau khi rà soát danh sách trên chuyến bay VN1547 từ Hà Nội vào Huế ngày 6/3 cùng với nữ du khách người Anh (bệnh nhân Covid-19 thứ 30), lực lượng chức năng tại Quảng Trị đã làm thủ tục để đưa 4 hành khách trên chuyến bay VN1547 về cách ly tại Bệnh viện chuyên khoa Lao và bệnh phổi tỉnh.

Theo danh sách, trong 4 người trên có ông Lê Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty CP điện gió Hướng Tân. Tuy nhiên, đến sáng 9/3, Trung tâm cách ly của tỉnh đối chiếu lại, phát hiện có 1 trường hợp không phải họ tên trong danh sách 4 người trên. Người đi cách ly thay cho ông Lê Thanh Hà là một cán bộ của Công ty tên Phạm Như Hiệp.

Khi xuất hiện thông tin này, rất nhiều người tỏ ra bất bình và không đồng tình với cách hành xử của vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP điện gió Hướng Tân. Nhiều người cho rằng, hành động này cần phải xử lý nghiêm, bởi trong khi cả nước đang gồng mình chống lại dịch Covid-19 thì người này lại có hành vi “thiếu tính xây dựng”.

Nhìn nhận sự việc trên góc độ pháp lý, các luật sư cho rằng hành vi này hết sức nghiêm trọng, vi phạm pháp luật về phòng chống bệnh truyền nhiễm và pháp luật hình sự.

img
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP HCM

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho hay, tại Điều 8 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm nghiêm cấm hành vi cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm, không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền…

Theo luật sư Bình, trường hợp này, sẽ đặt ra hai tình huống là ông Chủ tịch HĐQT này không bị nhiễm virus Covid-19 và bị nhiễm Covid-19.

Ở trường hợp thứ nhất, người này không bị nhiễm virus Covid 19 thì có thể thấy ông đã có hành vi trốn khỏi nơi cách ly, quy phạm các quy định về khám chữa bệnh. Đối với hành vi này có thể xử lý về mặt hành chính sẽ bị xử phạt theo điểm b, khoản 1 Điều 10, Nghị định 176/2013 đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Mức phạt trong trường hợp này là phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng; buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.

Ở trường hợp thứ hai, vị Chủ tịch HĐQT Công ty điện gió đã bị nhiễm virus Covid 19 thì theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 10 Nghị định 176 hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng. Đồng thời, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.

Ngoài ra, hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người được quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Theo đó, tùy theo mức độ phạm tội, sẽ bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1 - 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

"Bên cạnh đó, cũng cần phải xử lý hình sự người nhân viên đã giúp ông ta trốn khỏi nơi cách ly với vai trò đồng phạm trong việc làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”, Luật sư Bình phân tích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.