Xã hội

Trao nhầm con tại bệnh viện: Thứ trưởng Bộ Y tế nói gì?

12/07/2018, 19:09

Trao nhầm trẻ sơ sinh là hy hữu song vài năm gần đây liên tiếp phát hiện sự cố này tại nhiều địa phương

trao-nham-con-ba-vi

Trường hợp trao nhầm con tại bệnh viện liên tiếp được phát hiện tại các địa phương. Mới đây nhất là tại BV Đa khoa Ba Vì, Hà Nội

Nhận định về sự cố trao nhầm con tại Ba Vì, Hà Nội, chiều 12/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Việc trao nhầm trẻ sơ sinh là hy hữu song trong vài năm gần đây, lại phát được phát hiện tại nhiều địa phương trong cả nước.

"Đây là sai sót của nữ hộ sinh. Tuy nhiên, bản thân nữ hộ sinh cũng chẳng muốn xảy ra sự nhầm lẫn như vậy Trước đây, sau khi sinh, các BV thường đánh số bằng mực, nitrat bạc lên tay hoặc chân trẻ. Nhưng do công nghệ còn thô sơ, chưa có điện, mực rất nhòe nên chỉ vì một vài bất cẩn nhỏ rất có thể xảy ra nhầm lẫn trong quá trình trao bé cho mẹ. Ngoài ra, một số BV cũng đeo dây cho mẹ và bé. Tuy nhiên, do một số lý do, dây đeo của bé bị tuột dẫn đến nhầm lần”, ông Tiến chia sẻ.

Liên quan tới việc bồi thường tổn thất do việc trao nhầm con, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, với một số trường hợp đã được giải quyết trước đây đều không có  bồi thường. “Sau khi xác định được cha mẹ ruột thì BV tổ chức cho hai bên nhận lại người thân. BV cũng xin lỗi và mong gia đình thông cảm, bởi chẳng ai mong muốn việc trao nhầm xảy ra. Tất nhiên, cả hai gia đình cũng đau xót, cũng sốc nhưng cũng mong họ cảm thông với BV", ông Tiến nói.

Qua đây, ông Tiến cũng nhẫn mạnh đây là bài học cảnh báo, yêu cầu các BV trên cả nước cần rà soát  làm chuẩn quy trình trao trả bé sơ sinh.

trao-nham-con-tai-benh-vien

Phương pháp “da kề da” cho các ca sinh non đã được hầu hết các BV áp dụng (ảnh minh họa)

Trở lại vụ trao nhầm con tại BV Đa khoa Ba Vì, tới nay, hai nữ hộ sinh Nguyễn Thị Thanh Mai và Nguyễn Thị Đức đã nhận trách nhiệm và bị bị xử lý kỷ luật.

Theo chia sẻ của nữ hộ sinh Nguyễn Thị Đức, thời điểm xảy ra sự cố, BV chưa sử dụng cách nhận diện mẹ và trẻ sơ sinh bằng vòng dây đeo tay như hiện tại, mà chỉ gọi tên rồi ra nhận con. Cụ thể, ngày 1/11/2012, hai bé Đoàn Nhật M. và Phùng Thanh H. cùng chào đời vào buổi sáng, cách nhau 20 phút. Trong đó, một bé nặng 3,1 kg còn một bé nặng 3.8 kg. Rất có thể, trong lúc thay đồ nữ hộ sinh đã sơ suất trao nhầm trẻ cho hai gia đình. “Đây là sự việc đáng tiếc, sơ suất ngoài ý muốn. Chúng tôi không bao giờ nghĩ có sự nhầm lẫn như thế, nên không nhớ gì cả. Bây giờ giở sổ sách ra, có tên chúng tôi thì chúng tôi nhận trách nhiệm và xin gửi lời xin lỗi đến gia đình các bé”, bà Đức nói.

Đại diện Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì cũng cho biết, để đảm bảo không xảy ra sai sót khi thực hiện chuyên môn,  từ năm 2013 đến nay, bệnh viện thực hiện theo đúng quy trình. Sau sinh trẻ được đeo vòng đánh số, cùng với số trên vòng tay của mẹ. Khi sản phụ sinh; bác sĩ thông báo với sản phụ là trẻ được đeo vòng tay số bao nhiêu, khi trao lại cho gia đình cũng sẽ thông báo lại con số này.

Được biết hiện nay hầu hết các BV đã áp dụng phương pháp “da kề da” cho các ca sinh. Khi em bé vừa sinh ra, bé khỏe, khóc tốt sẽ được đặt ngay lên bụng mẹ. Lúc này bé vẫn chưa được cắt rốn. Em bé được lau khô để đảm bảo ấm áp, sau đó được đeo một cái lắc tay ghi đầy đủ họ tên mẹ, tuổi mẹ, số nhập viện, cân nặng, giới tính của bé. Đặc điểm của chiếc lắc này chỉ có thể tháo rời khi lấy kéo cắt. Theo phương pháp da kề da, các em bé sẽ nằm ngay trong vòng tay mẹ từ khi được sinh ra đến khi chuyển ra phòng ngoài.

Trường hợp sinh mổ, em bé khỏe mạnh cũng được thực hiện phương pháp "da kề da" ngay. Nếu mổ xong, bà mẹ tỉnh táo sẽ chuyển con theo mẹ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.