Thời sự

Trao quyền cho trưởng đặc khu, làm sai phải đi tù?

12/01/2018, 07:23

Ngày 11/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu).

7

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp

“Đã làm đừng sợ, đã sợ đừng làm!”

Theo dự thảo Luật, ngoài hai phương án không lập và lập HĐND, UBND, còn có phương án thứ ba được quy định theo hướng kết hợp các ưu điểm của hai phương án, trên cơ sở đó sẽ lập Hội đồng đặc khu và Ủy ban đặc khu.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ thì chọn phương án 1 theo mô hình Trưởng Đặc khu. Theo ông, đã nói đặc biệt là phải khác và đột phá về cơ chế chính sách và tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. “Cho anh cơ chế thoáng, nhưng không phải muốn làm gì thì làm, không tổ chức HĐND ở đặc khu nhưng có HĐND cấp tỉnh sẽ giám sát”, ông nói và cho rằng, trưởng đặc khu phải quyết định và chịu trách nhiệm, nếu làm sai thì đi tù.

Trả lời câu hỏi về những quy định như dự luật đưa ra có trái Hiến pháp không, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Quan điểm chúng tôi không trái Hiến pháp, bởi đặc khu không phải cấp chính quyền, đây là một thiết chế chính quyền được xây dựng khác, là thiết chế trưởng đặc khu. Thiết kế luật này là theo nhu cầu cuộc sống, của nhà đầu tư, chứ không phải ta cho những gì ta có. Nếu ta cho cái người ta không cần, cái người ta cần ta lại không cho thì sức sống, thành công của luật không cao”.Trước nhiều ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc này phải xin ý kiến Bộ Chính trị, thậm chí báo cáo T.Ư. Bà cũng lưu ý 3 đặc khu có những đặc thù khác nhau, vì vậy đề nghị dự luật phải xây dựng 3 chương riêng cho từng đặc khu chứ không áp dụng chung.

Đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, “đã làm thì đừng sợ, đã sợ thì đừng làm”. Theo ông Việt, 3 đặc khu (Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong) có địa thế đặc biệt, cần có cơ chế chính sách đặc biệt và tính làm sao bộ máy tương xứng với cơ chế đặc biệt này. Vấn đề là cần làm rõ có vi hiến không, kiểm soát quyền lực thế nào? Ông cũng lưu ý không nên cứng nhắc quá, làm gì cũng phải có cái lợi, cái mất nhưng tổng thể phải “được nhiều mất ít”.

Liên quan đến vấn đề kiểm soát quyền lực, Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Văn hóa, thanh, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, người đứng đầu đặc khu rất quan trọng, nên cần có tổ chức đi cùng để đánh giá giám sát. Vì vậy, ông đồng ý với phương án 3 là có Hội đồng đặc khu nhưng đó phải là những nhân sĩ trí thức để tư vấn chứ không phải kiểm soát đơn thuần như HĐND.

“Trưởng đặc khu phải báo cáo hàng năm để hội đồng cho ý kiến. Thủ tướng chịu trách nhiệm trước Quốc hội về vấn đề điều hành 3 đặc khu này, có Hội đồng tư vấn hay không là việc của Thủ tướng”, ông Bình góp ý và cho rằng, nhân sự ở đây trình độ phải là từ Phó bí thư Tỉnh ủy trở lên. Cũng theo ông, khi đã trao quyền hạn vượt bậc thì khi vi phạm không thể xử lý theo quy trình thông thường, vì vậy dự Luật cần quy định trường hợp xử lý trưởng đặc khu nếu có vi phạm.

“Giao đất 99 năm là quá dài”

Bày tỏ đồng tình với phương án thứ ba, nhưng Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Quốc hội phải làm rõ 3 đặc khu mang lại lợi ích gì cho đất nước? Theo ông, điều cốt lõi nhất luật cần thể hiện được là 3 đặc khu kinh tế phải là động lực phát triển cho tỉnh đó, khu vực đó, kéo theo sự phát triển chung của đất nước. Đồng thời, phải tạo được nguồn thu cho ngân sách, không phải là “sưu cao thuế nặng”, mà là sự phát triển. “Việt Nam là cô gái đẹp, tất cả cơ thể này chỗ nào cũng đẹp. Chúng ta phải lựa chọn những bàn tay tinh túy nhất, chứ không phải là ai cũng cho vào. Cho nên lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phải có tầm vóc. Nhà đầu tư khi bước vào thì phải đem đến điều gì đó đặc biệt, tạo động lực mạnh mẽ cho đặc khu phát triển”, ông Hiển nhấn mạnh.

Băn khoăn việc cấp quyền sử dụng đất đến 99 năm, ông Hiển nêu ý kiến: “20 năm là một thế hệ, vậy 99 năm là quá dài. Tôi nghĩ cứ theo luật thôi, 70 năm ông nào vào thì vào. Thuế không miễn cho ông nào hết, chỉ giảm có thời hạn thôi”.

Cũng về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chia sẻ, khi đang ngồi ở đây bàn dự án luật thì giá đất Phú Quốc đang tăng lên chóng mặt, cao chót vót. “Nếu chúng ta cho phép giao đất 99 năm với ưu đãi cao về thuế, thì không biết đến bao giờ chúng ta có thể thu hồi được số tiền khổng lồ bỏ ra giải phóng mặt bằng”, ông Dũng nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị phải đưa ra nguyên tắc đất nào giao 99 năm, đất nào giao 70 năm để trưởng đặc khu có thể quyết định mà không cần báo cáo Thủ tướng.

Với vai trò của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, việc quy định thời hạn sử dụng đất tối đa đến 99 năm như dự thảo nhằm thể hiện tính vượt trội trong chính sách đất đai tại đặc khu so với các khu kinh tế khác trong nước cũng như một số đặc khu kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

Hơn nữa, thời hạn sử dụng đất tối đa đến 99 năm chỉ được áp dụng trong phạm vi hẹp, đối với một số dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên, theo trình tự, thủ tục chặt chẽ và do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.