Chuyện dọc đường

Trao sổ hồng, đâu cần phải rình rang

18/09/2020, 06:29

Tổ chức rình rang làm gì, khi mà chủ đầu tư đã mong chờ điều này quá lâu rồi, họ mong ngày mong đêm có sổ hồng để trả cho dân.

img
Sở TN&MT TP.HCM đã tổ chức riêng một buổi lễ trao 1.000 sổ hồng cho đại diện một số chủ đầu tư vào chiều 15/9. Ảnh: Việt Hoa

“Không cần tổ chức sự kiện gì cả, chỉ cần thông báo là chủ đầu tư chạy lên lấy liền…”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM thẳng thắn nói vậy về sự kiện Sở TN&MT tổ chức trao 1.000 sổ hồng cho đại diện một số chủ đầu tư vào chiều 15/9.

Theo ông Châu, tổ chức rình rang làm gì, khi mà chủ đầu tư đã mong chờ điều này quá lâu rồi, họ mong ngày mong đêm có sổ hồng để trả cho dân.

Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố cho biết, giai đoạn 2015 - 2019, trong tổng số 490 dự án nhà ở được phê duyệt, có 53 dự án thuộc 12 tập đoàn và doanh nghiệp đang bị tắc sổ hồng, khiến gần 30.000 căn nhà và căn hộ chưa được cấp sổ.

Những doanh nghiệp lớn đều đang điêu đứng vì vướng sổ hồng như Hưng Thịnh (13 dự án với 7.944 căn), Novaland (11 dự án với 6.118 căn), Quốc Cường Gia Lai (7 dự án, 3.414 căn)… Đó là chưa kể hàng chục dự án khác trước năm 2015 đến nay vẫn chưa tính được tiền sử dụng đất để doanh nghiệp nộp vào ngân sách và làm sổ hồng cho dân.

“Cuộc chiến” giữa người dân và chủ đầu tư các dự án cũng bắt đầu từ đây. Người dân treo băng rôn, khiếu nại chủ đầu tư. Nhưng doanh nghiệp cũng khốn khó đủ đường vì bế tắc. Công ty Địa ốc Sài Gòn có 3 dự án với gần 1.400 căn hộ chưa được cấp sổ khiến lãnh đạo doanh nghiệp này đứng ngồi không yên.

“Bản thân công ty rất mong muốn đóng tiền sử dụng đất sớm để được ra sổ hồng cho dân. Chủ đầu tư vừa giữ được uy tín vừa thu được số tiền bán căn hộ còn lại của người dân nhưng chính quyền không cấp sổ thì… biết làm sao”, đại diện doanh nghiệp này ngao ngán.

Nguyên nhân chính trong việc chậm ra sổ hồng được ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM phân bua là do khó khăn trong việc xác định giá trị tiền sử dụng đất. Có những dự án được giao đất từ trước khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, khiến việc xác định thời điểm tính giá đất còn lúng túng.

Thật lạ khi sự lúng túng kéo dài đến… 10 năm. Được biết dự án nhà ở của Công ty Địa Ốc Xanh tại phường 16, quận 8 từ 10 năm trước đã được doanh nghiệp tạm đóng tiền sử dụng đất nhưng từ Sở TN&MT sang Sở Xây dựng, chuyển tiếp đến Sở KH&ĐT… hết 10 năm vẫn chưa tính ra được chính xác là bao nhiêu để doanh nghiệp nộp bổ sung mà triển khai dự án.

Quá sốt ruột, có doanh nghiệp khẩn thiết xin nộp tạm trước tiền sử dụng đất trên cơ sở diện tích thực tế để sớm trả sổ cho dân, sau này chi phí tăng thêm thì sẽ nộp bổ sung. Thế nhưng, không một cơ quan nào của thành phố trả lời.

Người dân, doanh nghiệp khốn khó, Nhà nước cũng thiệt hại không nhỏ. Trong 8 tháng đầu năm 2020, thành phố chỉ thu được 4.453 tỷ đồng tiền sử dụng đất, giảm đến 52% so với cùng kỳ năm 2019.

Có thể thấy, việc “tắc” sổ hồng của hàng ngàn hộ dân ở TP.HCM chính là từ sự tắc trách của các ngành chức năng của thành phố.

TP.HCM được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước, có nhiều đột phá đổi mới, sáng tạo, thế nhưng từ vụ sổ hồng hơn 30.000 căn hộ đang bị treo, cho thấy còn nhiều vấn đề trong việc quản lý đất đai. Phải chăng sự chậm trễ (có lẽ có cả cái sai đã kéo dài nhiều năm) nên giờ không ai dám giải quyết?

Trong bối cảnh người dân vẫn è cổ gánh chịu những khó khăn, mua chung cư ở tới 6 năm vẫn chưa cầm được sổ hồng, tài sản nhìn thấy mà không có giấy chứng thực, bán thì mất giá mà thế chấp ngân hàng cũng cực kỳ khó khăn..., người dân mong chờ Sở TN&MT đề xuất lãnh đạo thành phố có giải pháp tháo gỡ chứ không cần tổ chức trao sổ rình rang. Vì 1.000 sổ vừa được trao thật không thấm tháp gì với con số gần 30.000 sổ hồng của người dân vẫn còn bị treo, chưa biết ngày nào được cấp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.