Xã hội

Trao thêm quyền để “trị” tài xế chây ì, bất hợp tác

01/12/2020, 06:55

Các tài xế chây ì, bất hợp tác đang được coi là tình tiết tăng nặng và bị phạt kịch khung nhưng dường như vẫn chưa đủ răn đe.

img
Cố tình không hợp tác kiểm tra nồng độ cồn, tài xế còn có hành động chỉ tay vào mặt CSGT đang làm nhiệm vụ

Theo đánh giá của Cục CSGT (Bộ Công an), trung bình để xử lý một trường hợp vi phạm nồng độ cồn phải mất 2 tiếng và cũng rất nhiều lần CSGT phải “trắng đêm” chỉ để xử lý 1 trường hợp xe chở quá tải. Các tài xế chây ì, bất hợp tác đang được coi là tình tiết tăng nặng và bị phạt kịch khung nhưng dường như vẫn chưa đủ răn đe.

Đủ kiểu trây ì, bất hợp tác

21h30 đêm 23/11, PV Báo Giao thông theo chân Tổ công tác Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) làm nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn tại khu vực ngã ba Nguyễn Văn Lộc - Trần Phú (quận Hà Đông, Hà Nội).

Phát hiện ô tô SantaFe BKS 30F - 130.9x dừng chờ đèn đỏ nhưng khi đèn chuyển xanh vẫn không di chuyển, Thiếu tá Nguyễn Quốc Đạt, Tổ trưởng Tổ công tác tiến tới kiểm tra thì phát hiện nam tài xế đang… gục đầu ngủ ở vô lăng.

Thiếu tá Đạt nhiều lần gõ cửa nhưng phải sau 15 phút, tài xế mới xuống xe và không chấp hành đo nồng độ cồn theo yêu cầu, đồng thời bỏ đi. Tổ công tác đã gọi lực lượng công an phường hỗ trợ, gọi xe cẩu, người làm chứng rồi tiến hành niêm phong phương tiện đưa về bãi tạm giữ.

Ngày 4/11, trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), khi Tổ CSGT ra tín hiệu dừng xe kiểm tra, lái xe Howo BKS 29C - 433.4x đã tăng ga bỏ chạy.

Khi bị Tổ công tác đuổi theo dừng được xe, tài xế vẫn cố thủ trên cabin. Rất lâu sau đó, tài xế mới mở cửa xe nhưng không xuất trình giấy tờ và nói ráo hoảnh: “Khi nào chủ xe chỉ đạo cho CSGT xem giấy tờ thì mới đưa”. Mất gần 2 giờ, tài xế mới chấp hành đưa xe đi cân và kết quả, xe quá tải 34%. Tổng cộng, thời gian xử lý trường hợp này là 3 tiếng.

Trước đó, trên tuyến QL21B qua địa bàn phường Phú Lương, Tổ công tác Đội CSGT số 10 phát hiện anh Nguyễn Xuân C. (SN 1971, trú xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội) điều khiển ô tô Hyundai i10 BKS 30E - 488x có kết quả nồng độ cồn 0,291 miligam/lít khí thở.

Tuy nhiên, anh C. nhất định không ký vào phiếu kiểm tra nồng độ cồn. Sau một thời gian khá dài thuyết phục, tài xế C. mới chịu ngồi lên xe để CSGT đưa về bãi tạm giữ. Quy trình lập biên bản xử phạt, tạm giữ phương tiện với tài xế C. mất hơn 3 tiếng.

Cần luật hóa quyền hạn của lực lượng chức năng

img
Tổ công tác Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Hà Nội) tiến hành niêm phong phương tiện của tài xế nghi say rượu ngủ gục trên xe rồi bỏ đi

Trung tá Vũ Kiên Cường, Đội CSGT số 10, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho hay, với các trường hợp người vi phạm bỏ đi, bất hợp tác, không thực hiện yêu cầu của CSGT, ban đầu CSGT sẽ kiên trì thuyết phục.

Nếu vẫn không được sẽ mời công an địa bàn, người làm chứng rồi lập biên bản, xác minh chủ phương tiện qua giấy đăng ký xe, đồng thời có giấy mời lên làm việc. Sau khi xác định được người điều khiển sẽ mời đến trụ sở đơn vị lập biên bản, xử lý. Các trường hợp này đều bị phạt kịch khung để răn đe.

“Tài xế ban đầu không hợp tác thì sau đó vẫn phải tới trụ sở CSGT để lập biên bản, làm thủ tục nộp phạt với mức phạt cao nhất. Như vậy, cả người vi phạm lẫn người xử lý vi phạm đều vất vả”, Trung tá Cường nhìn nhận.

Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho rằng, quy định hiện hành đã hướng dẫn CSGT xử phạt kịch khung đối với lái xe chây ì, bất hợp tác.

“Tuy nhiên, để tồn tại tình trạng này một phần do CSGT khi giải quyết vi phạm có tâm lý “ngại”, “sợ”, nhất là khi có yếu tố kéo bè, đám đông, quay clip... Cần tăng thêm quyền hạn cho lực lượng CSGT, đồng thời việc xử lý phải mạnh, kiên quyết và dứt khoát. Đồng thời, cần có sự hợp tác chặt chẽ với các lực lượng CSTT, chính quyền địa phương”, ông Quỹ nói

Trao đổi với với PV Báo Giao thông, TS. Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, khi lực lượng được giao nhiệm vụ thực thi công vụ yêu cầu mà người vi phạm không chấp hành thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Trên thế giới, nhiều nước xử lý hành vi này rất nặng, lập tức bị trấn áp ngay, không cho phép tài xế cứ ngồi lỳ trong xe cố thủ và thậm chí những tài xế này còn bị xử lý hình sự. Chúng ta vẫn có quy trình xử lý hành vi không chấp hành yêu cầu của lực lượng thực thi pháp luật nhưng chưa đủ mạnh.

“Chúng ta cần tham khảo luật pháp quốc tế và phải luật hóa được quyền hạn của lực lượng chức năng sao cho nhanh, mạnh nhất. Bởi hành vi không chấp hành yêu cầu của lực lượng thực thi pháp luật chính là hành vi thách thức và coi thường pháp luật. Chúng ta cần quy định cụ thể thời hạn tối đa xử lý một trường hợp vi phạm giao thông, nếu quá thời gian quy định là cưỡng chế. Chứ để tài xế vi phạm nồng độ cồn cố thủ trong xe 4 tiếng, cảnh sát cũng chờ cả 4 tiếng thì hiệu lực thực thi pháp luật rất thấp”, ông Minh nói.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, chưa đến mức độ chống đối nhưng nhiều tài xế chây ì, bất hợp tác, chậm hợp tác... khiến công tác xử lý vi phạm của CSGT gặp nhiều khó khăn. Điển hình là các tài xế đã sử dụng rượu, bia.

“11 tháng năm 2020, lực lượng CSGT đã xử lý hơn 156.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trung bình để xử lý một trường hợp phải mất 2 tiếng, tức CSGT phải mất hơn 300.000 giờ/năm chỉ để xử lý vi phạm này. Bên cạnh đó, khi xử lý một trường hợp vi phạm nồng độ cồn phải có 5 cán bộ thực hiện, trung bình mất gần 1,6 triệu lượt cán bộ xử lý nồng độ cồn trong một năm”, Đại tá Bình cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.