Quốc tế

Trật tự bóng đá châu Âu được thiết lập tại vòng bảng Champions League

05/12/2017, 07:51

Giữa tuần này, vòng bảng Champions League 2017-2018 sẽ khép lại với lượt đấu thứ 6.

23

Man City thể hiện sức mạnh vượt trội tại vòng bảng Champions League 2017-2018

Trật tự cũ ở lục địa già

Rạng sáng 6, 7/12, lượt trận cuối vòng bảng Champions League mùa giải 2017-2018 sẽ diễn ra. Tuy nhiên, với đa phần các ông lớn, trận đấu cuối cùng chỉ còn mang ý nghĩa thủ tục. Tại bảng A, MU chắc chắn đã có vé đi tiếp sau trận hòa Basel ở lượt đấu thứ 5. Tại bảng B, cục diện thậm chí ngã ngũ sau loạt trận thứ tư khi cả PSG lẫn Bayern Munich đều sớm ghi tên mình vào vòng 1/8. Tương tự, tại bảng H, Tottenham và Real Madrid cùng dắt tay nhau đi tiếp. Bảng F chứng kiến sự vượt trội của Man City khi đoàn quân dưới quyền HLV Pep Guardiola giành cả 5 chiến thắng.

Ở bảng E, Liverpool và Sevilla tuy chưa thể có suất vào vòng trong nhưng việc chỉ phải gặp lần lượt Maribor và Spartak Moskva tại lượt đấu cuối là cơ hội để hai đội bóng này hoàn thành mục tiêu. Barcelona sớm lấy một vé ở bảng D còn Juventus sẽ nhận nốt suất còn lại nếu đánh bại Olympiakos tại lượt đấu giữa tuần này. Đây là nhiệm vụ không hề khó với thày trò HLV Max Allegri. Điểm qua một lượt như vậy để thấy rằng, gần như các ông lớn đều an toàn sau vòng đấu bảng. Tên tuổi duy nhất có nguy cơ rớt lại là Atletico Madrid ở bảng C. Đội bóng áo sọc đỏ trắng chỉ đi tiếp nếu đánh bại Chelsea, đồng thời AS Roma phải thua Qarabag. Cả hai kịch bản này đều khó xảy ra.

Tuy vậy, ngay cả khi Atletico Madrid bị loại, AS Roma đi tiếp cũng chẳng phải là cú sốc quá lớn bởi xét về thực lực, đại diện nước Ý không hề thua kém đội bóng tới từ Thủ đô Tây Ban Nha. Ba mùa giải gần nhất, ít nhiều đều có bất ngờ tại vòng bảng Champions League. Những đội bóng nhỏ như: Shakhtar Donetsk, Basel, Benfica, Dynamo Kiev, Gent, Zenit... lần lượt đoạt vé vào chơi tại vòng knock-out. Tuy nhiên, trật tự ở giải đấu danh giá nhất lục địa già đã được thiết lập ngay từ vòng bảng Champions League mùa này. Quá ít cơ hội cho các đội bóng thấp cổ bé họng như: CSKA Moscow, Celtic, Anderlecht, Qarabag, Olympiakos, Maribor...

Đã mạnh lại càng mạnh

Để tăng cơ hội cho những nền bóng đá nhỏ, thu hẹp khoảng cách giữa các liên đoàn thành viên, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đã tăng số đội tham dự lên 32 đội và trong tương lai con số có thể tiếp tục tăng. Tuy nhiên, hiệu quả từ bước đi này qua nhiều năm gần như là con số 0. Mùa giải 2003-2004, Porto và Monaco trở thành hiện tượng khi tiến một lèo tới trận chung kết Champions League rồi lên ngôi. Tuy nhiên, từ đó tới nay, trận chung kết, thậm chí là vòng bán kết hay tứ kết, rất hiếm khi có một đội bóng không thuộc Ngoại hạng Anh, La Liga, Bundesliga, Ligue 1 hay Serie A. Trong đó, La Liga chiếm ưu thế hơn cả khi thống trị cả bốn mùa giải gần nhất (Barcelona 1, Real Madrid 3).

Theo chuyên gia Oli Platt của tờ Goal, khoảng cách trình độ chuyên môn của các đội bóng khó được san lấp nếu khoảng cách tài chính vẫn là một hố sâu hun hút: “Đội bóng lớn, tiềm lực tài chính hùng mạnh dễ dàng mua về những ngôi sao đẳng cấp để gia tăng sức mạnh. Ngược lại, những đội bóng nhỏ, năng lực tài chính hạn chế buộc phải dùng hàng dạt, hàng thải hoặc hàng kém chất lượng. Cứ như vậy, các ông lớn thể hiện ưu thế trên sân, đi sâu và giành được nhiều tiền thưởng và lại càng giàu. Những đội bóng nhỏ dừng bước sớm, nhận được ít tiền thưởng, nghèo lại hoàn nghèo”, Oli phân tích.

Chiếu theo phân tích của chuyên gia Oli Platt, một CLB nhỏ, ở một nền bóng đá nhỏ chỉ thực sự trở thành đối trọng của nhóm siêu cường nếu được đầu tư tiền của ồ ạt. Nhưng việc đầu tư này tiềm ẩn nhiều rủi ro (Malaga là một ví dụ), nên các thương hiệu lớn vẫn có xu hướng tìm tới các CLB mạnh để hợp tác. Atletico Madrid là đội bóng hiếm hoi thực sự vươn tầm ở châu Âu kể cả về mặt chuyên môn, từ đó có sự khởi sắc trên khía cạnh thương mại. Nhưng thày trò HLV Diego Simone tới từ Tây Ban Nha, một nền bóng đá hàng đầu châu Âu.

HLV Marco Bielsa của Lille, người từng dẫn dắt ĐT Argentina cho rằng, nếu cứ duy trì cách tổ chức như hiện tại, những đội bóng nhỏ chẳng bao giờ có cơ hội vô địch Champions League: “Theo tôi, nếu UEFA muốn thu hẹp khoảng cách giữa các liên đoàn thì nên hỗ trợ nhiều hơn cho nhóm top dưới. Chỉ đến khi cả nền của bóng đá của một quốc gia đi lên, các đội bóng hàng đầu ở quốc gia đó mới phát triển. Luật công bằng tài chính cũng nên siết chặt hơn để các ông lớn không thể vung tiền bừa bãi thu gom hết cầu thủ tài năng. Bằng không, nên tách Champions League thành hai giải, một cho đội nhóm đầu, một cho đội nhóm dưới”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.