Bạn cần biết

Trẻ béo phì bị tiểu đường, tăng huyết áp như "người già"

12/05/2015, 15:53

Khi béo phì, kể cả trẻ em cũng mắc rất nhiều căn bệnh “người già” như tiểu đường, huyết áp, rối loạn chuyển hóa...

51
Để giảm nguy cơ bệnh tật, trẻ cần cân bằng dinh dưỡng và tăng cường vận động

Bộ Y tế mới đây đã đưa ra cảnh báo 25% người dân Việt đang bị thừa cân, béo phì. Khi béo phì, kể cả người trẻ cũng mắc rất nhiều căn bệnh “người già” như tiểu đường, huyết áp, rối loạn chuyển hóa...

Trên 20% trẻ béo phì bị tăng huyết áp

Đưa bé H. (ở nhà gọi là Zin, 5 tuổi) tới khám tại Viện Dinh dưỡng T.Ư, chị Nguyễn Khánh Hòa (Lò Đúc, Hà Nội) lo lắng khi bác sỹ cho biết, Zin đã 35 kg, huyết áp của bé xấp xỉ 120/80mmHg, có dấu hiệu rối loạn chuyển hóa đường.

Theo chị Hòa, bé Zin sinh thiếu tháng, chỉ nặng chưa đầy 2kg, lại là cháu đích tôn của dòng họ, nên cả gia đình hết mực chiều chuộng, đầu tư dinh dưỡng. Cái gì ngon, bổ béo... đều được dành cho Zin. Thấy bé tăng cân vùn vụt, cả gia đình đều mừng lắm và cứ ai kêu bé béo phì là ông bà, bố mẹ gạt phắt đi: “Thằng thiếu tháng lớn được là tốt, lo gì béo”.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chi phí cho quản lý và điều trị thừa cân, béo phì có thể lên đến 2-7% tổng chi phí cho chăm sóc y tế của các nước phát triển.

Chỉ đến khi cô giáo lớp mẫu giáo của Zin liên tục cảnh báo bé cứ tăng đều 0,5kg/tháng trong vòng ba tháng, rồi thấy con có các triệu chứng thở nặng khi lên cầu thang, ít chịu vận động..., chị Khánh Hòa mới miễn cưỡng đưa con đi khám và phát hoảng khi nhận được cảnh báo “phải đối mặt với nguy cơ Zin bị huyết áp cao, tiểu đường trong tương lai gần”.

Theo BS. Phan Hướng Dương, Bệnh viện Nội tiết T.Ư, nếu trước kia bệnh đái tháo đường tuýp 2 vốn chỉ xuất hiện ở người trên 45 tuổi, thì nay lại xuất hiện nhiều ở bệnh nhi. Bệnh viện đã từng tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Văn Hùng, 13 tuổi nhưng nặng 70 kg, chỉ số đường huyết lên đến 15mmol/l (trong khi chỉ số đường huyết của người khỏe mạnh chỉ 6-6,5mmol/l). Theo người nhà của bệnh nhân, do ngày nhỏ Hùng còi cọc, nên gia đình ra sức bồi bổ nhiều loại sữa, thoải mái trong việc ăn uống khiến Hùng béo phì lúc nào không hay.

“Nhiều gia đình cứ nghĩ thương con thì cho ăn nhiều, hóa ra lại hại con. Ở Hà Nội và TP HCM, tỷ lệ thừa cân ở học sinh tiểu học đã lên tới gần 10%, cá biệt có những vùng tỷ lệ này còn cao hơn nhiều. Trẻ em và cả người lớn béo phì đều có nguy cơ mắc rất nhiều bệnh tật”, BS. Dương nói.

Theo TS, BS. Nguyễn Lương Hạnh, Viện Dinh dưỡng T.Ư, béo phì ở trẻ em có liên quan đến các rối loạn về chuyển hóa. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch và các bệnh mãn tính khác ngay khi trẻ còn nhỏ cũng như lúc trưởng thành. Tại Việt Nam, có trên 20% trẻ béo phì bị tăng huyết áp.

Cân bằng dinh dưỡng và tăng cường vận động

Nghe lời tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng, chị Khánh Hòa hiện đang áp dụng việc giảm bớt lượng thực phẩm cho con, đồng thời, lôi con rời xa dần ti vi, ipad. “Trước đây, con thích ăn gì thì chiều đó, nay phải kiểm soát để con không ăn nhiều, tránh xa chất béo, còn khó hơn lúc ép con ăn”, chị Hòa than.

Theo BS. Hạnh, có nhiều yếu tố phức tạp tác động và dẫn đến việc thừa cân, béo phì, như di truyền, tâm sinh lý, nhưng khẩu phần ăn dư thừa năng lượng và thiếu hoạt động thể lực vẫn là nguyên nhân chính. Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh không lây nhiễm, như: Tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, xơ vữa và tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim; nguy cơ của bệnh đái tháo đường tuýp 2 và một số bệnh ung thư như ung thư túi mật, ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư thận…

BS. Hạnh khuyến cáo, để kiểm soát và phòng ngừa tình trạng thừa cân, béo phì, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, với khẩu phần ăn đảm bảo đủ bốn nhóm thực phẩm (chất bột đường, chất đạm, chất béo và chất xơ-vitamin - khoáng chất). Đồng thời, nên tăng cường ăn rau quả, sữa chua, trái cây, hạn chế sử dụng thực phẩm giàu năng lượng, nghèo vi chất dinh dưỡng và đồ uống nhiều đường.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động thể lực với các loại hình và mức độ thích hợp theo lứa tuổi, hạn chế ngồi xem ti vi, chơi điện tử và thức quá khuya. Việc theo dõi chỉ số cân nặng, chiều cao cần được thực hiện thường xuyên nhằm phát hiện sớm thừa cân, béo phì để kịp thời điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.