Trẻ bị viêm loét dạ dày do đâu?

16/04/2021, 14:16

Để giúp tăng cường miễn dịch cho trẻ cũng như để trẻ có hệ tiêu hóa khoẻ mạnh, cha mẹ cần chú ý nuôi dưỡng trẻ đúng cách.

img

Hỏi:

Con tôi được chẩn đoán viêm loét dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP dù mới 9 tuổi. Vậy, có phải vi khuẩn này dễ lây nhiễm trong gia đình không, thưa bác sĩ?

Mai Hạnh (Hà Nội)

Trả lời:

Vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác qua đường tiêu hóa (ăn uống, vệ sinh kém). Vì vậy, khi trong gia đình có người thân như cha, mẹ bị nhiễm thì khả năng lây cho con cái rất cao.

Có đến 60 - 70% dân số Việt Nam khi xét nghiệm có nhiễm vi khuẩn HP. Đây là con số đáng ngại vì vi khuẩn HP có thể gây nên nhiều bệnh lý dạ dày nguy hiểm như viêm loét dạ dày - tá tràng, ung thư dạ dày nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Mặt khác, nguyên nhân viêm loét dạ dày còn có thể bắt nguồn từ chế độ ăn uống không khoa học: Ăn quá no, để quá đói, ăn quá nhiều đồ chua, thức ăn cay, nóng...; hay do stress, dùng thuốc có hại cho dạ dày…

Để hạn chế sự lây nhiễm, ăn uống hợp vệ sinh là khâu quan trọng nhất. Trong gia đình khi có người bị viêm loét dạ dày - tá tràng không nên dùng chung bát, đũa, cốc, chén... hoặc phải nhúng vào nước đun sôi sau khi đã rửa sạch. Đặc biệt, cần xóa bỏ thói quen mớm cơm cho trẻ với bất kỳ hình thức nào.

Ngoài ra, để giúp tăng cường miễn dịch cho trẻ cũng như để trẻ có hệ tiêu hóa khoẻ mạnh, cha mẹ cần chú ý nuôi dưỡng trẻ đúng cách như sau: Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ăn dặm nên bắt đầu khi trẻ 6 tháng; Tập cho trẻ thói quen ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi; Tạo cho trẻ một không gian thoải mái, tránh gây các áp lực tâm lý, căng thẳng về việc học tập, cuộc sống khiến trẻ bị stress...

Khi thấy các biểu hiện đau bụng, khó chịu đường tiêu hóa, gia đình cần cho trẻ đi khám ngay để chẩn đoán sớm nguyên nhân và điều trị cho trẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.