Bạn cần biết

Trẻ cúm mùa ào ào nhập viện

19/01/2018, 06:32

Theo thống kê của BV Nhi T.Ư, chỉ trong vòng 2 tuần qua, hơn 300 bệnh nhi được chẩn đoán mắc cúm...

11

Gia tăng bệnh nhi khám và điều trị cúm tại Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư

Không đùa với cúm mùa

Tại khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư, chị Nguyễn Thanh M. (Hà Đông, Hà Nội) có hai con cùng đồng loạt mắc cúm buộc phải nhập viện điều trị vì trẻ sốt cao liên tục và bị co giật. Theo lời chị M., ban đầu cô con gái lớn có dấu hiệu sốt, ho và chảy nước mũi. Thấy vậy, chị chỉ nghĩ do thay đổi thời tiết, nên chủ quan không cho đi khám, tự điều trị hạ sốt. Sau khi cô con gái lớn 4 tuổi sốt được hai ngày thì cậu con trai 8 tháng tuổi cũng sốt theo. Dù được uống hạ sốt nhưng cả hai con cùng không hạ nhiệt, vợ chồng chị M. tá hỏa vội đưa con đi cấp cứu sau khi chứng kiến cả hai con cùng sốt co giật.

Không có dấu hiệu sốt co giật nhưng bé Nguyễn Minh H. (14 tháng tuổi, Điện Biên) cũng buộc nhập viện sau khi được điều trị 1 tuần tại y tế cơ sở nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm. Tại đây, bé H., được bác sĩ chẩn đoán mắc cúm, viêm phế quản phổi.

"Trẻ mắc cúm, cha mẹ tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh cho trẻ, tránh tình trạng kháng thuốc kháng sinh lan tràn. Ngoài ra, khi trẻ nằm viện thì nên hạn chế các tiếp xúc không cần thiết như quá nhiều người thăm nom, rất dễ mang mầm bệnh cúm ra cộng đồng."

Ths.BS Đỗ Thiện Hải
Phó trưởng khoaTruyền nhiễm
BV Nhi T.Ư

Ngày 18/1, trao đổi với PV Báo Giao thông, Ths.BS. Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư cho biết: “Hiện tại, khoa đang điều trị cho gần 40 trẻ. Điều đáng nói, các trẻ buộc phải nhập viện điều trị nội trú đều là những trẻ có nền bệnh sẵn như suy gan, suy thận, đang điều trị viêm phổi giờ lại mắc thêm cúm mùa khiến bệnh tình trở nặng hơn. So với cùng thời điểm này, năm trước số trẻ mắc cúm nhập viện điều trị có tăng”. BS. Hải giải thích đang là thời điểm mùa đông xuân với độ ẩm, nhiệt độ rất thuận lợi cho các loại virus, đặc biệt là virus cúm phát triển. Khi trẻ mắc cúm, hệ thống miễn dịch bị giảm, nếu cha mẹ không biết cách phòng tránh và chăm sóc, trẻ dễ bị bội nhiễm, dẫn đến biến chứng như viêm phế quản phổi.

Theo BS. Hải, nếu trẻ chỉ mắc cúm mùa thông thường trên nền cơ thể khỏe mạnh và được chăm sóc đúng cách thì trẻ rất dễ bình phục, sau 3-5 ngày trẻ sẽ tự khỏi bệnh. Tuy nhiên, đặc biệt lưu ý với trẻ có nền bệnh hen phế quản, phế quản co thắt kích thích cơn co thắt gây khó thở rất nhanh, viêm phổi, bệnh lý suy giảm miễn dịch, hội chứng thận hư, suy thận, ung thư hay trẻ suy dinh dưỡng nặng… nếu trẻ mắc thêm virus cúm thì nhất thiết phải cho trẻ nhập viện để kịp thời theo dõi, điều trị, tránh những biến chứng đáng tiếc.

Hơn nữa, để xác định sớm trẻ có mắc cúm mùa hay không, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay trong ngày sốt đầu tiên để được xét nghiệm, tư vấn cách chăm sóc, điều trị phòng tránh biến chứng. Bởi ngay việc chăm sóc hạ nhiệt cho trẻ khi trẻ sốt, nhiều cha mẹ vẫn mắc lỗi. Đơn cử như việc cứ đóng bỉm, mặc nhiều đồ rét, không lau nước ấm… khiến trẻ sốt cao dễ dẫn đến co giật. Nhiều gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc hạ sốt mà không biết rằng thuốc hạ sốt cũng có tác dụng phụ, ảnh hưởng đến gan của trẻ nhỏ.

Vaccine tamiflu khô không có tác dụng

BS. Đỗ Thiện Hải cho biết, biểu hiện chung của bệnh nhân cúm là sốt cao, có thể sốt cao liên tục 39-40 độ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt, viêm đường hô hấp trên như: Chảy nước mũi, ho, trẻ lớn đau rát họng, đặc biệt khi khám thấy họng viêm đỏ rất rõ, một số trẻ có viêm phế quản. “Thông thường trẻ mắc cúm chủ yếu là dùng thuốc hạ sốt tại nhà và chỉ nên dùng thuốc paracetamol. Nếu dùng loại khác cần được bác sĩ chỉ định, vì rất dễ khiến trẻ suy gan. Gia đình cần chăm sóc tốt, vệ sinh mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý để tránh bội nhiễm thêm các vi khuẩn khác”, BS. Hải cho hay.

Trước thắc mắc của nhiều bà mẹ về việc dùng thuốc điều trị cúm, BS. Hải cho hay, hiện chỉ có 1 loại thuốc duy nhất dùng trong điều trị cúm là thuốc Oseltamivir. Tuy nhiên, đây không phải là thuốc bắt buộc phải có để điều trị trong những trường hợp cúm mùa thông thường. Loại thuốc này chỉ sử dụng trong một số trường hợp cúm nặng và có hiệu quả khi được sử dụng trong 24 giờ đầu tiên phát hiện ra cúm mùa.

Để phòng bệnh cho trẻ BS. Hải khuyến cáo cha mẹ nên cho trẻ đi tiêm phòng cúm mùa. Trước thông tin về việc trên thị trường có lưu hành loại vaccine khô phòng cúm nhập khẩu từ Pháp theo con đường “xách tay”, BS. Hải khẳng định: “Không có loại vaccine phòng cúm khô nào cả, riêng với vaccine cần phải được chứng nhận chất lượng từ Cục Quản lý Dược và phải được bảo quản cẩn thận. Các gia đình nên cẩn trọng, không nghe theo lời quảng cáo để rồi tiền mất, tật lại mang”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.