Xã hội

Trẻ em phải được an toàn

31/03/2017, 10:34

Phải chi chúng ta đừng quá thờ ơ, những đứa trẻ đó đã được bảo vệ an toàn...

10

Minh họa (Zing)

Tôi tin rằng, lương tri của hàng triệu người Việt Nam đều lay động, không chỉ vì xót xa cho những đứa trẻ bị xâm hại. Phải chi chúng ta đừng quá thờ ơ, những đứa trẻ đó đã được bảo vệ an toàn.

Paris, 5h chiều, tôi đờ đẫn ngồi trước máy tính. Ngoài trời nắng xuân ngọt ngào như đang rót mật lên những chồi non mơn mởn. Cảm giác ghen tỵ về sự ưu đãi mà thiên nhiên mang lại cho nơi đây không giúp tôi thắng nổi cơn buồn ngủ vì lệch múi giờ.

Đành phải lướt facebook điểm tin cho tỉnh táo. Mí mắt chợt đau nhức trước dòng chữ gớm ghiếc trên màn hình: “Gã chú ruột đồi bại hại đời cháu gái”.

c khuat thu hong

Bà Khuất Thu Hồng

Tôi thầm trách ai đó đã tag tôi với bài báo. Cảm giác đau đớn, tức giận của mấy tháng vừa qua lại trào dâng làm cổ tôi nghẹn đắng.

Tôi lại thấy mình bị dày vò bởi hình dung về những hình hài non nớt run rẩy trước kẻ thủ ác. Tôi lại thấy mình bị ám ảnh bởi những giọt nước mắt của những ông bố, bà mẹ có con bị xâm hại đang cầu cứu.

Quả thật, đã có những lúc vì quá đau lòng, tôi tìm cách trốn tránh bằng cách bỏ qua những tin tức “tiêu cực” đó. Tôi tự nhủ mình có thể làm gì? Mình đâu phải cảnh sát hay quan tòa để trừng phạt lũ ác nhân. Mình cũng đâu phải nam nhi sức dài vai rộng để ra tay nghĩa hiệp.

Rất nhanh sau đó, tôi quay sang tự trách bản thân. Tôi giận mình không có quyền năng để che chở cho những sinh linh bé bỏng đó. Tôi nản lòng khi thấy mình vô dụng. Nhưng chính lúc ở tận cùng của nỗi đau và bất lực, tôi chợt nhận ra rằng lương tri cũng là một quyền năng.

Chính lương tri đã khiến tôi đau nỗi đau của những đứa trẻ và cha mẹ chúng - những người tôi chưa một lần gặp mặt.

Lương tri ấy đã khiến tôi uất hận trước những bất công mà họ phải chịu đựng. Lương tri ấy đã thôi thúc 30 nghìn người ký tên vào kiến nghị thư cùng Mạng lưới Ngăn ngừa và ứng phó bạo lực Giới ở Việt Nam (GBVNet) gửi lên Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ bày tỏ mong muốn có sự công bằng cho những người bị hại và sự an toàn cho mọi trẻ thơ.

Tôi tin rằng, lương tri của hàng triệu người Việt Nam đều lay động, không chỉ vì xót xa cho những em bé mà còn bởi cảm giác hổ thẹn vì đã trốn tránh, đã nản lòng, đã làm ngơ để các đứa trẻ bị xâm hại.

Phải chi chúng ta đừng quá thờ ơ, những đứa trẻ đó đã được bảo vệ an toàn.

Tất cả những động thái của báo chí, dư luận trong tháng 3 này phản ánh sự day dứt của toàn xã hội. Đã có không ít cuộc thảo luận, đối thoại cả trong đời thực và cả trong thế giới ảo, để mổ xẻ, truy tìm nguyên nhân khiến hàng nghìn đứa trẻ bị xâm hại và cảnh báo những nguy cơ đang rình rập tuổi thơ. Sự mơ hồ về luật pháp, thái độ ngại ngần của người thực thi luật pháp, sự lảng tránh của cha mẹ, thày cô đã khiến trẻ em gặp nạn.

Chiều qua, chúng tôi nhận được thư của Văn phòng Chính phủ thừa lệnh Thủ tướng gửi cho Ban Điều hành của GBVNet. Bức thư thông báo rằng, Thủ tướng đã nhận được Kiến nghị thư của GBVNet và Thủ tướng “đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổng thể để sớm chấn chỉnh, bảo đảm các em được sống và lớn lên trong môi trường xã hội an toàn”.

Sớm nay, đọc báo thấy tin Thủ tướng đã ra Chỉ thị số 11/CT-TTg đẩy mạnh giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành liên quan tăng cường các hoạt động để xử lý và ngăn chặn vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em. Đọc thư, tôi thấy nhẹ lòng và tôi hy vọng!

Khuất Thu Hồng

Viện Nghiên cứu - Phát triển xã hội

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.