Chuyện dọc đường

Trẻ lớp 1 bị ảnh hưởng, ai chịu trách nhiệm?

Việc nhiều phụ huynh nhận định chương trình quá nặng, quá tải đối với trẻ vào lớp 1 năm nay, không phải không có cơ sở.

img
Việc áp dụng chương trình mới khi chưa thử nghiệm đã để lại vô vàn hệ lụy khiến cả ngành giáo dục rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”

Mặc dù mới đi được nửa chặng đường của học kỳ 1 nhưng dư luận đã tranh cãi nảy lửa xoay quanh chương trình giáo dục mới lớp 1, đặc biệt nội dung sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt.

Trước nhiều ý kiến cho rằng, “nội dung nhiều bài đọc trong SGK Tiếng Việt lớp 1 chưa phù hợp, không mang tính giáo dục”, là người viết sách tiểu học nhiều năm, tôi khẳng định rằng khi viết 1 câu chuyện liên quan đến trẻ, việc đầu tiên phải đặt mình ở vị trí của trẻ để hiểu được ý nghĩa của câu truyện chứ không đơn giản hiểu câu chữ để đọc câu chữ đó.

Bên cạnh đó, viết sách cho trẻ luôn thực hiện trên nguyên tắc tuyệt đối không sử dụng câu từ bậy; câu phải đủ kính ngữ, đó là quy chuẩn… đặc biệt là SGK.

Việc để lọt hạt sạn trong SGK Tiếng Việt lớp 1 cũng cần xem xét lại công tác thẩm định. Nên chăng cần có những hội đồng thẩm định độc lập gồm hội đồng các chuyên gia thẩm định về lý thuyết; hội đồng các giáo viên đánh giá thực tiễn. Không nên “trộn” tất cả các thành phần vào một hội đồng thẩm định SGK, bởi thực tế các giáo viên “dễ bị thuyết phục, khó nói chính kiến” trước chuyên gia là các bậc thầy.

Việc nhiều phụ huynh nhận định chương trình quá nặng, quá tải đối với trẻ vào lớp 1 năm nay, không phải không có cơ sở. Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do sự bố trí chương trình không hợp lý, khi số tiết Tiếng Việt quá nhiều so với các môn khác, tăng gấp rưỡi so với chương trình cũ,12 tiết thay vì 8 tiết như trước.

Việc lý giải của Bộ GD&ĐT cho tăng tiết giúp các cô giáo có nhiều thời gian hơn để dạy trẻ, thoạt đầu nghe có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, khi trẻ mới bước vào con đường học vấn, có quá nhiều điều bỡ ngỡ cần làm quen thì với 12 tiết Tiếng Việt tuần, trẻ không thể nhớ hết nổi sau 1 tuần học.

Sang đến tuần sau, bài mới, 12 tiết Tiếng Việt mới, trẻ gần như rối loạn khi vần cũ, âm cũ chưa nhớ đã phải học vần mới âm mới. Điều này đã khiến chủ trương giảm tải nhận được hiệu ứng ngược, thành... tăng tải.

Bên cạnh đó, trong 5 bộ SGK lớp 1 để các trường được tự lựa chọn, có cuốn sách được thiết kế để học sinh học quá nặng ngay từ những tuần lễ đầu tiên.

Học sinh vừa học vần xong, đã phải đọc trơn, viết thạo. Thậm chí có cuốn sách đã hướng dẫn giáo viên dạy chính tả cho trẻ ngay khi trẻ còn chưa thẩm thấu xong quy tắc đánh vần. Rõ ràng, với phương pháp giảng dạy thay đổi, áp lực của môn Tiếng Việt khiến trẻ lớp 1 quá tải.

Với chương trình giáo dục mới, không thể phủ nhận những ưu điểm mang lại như đa dạng hóa bộ SGK, tăng thêm các hoạt động trải nghiệm… cho học sinh. Tuy nhiên, việc áp dụng chương trình khi chưa thử nghiệm, rõ ràng đã để lại vô vàn hệ lụy khiến cả ngành giáo dục rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”; thậm chí, có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, vậy ai là người chịu trách nhiệm?

Làm mới thì khó có thể tránh hết những sai sót, tuy nhiên, bất kể một chương trình mới nào cũng cần được thử nghiệm trước để đánh giá tác động về cả kiến thức nhận thức, tâm lý của trẻ trước khi đem ra áp dụng đại trà.

Nên chăng, đã đến lúc Bộ GD&ĐT cần lắng nghe ý kiến đóng góp để có bước cách giải quyết kịp thời. Hoặc dừng toàn bộ việc áp dụng chương trình lại để xem xét, chỉnh sửa, hoặc dừng/thay đổi một số sách chưa ổn về nội dung và điều chỉnh số tiết cho phù hợp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.