Bạn cần biết

Trẻ nôn ra máu, bệnh gì?

25/05/2015, 20:08

Cháu Dương Gia Phúc (2 tuổi, TP HCM) thường xuyên bị nôn ra máu, đe dọa đến tính mạng.

52

Bé Dương Gia Phúc bình phục sau 2 tuần mổ tại Vinmec

Cháu Dương Gia Phúc (2 tuổi, TP HCM) thường xuyên bị nôn ra máu, đe dọa tính mạng. Cháu đã được khuyên nên ra nước ngoài điều trị. Nhưng vừa qua, ca mổ thành công của các bác sỹ trong nước đã cứu được bé.

Bệnh nhi nhỏ tuổi nhất

Cháu Phúc là con đầu lòng của anh Dương Xuân Bình. Từ khi sinh ra đến hơn 1 tuổi, bé phát triển hoàn toàn bình thường. Nhưng khi được hơn 1 tuổi, bé đột nhiên nôn ra máu. Sau lần đó, bé nhanh chóng bình phục. Tám tháng sau, hiện tượng này tái diễn nhưng nặng hơn. Bé phải được cấp cứu và truyền máu mới qua cơn nguy kịch. Bố mẹ đã rất sốc khi bé được chẩn đoán mắc bệnh hiếm gặp và phẫu thuật rất khó khăn. Các bác sĩ đã tư vấn nên ra nước ngoài điều trị.

"Tĩnh mạch là nơi thu nhận máu trở về của toàn bộ ruột và lách. Tĩnh mạch cửa bị teo làm cho máu từ ruột và lách không thể qua gan và trở về tim như bình thường, ứ đọng trong thực quản hoặc dạ dày, làm căng giãn quá mức, vỡ và gây chảy máu tiêu hóa ồ ạt, dẫn đến tình trạng nôn ra máu”.

GS. Nguyễn Thanh Liêm
Tổng giám đốc Bệnh viện Vinmec

Anh Bình cho biết: “Tôi đã liên hệ gửi mẫu xét nghiệm của cháu ra nước ngoài xin ý kiến hội chẩn của bác sĩ Tanaka, Giám đốc Bệnh viện quốc tế Kobe (Nhật Bản). Nhưng thủ tục đưa bé ra nước ngoài điều trị phức tạp và mất thời gian với chi phí cao. Qua bạn bè, chúng tôi được giới thiệu với GS. Nguyễn Thanh Liêm, Tổng giám đốc Bệnh viện Vinmec, một chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật nhi. Theo lời khuyên của GS. Liêm, chúng tôi đã đưa cháu tới Vinmec khám”.

Theo GS. Liêm, qua hình ảnh chụp cắt lớp hệ thống tĩnh mạch cửa bằng máy CT, phát hiện cháu Phúc bị mắc bệnh giãn tĩnh mạch cửa gan rất hiếm gặp, nguy hiểm đến tính mạng. “Tĩnh mạch là nơi thu nhận máu trở về của toàn bộ ruột và lách. Hiện tượng teo tĩnh mạch cửa làm cho máu từ ruột và lách không thể qua gan và trở về tim như bình thường. Chỉ có một phần ít máu từ ruột có thể vẫn đến gan qua một số tĩnh mạch phụ được hình thành. Máu sẽ ứ đọng trong thực quản hoặc dạ dày làm căng giãn quá mức, vỡ và gây chảy máu tiêu hóa ồ ạt, dẫn đến tình trạng nôn ra máu của bé Phúc”, ông Liêm nói.

Với bệnh này, điều trị nội khoa chỉ là giải pháp tạm thời, mỗi lần tái phát, bệnh sẽ nặng hơn. Phương án tối ưu là phẫu thuật phân lưu, giảm áp tĩnh mạch cửa. Nhiều giải pháp được đặt ra, nhưng khả thi nhất là sử dụng đoạn tĩnh mạch cảnh trong (tĩnh mạch vùng cổ) bắc cầu giữa tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch chủ. Tuy nhiên, thấy cháu còn quá bé và phẫu thuật có một số rủi ro nên gia đình cho cháu về, đợi thêm một thời gian.

Ca phẫu thuật thành công

Trở về nhà, anh Dương Xuân Bình tiếp tục tìm kiếm thông tin về căn bệnh, sau đó vì quá lo lắng cho con, anh lại bay ra Hà Nội gặp GS. Liêm xin tư vấn lần thứ hai. Sau hơn một giờ trò chuyện, được giải đáp mọi băn khoăn, anh Bình khẳng định đã hoàn toàn đặt lòng tin để GS. Liêm mổ cho bé, mà không cần chờ chuyên gia nước ngoài.

Bất ngờ bốn ngày sau, bé Phúc lại nôn ra máu lần thứ ba. Bệnh nhân lập tức được vận chuyển qua đường hàng không ra Hà Nội. Sau khi cháu bé được chăm sóc và ổn định, ngày 2/4, kíp bác sĩ nhi khoa, mạch máu, gây mê hồi sức giỏi của Vinmec do GS. Liêm phẫu thuật chính đã tiến hành mổ bắc cầu tĩnh mạch cửa với tĩnh mạch chủ cho bệnh nhi.

“Thật kỳ diệu, con bắt đầu hồi phục sau hai ngày thở máy và điều trị tích cực. Kết quả chụp CT sau mổ cũng cho thấy: Cầu nối hoạt động tốt, máu từ tĩnh mạch cửa đã được phân lưu sang tĩnh mạch chủ. Không còn tình trạng tăng áp lực tĩnh mạch cửa, đồng nghĩa với việc nguy cơ chảy máu tiêu hóa đã được giải quyết. Con tôi như được sinh ra lần thứ hai”, anh Bình mừng rỡ chia sẻ. Lần khám lại thứ hai sau mổ cho bé Phúc hôm 12/5 vừa qua, kết quả rất tốt nên anh Bình đã thực sự yên tâm đưa con trở lại TP HCM.

GS. Nguyễn Thanh Liêm cho biết, ở Việt Nam cũng như trên thế giới, tỉ lệ người mắc bệnh teo tĩnh mạch cửa gan trước rất thấp. Và bé Phúc là trường hợp nhỏ tuổi nhất mắc bệnh được ông mổ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.