Bạn cần biết

Trẻ ồ ạt nhập viện vì nắng nóng

18/04/2016, 20:05

Thời tiết biến đổi thất thường, nắng nóng gay gắt nên số lượng người nhập viện tại TP.HCM tăng đột biến.

IMG_6591
Thời tiết nắng nóng khiến nhiều trẻ phải nhập viện. Ảnh: Linh Hoàng.

Những ngày này do áp thấp nóng bị đẩy xuống phía nam nên khu vực Nam bộ vẫn còn nắng nóng, nhiệt độ cao nhất ở miền Đông 37 - 38 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Chính vì thời tiết biến đổi thất thường, nắng nóng gay gắt nên số lượng người nhập viện ở các bệnh viện tại TP.HCM cũng tăng đột biến.

Theo ghi nhận, tại BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM), tình trạng trẻ nhập viện vì nắng nóng rất đông. Tại khoa tiêu hóa, hô hấp của BV luôn trong tình trạng quá tải, các bệnh nhi phải nằm dọc các hành lang để điều trị.

Bà Nguyễn Thị Nữ (51 tuổi, ngụ Đồng Tháp) cho biết, bà đưa con gái nhỏ từ Đồng Tháp lên BV Nhi Đồng 1 điều trị bệnh về tiêu hóa được hơn 5 ngày. Ở dưới quê, những ngày trời nắng nóng con bà thường xuyên uống nhiều nước, có lúc bé xin tiền mẹ ra quán uống nước ngọt và ăn uống thất thường. Đến khi thấy bé bị đau bụng, đầy hơi, gia đình mới đưa bé lên thẳng BV Nhi Đồng 1 để điều trị. Theo bà, bác sĩ chẩn đoán bé bị rối loạn tiêu hóa do uống nhiều nước không đảm bảo vệ sinh.

IMG_6587
Tại Khoa tiêu hóa BV Nhi Đồng 1, nhiều trẻ phải điều trị ngoài hành lang do quá tải. Ảnh: Linh Hoàng.

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc, Trưởng Khoa Tiêu hóa BV Nhi Đồng 1 cho biết, trong 3 tuần vừa qua, khoa tiếp nhận 80 - 90 ca mắc bệnh tiêu chảy điều trị nội trú, trong khi thời điểm bình thường chỉ có khoảng 50 - 60 trường hợp nhập viện. Hiện tại Khoa Tiêu hóa BV Nhi đồng 1 quá tải với gần 200 ca đang nằm điều trị, tập trung chủ yếu ở trẻ từ 1 - 5 tuổi.

Theo bác sĩ Phúc, vào thời điểm thời tiết nắng nóng diễn ra thất thường, nhiều trẻ nhập viện chủ yếu là do các bệnh về tiêu hóa và hô hấp vì nắng nóng, nhu cầu uống nước của mỗi người đều tăng. Tuy nhiên, do nhiều trẻ uống nguồn nước không đảm bảo nên dễ dẫn đến đau bụng. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng cũng làm thực phẩm dễ hư hỏng, ôi thiu. Vì vậy không chỉ trẻ nhỏ mà người lớn ăn phải cũng dễ mắc bệnh tiêu hóa.

BS Phúc khuyến cáo: Để tránh mất nước vào mùa nắng nóng ở trẻ, phụ huynh cần dạy trẻ nhận biết và sử dụng nước sạch, ăn thức ăn bảo đảm vệ sinh. Nếu trẻ mắc một số bệnh về tiêu hóa như tiêu chảy cũng có cách tự điều trị tại nhà là cho trẻ uống bù dung dịch phù hợp, ăn đầy đủ. Đối với những trẻ còn bú mẹ thì nên cho bú càng nhiều càng tốt. Nếu trường hợp bé có sốt cao khó hạ, đi tiêu phân có máu, tiêu chảy chuyển sang kiết lỵ, trẻ khát nước nhiều, uống nước liên tục, khóc không có nước mắt, trẻ ngủ li bì khó đánh thức, bị co giật thì nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.

Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng cho biết, hiện tại chưa phải là mùa của bệnh hô hấp và tiêu hóa, nhưng do thời tiết nắng nóng bất thường tại TP.HCM khiến trẻ không thích ứng kịp khiến sức đề kháng giảm và dễ mắc bệnh.

Bác sĩ Tuấn khuyến cáo phụ huynh không nên để trẻ ngồi đối diện với quạt máy hay dụng cụ làm mát nào khác. Nếu sử dụng máy lạnh chỉ nên điều chỉnh ở 27 độ C vì trẻ chịu lạnh kém, dễ nhiễm lạnh. Phụ huynh cần hạn chế cho trẻ uống nước đá, ăn kem, các thức ăn lạnh và cần thiết bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin và chất khoáng để giúp trẻ tăng cường sức đề kháng.

IMG_6596
Nhiều gia đình mắc võng chăm trẻ bị bệnh tại BV Nhi Đồng 1.

BS Phạm Ngọc Thạch, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (BV Nhi đồng 2) cũng cho biết, do thời tiết nắng nóng nên trẻ bị bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa tăng vọt đột biến. Trung bình mỗi ngày có hơn 5.000 trẻ đến khám bệnh.

Theo BS Nguyễn Hoàng Phong , Quyền Trưởng khoa Hô hấp 1 BV Nhi Đồng 2, hiện nay tại khoa có 200 trẻ đang được điều trị nội trú các căn bệnh như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm thanh quản cấp.

Tương tự, Thạc sĩ, BS Âu Thanh Tùng, Trưởng Khoa Khám bệnh BV Đại học Y Dược TP.HCM cũng, cho biết số bệnh nhân đến khám cũng tăng 10% so với bình thường và tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi ngày, BV này tiếp nhận trên 5.000 bệnh nhân, ngày đầu tuần khoảng 5.700 - 5.800 người.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.