Bạn cần biết

Trẻ thừa cân, béo phì ngày càng gia tăng

18/10/2017, 19:14

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì đang ngày một gia tăng.

béo phì

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì đang ngày một gia tăng

Tại Hội thảo phòng chống thừa cân, béo phì ở trẻ em – Lời cảnh báo từ chuyên gia vừa tổ chức sáng 18/10, TS. Bùi Thị Nhung (Viện dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, điều tra của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, điều tra 7-8 trường tiểu học ở Hà Nội thấy rằng, tỷ lệ thừa cân béo phì ở khu vực nội thành là 40,6%, trong đó tỷ lệ béo phì là 17%, khu vực ngoại thành tỷ lệ tương ứng là 15% và 5,4%.

Theo TS. Lưu Thị Mỹ Thục, BV Nhi TƯ, xu hướng nuôi dưỡng hiện nay đã góp phần dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ. Dẫn chứng điều này, bà Thục cho hay, các gia đình ít con nên thường mong muốn cho các con những gì tốt nhất; sợ con ốm, bị chê cười nến có đến 30% mẹ có con béo phì vẫn muốn con tăng cân; cho con đồ bổ dưỡng nhất, ăn nhiều đồ ăn công nghiệp; thậm chí sử dụng thức ăn như một phần thưởng hay phạt đối với con trẻ… Bên cạnh đó, trẻ ít vận động thì tình trạng mất cân bằng về năng lượng giữa lượng calo đưa vào cơ thể và lượng calo được sử dụng, khiến trẻ béo phì, thừa cân.

TS. Từ Ngữ (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cảnh báo, béo phì gây ra nhiều hậu quả y khoa như: không dung nạp glucose, rối loạn lipit máu, viêm gan, tăng huyết áp, đau đầu giả u não cơ học, chứng ngưng thở khi ngủ…

Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, giải pháp can thiệp hiệu quả và khả thi trong phòng chống béo phì trẻ em là đưa ra các mô hình khuyến khích chế độ ăn lành mạnh, tăng cường hoạt động thể lực trong trường học, thiết kế những trò chơi vận động và trang bị các dụng cụ thể dục thể thao cho các trường học. Ngoài ra, tổ chức hướng dẫn các đơn vị cung cấp suất ăn cho học sinh điều chỉnh cấu trúc bữa ăn, tránh lạm dụng đường và các chất béo.

“Một trong những biện pháp tốt để kiểm soát cân nặng là thay đổi lối sống, hành vi. Đó là tăng hoạt động thể lực. Thời gian hoạt động ở mức trung bình ít nhất 60 phút/ngày. Giảm thời gian tĩnh tại. Trẻ dưới 2 tuổi không xem ti vi, trẻ lớn hơn thì chỉ được xem ti vi dưới 2giờ/ngày hoặc dưới 14giờ/tuần. Khuyến khích việc trẻ tự kiểm soát, tự đặt mục tiêu. Với trẻ cần đảm bảo đủ thời gian ngủ mỗi ngày”, bà Thục cho biết thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.