Xã hội

Trên 60% đơn thư khiếu nại liên quan đến đất đai

27/05/2019, 08:54

Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

img
Đà Nẵng đang tạm thời chưa giải quyết các thủ tục liên quan đến các giao dịch bất động sản có liên quan ở bán đảo Sơn Trà để phục vụ thanh tra đất đai

Đơn thư khiếu nại liên quan đến đất đai giảm nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa báo cáo Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018. Điểm đáng chú ý trong báo cáo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà là đơn khiếu nại về đất đai chiếm 70%.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, từ năm 2014 đến 2018, cả nước phát sinh 342.710 đơn khiếu nại với 156.071 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước (khiếu nại về đất đai chiếm trên 60% số này). Trong đó đã giải quyết 128.646 vụ việc (đạt 82,43%).

Qua giải quyết khiếu nại, các cơ quan hành chính nhà nước đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước, trả lại cho tập thể, công dân 1.398 tỷ đồng, 772 ha đất; kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 1.538 người (đã xử lý 1.180 người), chuyển cơ quan điều tra 40 vụ, 36 đối tượng.

Về công tác tiếp công dân xử lý đơn thư tại Trụ sở Ban Tiếp công dân Trung ương, từ ngày 1/7/2014 đến ngày 31/12/2018, Trụ sở Tiếp công dân Trung ương đã tiếp 28.818 lượt với 107.086 người, trong đó lĩnh vực đất đai 17.934 lượt, chiếm 62,2%. Xử lý 68.930 đơn thư, trong đó có 18.760 đơn đủ điều kiện xử lý (khiếu nại là 15.015 đơn, tố cáo là 1.469 đơn, còn lại là đơn kiến nghị, phản ánh). Trong tổng số 15.015 đơn khiếu nại có 10.834 đơn liên quan đến lĩnh vực đất đai, chiếm 72%.

“Các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài chủ yếu phát sinh trước khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Nhìn chung, từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay, tình hình đơn thư khiếu nại về đất đai có xu hướng giảm so với giai đoạn trước (2009 - 2013) nhưng vẫn chiếm tỉ lệ cao trong tổng số đơn thư khiếu nại (trên 60%). Số đơn khiếu nại so với giai đoạn trước giảm 38%; số vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước giảm 58%. Nội dung chủ yếu khiếu nại về giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; khiếu nại đòi lại đất cũ đã qua các thời kỳ thực hiện chính sách cải tạo nông nghiệp, cho thuê, cho mượn… Gần đây phát sinh một số khiếu nại liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi tài sản công, cải tạo chung cư cũ, quy hoạch đất ở nhưng không thành đơn vị ở.

Cả nghìn dự án đã giao đất vẫn chậm triển khai

Báo cáo tiến độ thực hiện các dự án theo quy hoạch và việc xử lý các dự án chậm tiến độ, Báo cáo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ rõ: Hà Nội đã thực hiện 4.188 dự án với diện tích hơn 13,4 nghìn ha. Từ năm 2010 - 2016, trên địa bàn có 2.571 dự án phải thực hiện thu hồi đất giải phóng mặt bằng; đã hoàn thành công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng tại 1.621 dự án, với tổng diện tích đất đã thu hồi đạt hơn 8.060 ha.

Tại TP.HCM, giai đoạn 2011 - 2017, đã ban hành 727 quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích 2.663,6 ha; từ năm 2012 - 2017, đã thực hiện rà soát phát hiện và xử lý đối với 808 dự án chậm triển khai với tổng diện tích 6.115 ha, kết quả, hủy bỏ quyết định thu hồi đất và giao, cho thuê đất đối với 108 dự án với diện tích 1.552 ha. Ngoài ra, trong năm 2017, 2018, đã rà soát phát hiện 218 dự án khác chậm triển khai với diện tích 182,8 ha.

TP. Hải Phòng cũng có tới 247 dự án chậm tiến độ đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích 2.219 ha.

Tình trạng dự án được giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa đất vào sử dụng cũng phổ biến tại Đà Nẵng khi kết quả kiểm tra, rà soát phát hiện 47 dự án chậm triển khai. Đáng lưu ý, 4 dự án thuộc bán đảo Sơn Trà đang chờ ý kiến của Thanh tra Chính phủ để xử lý và 11 dự án chậm tiến độ đang được địa phương kiểm tra xử lý theo quy định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.