Đô thị

Trên thông, dưới nghẹt thở...

15/11/2020, 08:33

Chỉ sau một đêm thông xe đường Vành đai 2 trên cao, Ngã Tư Sở lại bị châm biếm: “Ngã tư khổ" kèm những bức ảnh "trên thông, dưới nghẹt thở"...

img
Đường Vành đai 2 trên cao (đoạn tuyến dọc đường Trường Chinh) đã thông nhưng ùn tắc tại Ngã Tư Sở lại trở nên phức tạp

Đường Vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở) vừa chính thức mở rào thông xe trong sự háo hức của người dân Thủ đô. Ai cũng mong, có đường trên cao, ùn tắc tại Ngã Tư Sở - nút giao có áp lực giao thông cao nhất, nhì Thủ đô sẽ được giải tỏa.

Thế nhưng, niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, ngày hôm trước nô nức đón chào, ngày hôm sau thi nhau “ném đá”. Ùn tắc giao thông không những được kéo giảm mà còn nghiêm trọng hơn, xuất hiện với tần suất dày đặc hơn.

Chỉ sau một đêm kể từ khi thông xe đường Vành đai 2 trên cao, đoạn tuyến dọc đường Trường Chinh, Ngã Tư Sở lại được nhiều người châm biếm: “Ngã tư khổ” kèm theo những bức ảnh “trên thông, dưới nghẹt thở” tràn lan trên mạng xã hội.

Nhiều cư dân mạng còn bức xúc bày tỏ: “Quá trình xây dựng một công trình giải quyết ùn tắc tầm cỡ của Thủ đô như đường Vành đai 2, việc đánh giá tác động giao thông đã được cơ quan chức năng thực hiện đầy đủ, khoa học, kỹ lưỡng?

Thậm chí, một vị lãnh đạo công tác tại cơ quan chuyên trách về trật tự ATGT phải thừa nhận, năm 2010-2011, có những chuyến đi qua được Ngã Tư Sở phải mất 45 phút. Hiện, sau 10 năm với rất nhiều cố gắng nỗ lực đầu tư, tổ chức giao thông, những chuyến đi qua Trường Chinh và Ngã Tư Sở vẫn mất khoảng... 40 phút. Như vậy, vấn đề ùn tắc tại khu vực này lại đang quay trở lại.

Sự cầu thị của cơ quan chức năng được thể hiện bằng một cuộc họp khẩn giữa Sở GTVT Hà Nội, Phòng CSGT, chủ đầu tư, thanh tra GTVT chỉ sau một ngày làn sóng phản ánh ùn tắc tại Ngã Tư Sở dâng cao. Song, cũng không có quyết định nào xác đáng được đưa ra mà chỉ có thể kết luận chung chung theo kiểu để: rà soát, theo dõi, tính toán để điều chỉnh.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng lý giải: đường Vành đai 2 đưa vào khai thác mới chỉ là một đoạn tuyến của đường Vành đai 2. Trong quy hoạch, tuyến đường Vành đai 2 còn có hệ thống đường trên cao kéo dài đến Cầu Giấy.

Ngoài đường trên cao dọc đường Vành đai 2, còn có đường trên cao dọc đường Vành đai 3 và tuyến đường trên cao kết nối đường Vành đai 2 và Vành đai 3. Khi hệ thống hạ tầng giao thông khung hoàn thành theo quy hoạch sẽ giải quyết được triệt để ùn tắc giao thông.

Thẳng thắn nhìn nhận, việc hoàn thành hạ tầng giao thông khung mới chỉ là “viễn cảnh” bởi theo Sở GTVT Hà Nội, dự án đường Vành đai 2 trên cao và mở rộng đã được đưa vào quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt. Hiện, Sở GTVT mới đang nghiên cứu đưa vào kế hoạch phát triển hạ tầng khung của thành phố.

Nghĩa là, từ khâu nghiên cứu, phê duyệt đến thiết kế, xây dựng,… việc đầu tư liên thông các tuyến vành đai để giảm xung đột giao thông có thể mất vài năm, chục năm hoặc hơn thế, vì phụ thuộc vào nguồn lực huy động. Trước mắt, người dân tại Thủ đô vẫn phải tiếp tục “sống chung với lũ”, với điệp khúc “tắc lại hoàn tắc” và Hà Nội có thể sẽ đối diện thêm một “điểm đen” ùn tắc.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và phát triển GTVT, thiệt hại mỗi năm do ùn tắc giao thông đối với Hà Nội dao động từ 1-1,2 tỷ USD, hơn 1 triệu giờ lao động; Chỉ số ô nhiễm không khí gấp hơn 5 lần so với quy định thì quá trình phát triển KT-XH của Thủ đô sẽ còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính những công trình mang sứ mệnh khơi thông ùn tắc trong những năm tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.