Chuyện dọc đường

Tri ân những người chống dịch

11/03/2020, 14:42

Những người tham gia chống dịch, làm những công việc có nguy cơ cao, không thể có bữa cơm gia đình như bình thường.

img

"Về nhà", một từ bình thường bỗng dưng lại trở nên khát khao và thiêng liêng đối với những con người thầm lặng, họ đã dồn hết thời gian, trí tuệ, sức lực, tâm huyết… để chống lại dịch bệnh vì sự an nguy của cộng đồng. Cuộc chiến này không biết đến bao giờ mới dừng lại.

Sau khi công bố hai ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên ở Đà Nẵng, đường phố bỗng vắng lặng như chưa bao giờ vắng đến thế. Đồ rằng, chuyện này sẽ còn kéo dài.

Chỉ đoạn đường Nguyễn Hữu Thọ gần nhà tôi, nơi hai bệnh viện đối diện nhau (Gia Đình và C17) vẫn khá đông người.

Người ta có thể không tiệc tùng, hàng quán nhưng vẫn không thể không đau ốm.

Và, ngành Y không thể không chữa bệnh. Trong muôn vàn bệnh nhân và cả người nhà bệnh nhân đó, biết đâu… Nguy hiểm rình rập.

Lâu lâu, lại thấy một chiếc xe chuyên dụng với nhiều người mặc áo quần phòng dịch kín từ đầu đến chân phun thuốc khử trùng lần theo dấu chân của những người nhiễm cúm.

Những công nhân vệ sinh với chiếc khẩu trang sơ sài vẫn miệt mài gom rác, nơi có nhiều khẩu trang đã qua sử dụng.

Ai có người thân trong số đó, hẳn như ngồi trên đống lửa.

Trong cuộc sống, vì có quá nhiều chuyện xẩy ra nên đôi khi, ở đâu đó, người ta dị ứng với cán bộ lãnh đạo, nhưng những ngày này, nhìn họ làm việc thâu đêm suốt sáng, xử lý muôn vàn tình huống phát sinh, đến những nơi dịch bệnh và có nguy cơ dịch bệnh, lại thấy sâu thẳm từ bên trong họ tinh thần trách nhiệm, tận tụy vì dân.

Dịch cúm thật đáng sợ. Nó làm con người sợ nhau, nghi kỵ nhau, đề phòng nhau vì không chắc anh là F mấy?

Những người tham gia chống dịch, làm những công việc có nguy cơ cao, không thể có bữa cơm gia đình như bình thường.

Một cô em bác sĩ quen nhà tôi kể rằng, đi làm về muộn, cô ấy bưng bát cơm trong căn phòng nhỏ, vốn là nhà kho của gia đình vừa mới dọn lại, có cửa riêng biệt hướng ra sân mà nước mắt giàn dụa. Cô ấy tự khu biệt mình để bảo vệ cho gia đình. Nhìn con qua cửa kính và nói chuyện, hai phía vẫn phải đeo khẩu trang.

Người sống ở đâu, khi bị nhiễm họ có quyền đến điều trị, còn các anh chị chỉ có mỗi một cái quyền, quyền bất chấp nguy hiểm để chăm sóc bệnh nhân, dù là người đó từng ăn chơi quậy phá, người vô ý thức đi lại nghênh ngang khiến bao nhiêu người liên lụy. Hà Nội phải chi 400 tỷ cho hành động vô ý thức đó. Bệnh nhân phải được yêu thương như nhau.

Hôm nay, tôi tự nhủ mình hạn chế ra ngoài, ở nhà đọc trên mạng, thấy những người trong giới showbiz kêu than cuống chân cuồng cẳng, phản ứng chuyện cách ly như thể họ sắp chết đến nơi, các anh chị thì thời gian đâu để kêu than?

TS Đinh Thị Thu Hằng, thành viên chủ chốt tham gia ghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới. Nhóm nghiên cứu "Ăn, ngủ cùng virus". Khi nghiên cứu tạo kit thử nCoV thành công, chị chỉ muốn lao ngay về nhà. Về nhà, một từ bình thường bỗng dưng lại trở nên khát khao và thiêng liêng đến thế!

“Qua cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”, cá nhân tôi nếu nói ngả mũ thán phục thì vẫn chưa diễn tả hết những gì muốn nói trước những gì các anh chị đã làm, đã cống hiến. Thật vô cùng kính trọng những con người cao cả, những người mang lại cho chúng tôi niềm tin yêu cuộc sống giữa hiểm họa bủa vây.

Yêu thương vô cùng!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.