Y tế

Trí thức, nhân viên văn phòng rối loạn tâm thần tăng vọt vì dịch Covid-19

22/06/2021, 10:54

Sau mỗi đợt dịch Covid-19, bệnh nhân đi khám rối loạn tâm thần lại tăng vọt, đáng lưu ý thường rơi vào nhóm trí thức, dân văn phòng…

img

Số lượng bệnh nhân rối loạn tâm thần vì ảnh hưởng dịch Covid-19 tăng vọt (ảnh minh họa)

Bệnh nhân rối loạn tâm thần tăng vọt

BS. Nguyễn Viết Chung, khoa Sức khoẻ Tâm thần, Bệnh viện E, cho hay: “Dịch Covid-19 không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra những rối loạn tâm thần, nhưng là một trong những yếu tố thêm vào để khởi phát một rối loạn tâm thần như: Lo âu, trầm cảm, stress và các rối loạn giấc ngủ”.

Theo chia sẻ của BS. Chung, sau mỗi đợt dịch bệnh nhân đi khám rối loạn tâm thần lại tăng vọt, đáng lưu ý thường rơi vào nhóm trí thức, dân văn phòng…

Dẫn chứng cho điều này, BS. Chung chia sẻ, cách đây không lâu đã tiếp nhận một trình dược viên với đầy đủ các triệu chứng trầm cảm: Luôn buồn bực, mệt mỏi, mất động lực, mất tập trung, bế tắc trong công việc, dễ nổi nóng và cáu gắt với mọi người xung quanh. Qua khai thác từ bệnh nhân, BS. Chung cho hay, chị vốn là một trưởng nhóm năng động, thường xuyên phải làm việc với các bệnh viện, tuy nhiên hơn 1 năm qua, dịch bệnh liên miên khiến công việc của chị dần không hiệu quả, các kế hoạch phát triển liên tiếp thất bại, doanh thu kém… Ban đầu, chỉ là cảm xúc lo lắng, buồn… rồi dần là sự chán nản với công việc, thất vọng với bản thân. Bệnh nhân này được chuẩn đoán rối loạn thích ứng với phản ứng lo âu.

Tương tự là trường hợp 1 nhân viên ngành ngân hàng, cũng tìm đến thăm khám sau khi điều trị không hiệu quả ở khoa thần kinh bởi những cơn mất ngủ triền miên, buồn bực vô cớ. BS. Chung cho biết, bệnh nhân này mở lòng rằng vốn dĩ công việc đã nhiều áp lực với liên miên các cuộc gặp khách hàng; Nhưng chính dịch bệnh kéo đến khiến công việc bị đình đốn, bên cạnh đó là nỗi lo “lỡ lây nhiễm vì không biết khách hàng nào có thể là F0" khiến liên tục các tháng không hoàn thành chỉ tiêu… “May mắn bệnh nhân được can thiệp đều trị kịp thời và đang dần hồi phục tốt”, ông Chung cho biết.

Nói về việc đối mặt với bệnh dịch Covid-19, BS. Chung cho rằng mỗi người có một góc nhìn và cách hành xử khác nhau. Bên cạnh những người lạc quan, thì không ít người lại bi quan, tự trách cứ bản thân mỗi khi hiệu quả công việc không như ý, sau đó dẫn đến rối loạn tâm thần với các dấu hiệu tâm lý bất ổn, dễ nổi nóng, mất tập trung và stress…

Làm gì để tránh rối loạn tâm thần mùa Covid-19?

BS. Chung khẳng định: Covid-19 không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra những rối loạn tâm thần, nhưng là một trong những yếu tố thêm vào để khởi phát một rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm, stress và các rối loạn giấc ngủ.

Nếu có những dấu hiệu sau, mọi người cần chủ động thăm khám sức khỏe tâm thần, ví như khó ngủ, ngủ không tốt, dễ gặp ác mộng, ngủ hay tỉnh dậy giữa đêm, ngủ dậy vẫn thấy mệt mỏi…; Mệt mỏi mãn tính, cơ thể không có năng lượng, không có động lực làm việc; Cảm xúc thay đổi, dễ cáu gắt, nóng giận, không kiểm soát được cảm xúc của bản thân; Hoặc hay lo lắng, suy nghĩ quá nhiều, mất tập trung dẫn tới không làm được việc gì.

Chia sẻ “mẹo” để có một sức khoẻ tâm thần tốt, vừng vàng trong mùa dịch Covid-19, BS. Chung lưu ý: Nếu công việc của bạn phải làm việc tại nhà thì cần thu xếp thời gian biểu rõ ràng giữa nghỉ ngơi, làm việc. Nên bố trí phòng làm việc đủ yên tĩnh để hoàn thành công việc và chỉ làm đủ thời gian như ở cơ quan.

Bên cạnh đó, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đảm bảo đa dạng các nhóm chất dinh dưỡng. Và không quên, thường xuyên có những hoạt động thể chất tại nhà.

Điều quan trọng là mọi người cần tránh tình trạng "suốt ngày đêm" lướt mạng xã hội, vừa mất thời gian vừa không tập trung vào công việc của mình.

Ngoài công việc, nên dành thời gian kết nối với các thành viên khác trong gia đình, bạn bè để có cơ hội trò chuyện, chia sẻ với nhau.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.