Giao thông

Triển khai chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá vỏ thép

12/08/2014, 21:57

Sáng nay (12/8) tại Nam Định, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), UBND tỉnh Nam Định đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 67 và giới thiệu đóng mới tàu cá vỏ thép, phát triển khai thác xa bờ.

Ảnh tàu vỏ thép Sông Đào 1 do SBIC đóng mới
Ảnh tàu vỏ thép Sông Đào 1 do SBIC đóng mới

Ngày 25/8 tới, Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản sẽ có hiệu lực. Theo đó, chủ tàu đóng mới hay nâng cấp tàu được vay ngân hàng tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp, thời hạn vay tới 11 năm và lãi suất chủ tàu phải trả thấp nhất là 1%/năm, cao nhất chỉ là 3%/năm. Với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ (có tổng công suất máy chính 400CV trở lên) nếu đóng mới tàu vỏ thép, chủ tàu trả lãi suất 1%/năm. Đóng mới tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ (công suất 400CV trở lên), chủ tàu chỉ trả lãi suất vay vốn 2%/năm. Thường trực Chính phủ đã quyết định phân bổ 4.500 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ. Dự kiến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) lên kế hoạch đóng mới hơn 2.500 tàu cá vỏ thép trên toàn quốc.

Thời gian qua, SBIC đã triển khai chương trình thí điểm đóng mới 10 tàu cá vỏ thép cho ngư dân, đã bàn giao được 4 tàu và dự kiến đến cuối tháng 8/2014 sẽ bàn giao tiếp 2 tàu cho ngư dân tại Thái Bình. Một số mẫu tàu đã được đóng mới như: lưới rê, lưới vây, lưới kéo, chụp mực, dịch vụ nghề cá, tàu câu cá ngừ... Theo ông Phạm Bình Minh - Trưởng ban Kinh doanh thương mại, thuộc SBIC, tàu vỏ thép được SBIC thiết kế theo tiêu chuẩn, kiểm soát chất lượng của tàu trong quá trình thi công, liên kết khung sườn chắc chắn, chịu va đập tốt. Tàu được chia thành các khoang kín nước độc lập, một khoang bị nước rò vào tàu ko bị chìm.

Ông Nguyễn Viết Hưng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, tại tỉnh Nam Định, hiện nay ngư dân chủ yếu sử dụng tàu gỗ, trong đó chỉ có 18% tàu đánh bắt xa bờ. Nghị định 67 sẽ là cơ hội để Nam Định hiện đại và phát triển đội tàu cá, tăng số lượng tàu đánh bắt xa bờ. Theo dự kiến phân bổ của Bộ NN&PTNT, thời gian tới Nam Định sẽ có 26 tàu đánh bắt và 3 tàu dịch vụ hậu cần được đóng mới. 

Để triển khai hiệu quả Nghị định 67, ông Nguyễn Ngọc Sự - Chủ tịch HĐTV SBIC cho biết, từ những mẫu tàu cá vỏ thép đầu tiên được bàn giao cho ngư dân, Tổng công ty thu nhận những ý kiến phản hồi, từ đó tiếp tục hoàn thiện thêm cho các mẫu tàu. Mặc dù tàu cá là những tàu nhỏ, việc đóng mới hoàn toàn trong tầm tay nhưng phải giải quyết một số vấn đề như đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khác nhau của ngư dân mỗi vùng miền. Để có thể giải ngân nhanh và kịp thời nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ với chương trình đóng tàu vỏ thép, cần sự chung tay của các ngành, các cấp, quan trọng nhất là sự đồng thuận của ngư dân.

Nhân dịp này, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy đã ký kết việc đóng mới tàu dịch vụ hậu cần và tàu cá vỏ thép cho công ty Thanh Tuyền ở Bà Rịa Vũng Tàu. 

Nguyễn Trà

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.