Sách

Triển lãm “Nghệ sĩ là chiến sĩ” nhân kỉ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa VN

24/02/2023, 20:27

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức lễ khai mạc triển lãm “Nghệ sĩ là chiến sĩ” nhân kỉ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 – 2023).

Sáng nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức lễ khai mạc triển lãm “Nghệ sĩ là chiến sĩ” nhân kỉ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 – 2023).

Với chất liệu từ giấy vẽ đơn sơ, 80 tác phẩm được sáng tác bởi những thế hệ họa sĩ đời đầu của Việt Nam đã làm sống dậy cả một thời văn nghệ kháng chiến hào hùng, sôi động.

Gìn giữ nghệ thuật theo năm tháng

Những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm được sáng tác từ năm 1945 đến năm 1954, thể hiện sự hưởng ứng, vận động và chuyển biến về nhận thức tư tưởng của giới văn nghệ sĩ, từ bỏ cuộc sống chốn phồn hoa đô thị tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, dũng cảm nhận trách nhiệm xây dựng và phát triển nền văn hóa mới Việt Nam.

Nhằm hướng đến ba mục tiêu cốt lõi trong Đề cương về văn hóa Việt Nam, nội dung chủ đạo của các tác phẩm được chia thành ba chủ đề chính: ổn định kinh tế - tăng gia sản xuất, bình dân học vụ, địch vận. Mỗi chủ đề đều có những tác phẩm đặc trưng, tiêu biểu.

img

Tác phẩm “Bủ Đường biết đọc” của họa sĩ Tô Ngọc Vân sáng tác năm 1954

Tác phẩm “Bủ đường biết đọc” thuộc chủ đề bình dân học vụ được họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ năm 1954. Chỉ với chất liệu giấy vẽ cùng màu nước đơn sơ, danh họa đã khắc họa sinh động hình ảnh của một người phụ nữ đứng tuổi một tay bế cháu, một tay cầm quyển vở tham gia lớp bình dân học vụ.

Phong trào xóa nạn mù chữ được ban hành theo chủ trương của Đảng và Chính phủ năm 1945 đã đem đến nụ cười rạng rỡ cho người phụ nữ tưởng chừng như cả đời sẽ không được học chữ.

img

Tác phẩm “Đi cấy” của Nguyễn Văn Tỵ năm 1954

Tác phẩm “Đi cấy” của Nguyễn Văn Tỵ ra đời năm 1954. Đây là một trong những tác phẩm màu nước tiêu biểu thuộc chủ đề ổn định kinh tế - tăng gia sản xuất.

Hình ảnh những người nông dân cặm cụi nương rẫy, tích cực tăng gia sản xuất hiện lên qua bàn tay cầm cọ khéo léo của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đã khẳng định vị trí quan trọng của kinh tế nông thôn và sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn này.

img

Tác phẩm “Vì sao, vì ai” của họa sĩ Lương Xuân Nhị

“Vì sao, vì ai” do họa sĩ Lương Xuân Nhị là một trong những tác phẩm thuộc chủ đề Địch vận được trưng bày tại triển lãm “Nghệ sĩ là chiến sĩ”.

Bức tranh được vẽ trong thời kì kháng chiến chống Pháp, với hình ảnh một người lính Pháp quỳ xuống đưa hai tay lên trước ngực như đặt một dấu chấm hỏi, phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp tại Việt Nam.

Khi nghệ sĩ trở thành chiến sĩ

Triển lãm giới thiệu 80 tác phẩm từ bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được sáng tác bởi 30 tác giả thuộc các thế hệ họa sĩ đầu tiên của nền mỹ thuật Việt Nam. Trong đó có 22 họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương.

Trong thời kì mưa bom bão đạn, mặc dù nghèo nàn về phương tiện nhưng thông qua lăng kính tích cực của bản thân, những người nghệ sĩ đã khắc họa chân thực đời sống lao động của nhân dân, trở thành những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh – Giám đốc bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: “Triển lãm “Nghệ sĩ là chiến sĩ” chính là dịp để chúng ta tôn vinh và tri ân các thế hệ họa sĩ, những người đã sử dụng bút vẽ làm vũ khí, đem nhiệt huyết và cả sự hi sinh để cống hiến cho Tổ quốc và nhân dân, góp phần làm giàu thêm giá trị văn hóa của Việt Nam”.

img

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm “Nghệ sĩ là chiến sĩ”.

Những họa sĩ bậc thầy như Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Sáng, Nguyễn Văn Tỵ,.. khi trở thành chiến sĩ, họ hòa mình vào những đoàn dân công, Hội Văn hóa cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, bộ đội, du kích… biến bút vẽ trở thành sức mạnh, kịp thời ghi lại những dấu ấn khó phai trong thời kì kháng chiến gian khổ mà hào hùng của dân tộc.

Những tác phẩm được vẽ từ những nguyên liệu giản dị như màu nước, mực, bột màu như một bánh xe lịch sử đưa người xem trở về thời kì hoạt động sôi nổi của văn nghệ kháng chiến.

img

Triển lãm thu hút đông đảo sự quan tâm của khách tham quan và những người trong giới nghiên cứu, làm nghệ thuật

Triễn lãm kéo dài từ ngày 24/2/2023 đến hết ngày 5/3/2023 tại tầng 2 nhà B, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.