Xã hội

Triều cường vẫn hoành hành, dự án chống ngập ở Cần Thơ triển khai đến đâu?

11/10/2022, 20:03

Vấn đề người dân quan tâm là dự án chống ngập đã triển khai đến đâu, trong khi tình trạng ngập vẫn cứ diễn ra ngày càng nghiêm trọng?

Vì sao ngập nặng?

Những ngày qua, mưa nhiều kết hợp triều cường đầu tháng 9 âm lịch dâng cao lên mức 2m (tương đương báo động 3), đã gây ngập nhiều tuyến đường ở Cần Thơ.

img

Các tuyến đường ở Cần Thơ bị ngập nghiêm trọng trong những ngày qua.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân gây ngập là do Cần Thơ có sông rạch chằng chịt, nền đất thấp nên bị ảnh hưởng rất lớn của thủy triều lên.

Địa phương lại nằm trọn trong lưu vực của 3 con sông lớn là sông Hậu, sông Cần Thơ, kênh Cái Sắn, chịu sự tác động rất lớn từ chế độ tiêu thoát nước của 3 con sông nên vào thời điểm triều cường dâng cao. Nhiều khu vực không có mưa vẫn xảy ra ngập vì cao độ nền thấp hơn cả mực triều cường.

Bên cạnh đó, TP Cần Thơ xung quanh được bao bọc bởi các dự án đê bao thủy lợi ngăn lũ, ngăn mặn trong vùng như Ô Môn - Xà No, Nam Mang Thít, Quản Lộ - Phụng Hiệp… Trong khi đó, việc vận hành đóng mở các cửa van ở các dự án tại những thời điểm triều cường chưa hợp lý cũng đã tác động đến việc gây ngập cho TP.

Để giải quyết bài toán ngập lụt, thời gian qua, Cần Thơ đã và đang triển khai Dự án Phát triển TP và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (dự án 3).

Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 9.167 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) 250 triệu USD, vốn không hoàn lại từ SECO (Thụy Sĩ) 10 triệu USD và còn lại là vốn đối ứng hơn 3.348 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2016 đến 2022 và mới được gia hạn đến ngày 30/6/2024.

img

Thi công công trình đường nối Cách mạng Tháng 8 với đường tỉnh 918, thuộc dự án 3.

Mục tiêu của dự án góp phần chỉnh trang đô thị, bảo vệ vùng lõi trung tâm TP (quận Ninh Kiều và Bình Thủy) trước rủi ro do ngập lụt. Đồng thời tăng cường khả năng kết nối giữa khu vực trung tâm TP và các khu vực đô thị mới phát triển (các công trình giao thông trọng điểm), phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó tăng cường năng lực của chính quyền trong việc quản lý rủi ro thiên tai.

Khi dự án hoàn thành sẽ tạo ra một hệ thống đê bao khép kín, bảo vệ 2.675ha vùng lõi thuộc quận Ninh Kiều và Bình Thủy. Tình trạng ngập lụt đô thị khi đó sẽ được kiểm soát.

Chống ngập ra sao?

Vấn đề người dân quan tâm là dự án đã triển khai đến đâu, trong khi tình trạng ngập vẫn cứ diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Ông Bùi Thái Thượng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án ODA TP Cần Thơ cho biết, dự án gồm 3 hợp phần là kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường (hợp phần 1); phát triển hành lang đô thị (hợp phần 2) và tăng cường quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu (hợp phần 3)...

img

Các công nhân làm việc tại dự án kè sông Cần Thơ.

Trong số này, có nhiều dự án công trình giao thông trọng điểm, vừa cải thiện hạ tầng cho TP, vừa tăng cường khả năng chống ngập đang được dồn lực để thi công.

Về tiến độ cụ thể các công trình đang thi công gồm: đường nối Cách mạng Tháng Tám với ĐT918, tiến độ đạt hơn 65%. Công trình đường Hoàng Quốc Việt (gói thầu CT3-PW-1.13, đoạn từ đường Nguyễn Văn Cừ đến ĐT923) tiến độ đạt hơn 30%. Công trình cải tạo rạch Cái Sơn - Mương Khai gồm 2 gói thầu: CT3-PW-1.15 (đoạn Km0-Km1+695) tiến độ đạt hơn 81%, gói thầu CT3-PW-1.16 (đoạn Km1+883-Km4+197) tiến độ đạt hơn 75%.

Bên cạnh đó là công trình xây dựng kè sông Cần Thơ, đường phía sau kè gồm có 3 gói thầu xây dựng với chiều dài 6,1km (CT3-PW-1.1, CT3-PW-1.2, CT3-PW-1.3); tiến độ thi công đã đạt lần lượt là hơn 97%, hơn 55% và hơn 88%.

img

Công trình kè sông Cần Thơ nhìn từ trên cao.

Ngoài ra còn có công trình xây dựng cống ngăn triều Ðầu Sấu (gói thầu CT3-PW-1.5) tiến độ đạt hơn 91%; công trình xây dựng cống ngăn triều trên đường sau kè sông Cần Thơ (gói thầu CT3-PW-1.6) tiến độ đạt hơn 94%.

Cống ngăn triều trên đường Cách mạng Tháng Tám với ĐT918 (gói thầu CT3-PW-1.7) tiến độ đạt hơn 91%. Công trình xây dựng âu thuyền Hàng Bàng (gói thầu CT3-PW-1.9) tiến độ đạt hơn 65%;…

Đặc biệt là dự án cải tạo hệ thống thoát nước trung tâm quận Ninh Kiều (gói thầu CT3-PW-1.11), tuy nhiên mới vừa khởi công vào đầu tháng 8.

Theo đó, hệ thống thoát nước trên 32 tuyến đường và 2 trạm bơm sẽ được cải tạo, xây mới với tổng kinh phí gần 320 tỷ đồng để chống ngập cho trung tâm Cần Thơ.

Các hạng mục này sẽ được thực hiện từ nay đến giữa năm 2024. Trong đó, hơn 12.000m cống thoát nước ở các đường thường xuyên ngập khi mưa lớn, triều cường như: Mậu Thân, Phan Đình Phùng, Ngô Quyền, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Trần Hưng Đạo, Lý Tự Trọng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa... sẽ được nâng cấp, cải tạo.

Ngoài ra, 2 trạm bơm có tổng công suất 3,5m3 mỗi giây tại khu vực cầu Ninh Kiều và chợ Cần Thơ cũng được xây dựng mới.

Gói thầu này khi hoàn thành, kết hợp cùng những công trình khác như: kè sông Cần Thơ, kè rạch Cái Sơn, cống ngăn triều trên đường Cách Mạng Tháng Tám, 2 cống kết hợp âu thuyền Hàng Bàng, Cái Khế... sẽ kiểm soát ngập cho gần 2.700 ha trung tâm quận Ninh Kiều, Bình Thủy, với hơn 420.000 dân.

Đối với hợp phần 3, hiện gói thầu xây dựng hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập (FRMIS) đã nghiên cứu và thiết kế cơ sở đầy đủ. Đồng thời tiếp tục xây dựng Trung tâm Vận hành FRMIS, đặt trang thiết bị ngoại vi ở các cống, kênh rạch và hệ thống truyền tải dữ liệu thực ngoài hiện trường, phục vụ công tác dự báo công tác phòng chống ngập lụt hiệu quả…

img

Cần Thơ đang kỳ vọng vào dự án 3 để giải quyết bài toán ngập lụt đô thị.

Gói thầu cơ sở dữ liệu dùng chung (SPP) đã chuẩn hóa được 25 lớp dữ liệu của 3 ngành TN&MT, Xây dựng, LĐ-TB&XH. Song song đó sẽ tiếp tục xây dựng 60 lớp dữ liệu, tổng cộng là có 85 lớp dữ liệu cho 7 sở, ngành.

Gỡ khó mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công

Theo Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ, dự án 3 có khoảng 3.750 hộ bị ảnh hưởng; đã tiến hành đo đạc, kiểm kê lập hồ sơ bồi thường hơn 97%, phê duyệt kinh phí hơn 90%, tổ chức chi trả đạt hơn 83%). Đến nay đã có khoảng 3.000 hộ dân bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công (đạt 78%).

Mặt bằng này thuộc các công trình thi công giai đoạn 1 của dự án (gồm 12 gói thầu): kè sông Cần Thơ, 3 cống ngăn triều trên kè, cầu Quang Trung đơn nguyên 2, cầu và đường Trần Hoàng Na, đường nối IC3 đến đường Trần Hoàng Na.

Đồng thời là cống ngăn triều và đường nối Cách mạng Tháng Tám đến ĐT918, khu tái định cư An Bình; các công trình thi công thuộc giai đoạn 2 của dự án: cải tạo đường Hoàng Quốc Việt và kè rạch Cái Sơn - Mương Khai, âu thuyền Hàng Bàng, âu thuyền Cái Khế...

img

Người dân Cần Thơ vất vả lưu thông giữa triều cường.

Hiện nay, ở một số công trình còn vướng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ kiến nghị UBND quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy chỉ đạo ban quản lý dự án và phát triển quỹ đất quận và các đơn vị liên quan tập trung thực hiện bàn giao mặt bằng các gói thầu dự án đang triển khai thi công. Từ đó, để đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo kế hoạch giải ngân năm 2022.

Cụ thể, các công trình cần tập trung hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2022 là đường Hoàng Quốc Việt, kè rạch Cái Sơn - Mương Khai, khu tái định cư An Bình (giai đoạn 1); kè và đường sau kè sông Cần Thơ, âu thuyền Cái Khế.

Khi có mặt bằng thuận lợi, các đơn vị sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu, để dự án sớm hoàn thành, chống ngập lụt cho thành phố.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.