Doanh nghiệp

“Triệu phú lợn rừng” xứ Lạng

27/04/2015, 13:15

Lập nghiệp với hai bàn tay trắng, ông Thái đã xoay sở, thử nghiệm và thành công với... lợn rừng.

311
Cựu chiến binh Hướng Xuân Thái với mô hình chăn nuôi lợn rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Lập nghiệp với hai bàn tay trắng, Giám đốc Công ty Chăn nuôi lợn sạch Hương Gia đã xoay sở, thử nghiệm mọi hướng làm ăn và cuối cùng thành công với… lợn rừng, gà H’Mông, dê núi… Triệu phú của núi rừng tâm sự, nghị lực ông có được hôm nay là nhờ những năm tháng tôi luyện trên chiến trường.

Trốn nhà ra chiến trường

Tháng 5/1972, chàng thanh niên yêu nước, nhiệt huyết Hướng Xuân Thái (SN 1951, thôn Bến Lường, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) đã viết đơn tình nguyện ra chiến trường. Tuy nhiên, lúc đó anh đang làm Bí thư đoàn xã Minh Sơn, nên chính quyền xã muốn anh ở lại hậu phương để làm công tác công vụ, hỗ trợ cho tiền tuyến.

Quyết tâm ra chiến trường, Hướng Xuân Thái đã “trốn” vào tháp pháo và đi lẫn vào đoàn hành quân để được ra mặt trận cầm súng chiến đấu. Sau khi được huấn luyện cơ bản tại Đồng Hỷ (Thái Nguyên), Thái được một đồng chí Quân y Tỉnh đội xin cho nhập ngũ và cam kết sẽ báo cáo với chính quyền để gửi hồ sơ sau. Tuy nhiên, khi hồ sơ của anh chưa đến nơi thì đơn vị đã hành quân Nam tiến.

"Là người lính Cụ Hồ, chúng tôi đã từng sẵn sàng chiến đấu để góp một phần nhỏ của mình trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Khi làm kinh tế, tôi chỉ mong gia đình mình thoát nghèo, quê hương được giàu đẹp, giúp đỡ các đồng chí, đồng đội xây dựng kinh tế trong thời bình”,

Ông Hướng Xuân Thái bày tỏ.

Do không có tên trong danh sách đơn vị, nên mỗi khi phân bổ lực lượng vào các đơn vị trực chiến, cái tên Hướng Xuân Thái đều bị đưa ra ngoài và yêu cầu quay trở về địa phương. Mỗi một lần đơn vị không nhận, anh lại “trốn” vào dòng người để tiếp tục hành quân đến đơn vị khác, với hy vọng được nhận vào hàng ngũ chiến đấu và chờ hồ sơ.

“Khi đến Lệ Thủy (Quảng Bình), những anh em cuối cùng của đoàn được bàn giao cho đơn vị chiến đấu của Sư đoàn 367 Phòng không không quân thì tôi chính thức bị giữ lại. Sau ba ngày chờ đợi, tôi được đồng chí Lê Hối, Chính ủy Sư đoàn cho đi theo làm công vụ. Anh Hối nói, chỉ cần thanh niên có tinh thần yêu nước chống Mỹ là đã đáng hoan nghênh, tạm thời cứ ở đây hoạt động hậu phương rồi sẽ tính tiếp”, ông Thái kể.

Tháng 11/1973, trong một lần theo Chính ủy ra Hà Nội họp bàn, ông Thái xin được về quê hoàn tất các thủ tục. Đến tháng 4/1974, hồ sơ của ông mới được chuyển vào đến nơi. Ông Thái được cử vào Trung đoàn 2, Đại đội 3, Sư đoàn 673 Phòng không không quân (tách từ Sư đoàn 367) với nhiệm vụ chủ yếu là làm trận giả, làm cầu đường, dò phá bom mìn và phục kích bắt thám báo.

“Những ngày đó cực khổ vô cùng, nhưng khí thế anh em lúc nào cũng hừng hực, nhờ đó mà tôi cùng đồng đội làm được những việc mà đến giờ vẫn không hiểu tại sao lúc đó lại làm được”, cựu chiến binh Hướng Xuân Thái nhớ lại.

Ông Thái kể, tại Nam Đông - Khe Tre (Tây Thừa Thiên - Huế), đơn vị ông có nhiệm vụ mở đường cho Lữ đoàn pháo binh 164 đi qua để chuẩn bị cho chiến dịch đánh địch ở Tây Đà Nẵng. Lệnh đã phát, đơn vị chỉ có một đêm để đắp sửa con đường dài 30m, sâu 1 m. Với quyết tâm cao, chỉ trong vòng 6 tiếng đồng hồ, trong bóng đêm, 24 anh em của Trung đội đã tập trung phá đá, vác đá xếp vào gầm tạo một con đường phẳng lì rộng 5m đủ để dòng xe của lữ đoàn chạy qua vào sáng hôm sau. “Tính bình quân, 6 tiếng đồng hồ trong đêm tối ấy, mỗi người cũng đã bê vác được 8 khối đá nặng nguyên khối. Sau này, mỗi lần định làm gì, tôi lại nhớ, phải thật quyết tâm”, người cựu chiến binh tự răn mình.

Quyết tâm thoát nghèo

Từ chiến trường trở về địa phương, ông Thái phải đối mặt với vô vàn khó khăn khi nơi ông sinh ra là xã miền núi, đất đai cằn cỗi. “Thời gian đầu mới về địa phương, nhìn đâu cũng thấy đất đai bỏ hoang và trơ sỏi đá, người dân lam lũ mà không thoát khỏi cảnh nghèo. Tôi đã nghĩ, mình phải làm cái gì đó ở chính nơi đây thì mới mong giúp bà con được”, ông Thái cho biết.

Vẫn với sự quyết tâm và có phần bướng bỉnh như ngày nào năm lần bảy lượt “trốn” ra chiến trường, giờ ông Thái lại quyết tâm cải tạo đất đai, nghiên cứu những phương án làm kinh tế, cũng như đi thực tế và học hỏi kỹ thuật của các mô hình kinh tế giỏi. Thời gian đầu, ông nuôi bò nhưng bò bị rớt giá nên bỏ. Ông Thái chuyển sang nuôi lợn nái trắng nhưng không hiệu quả cao và thường mắc các bệnh dịch.

“Trong đợt dịch tai xanh bùng phát năm 2009, đàn lợn nái nhà tôi bị dịch, chết cả. Nhìn những con lợn nái trắng to mà ốm yếu, tôi bỗng nhớ đến lúc chạy xe đi lấy thuốc cho lợn, những con lợn rừng thả rông nuôi tự nhiên vẫn khỏe mạnh như thường. Lợn rừng có sức chống dịch tốt hơn lợn nái, lại là đặc sản của vùng rừng núi này, sao mình không phát triển thành mô hình, đưa sản vật đến với các địa phương? Nghĩ là làm, tôi quyết định vay vốn đầu tư mở trại nuôi lợn rừng”, ông Thái cho hay.

Người dân xung quanh ai cũng ái ngại khi có mỗi nhà ông Thái nuôi lợn rừng và ngay trong đợt dịch tai xanh bùng phát. Nhưng rồi ông Thái đã thành công, lứa lợn rừng đầu tiên ông đầu tư hàng chục triệu đã lớn, khỏe, vượt qua các đợt dịch và nhanh chóng được thương lái thu mua. Năm đầu tiên, gia đình ông Thái đã thu lời cả trăm triệu từ nuôi lợn rừng.

Thấy đầu tư sinh lời, ông Thái vay thêm vốn, mở rộng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm. Và cho đến nay, ngoài diện tích hồ cá ban đầu, ông còn có thêm 360 ha đất để chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là lợn rừng. Gần đây, để mở rộng mô hình thịt lợn sạch, ông đã thành lập Công ty Chăn nuôi lợn sạch Hương Gia, cung ứng chủ yếu là thịt lợn rừng ra thị trường. Hiện trang trại của công ty luôn có khoảng 300 con lợn rừng, hàng trăm con dê và hàng nghìn con gà H’Mông. Mỗi năm, trung bình ông Thái thu lời 300- 400 triệu đồng từ những sản vật núi rừng này. Biệt danh “triệu phú lợn rừng” cũng gắn với ông từ đó.

Ở tuổi lục tuần, có trong tay cơ ngơi khang trang, nhưng ông Thái chưa có ý định nghỉ ngơi. Ông vẫn miệt mài hàng ngày chăm sóc lợn, gà ở trang trại, rồi đi tìm kiếm, tiêu thụ thị trường và nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm thoát nghèo, làm giàu của mình cho bà con xung quanh và những người cựu chiến binh - đồng đội cũ ghé thăm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.