Thế giới

Triều Tiên - Hàn Quốc lại dọa "động thủ"

28/07/2016, 08:04

Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho rằng, cách tốt nhất để khống chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên là… trừng phạt.

Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên từ tàu ngầm hồ

Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên từ tàu ngầm hồi tháng 4/2016

Căng thẳng trên bán đảo liên Triều lại bước sang một giai đoạn mới, sau khi Mỹ - Hàn thống nhất triển khai và lựa chọn được vị trí đặt hệ thống tên lửa phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Dọa tấn công Hàn Quốc bằng tên lửa

Hôm qua (27/7), Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho rằng, cách tốt nhất để khống chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên là… trừng phạt, theo Yonhap. Đến nay các cuộc đàm phán liên Triều kéo dài hàng chục năm qua giữa hai bên vẫn chưa có dấu hiệu tích cực đáng kể nào để người ta hy vọng.

Ông Park Soo-jin - Người phát ngôn Bộ Thống nhất tuyên bố rằng: Trừng phạt và đối thoại là cách tốt để khuyến khích Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Thế nhưng, sau hàng chục năm viện trợ và nỗ lực của chúng tôi “được đền đáp” bằng các vụ thử tên lửa và hạt nhân. Vì vậy, bây giờ cần những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ để thay đổi các mưu đồ của Triều Tiên.

Giới chức Hàn Quốc cũng yêu cầu, Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình hạt nhân trước khi tính đến đối thoại. Đây được coi là câu trả lời cho những tuyên bố của ông Ri Yong-ho  - Ngoại trưởng Triều Tiên đang tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tại Lào hôm 26/7 rằng, đã nhiều lần đề nghị đối thoại để cải thiện tình hình bán đảo liên Triều nhưng đều bị từ chối.

Cùng ngày 27/7, đại diện Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc cho biết: Phát hiện nhiều túi nilon đựng truyền đơn của Triều Tiên, trong đó đe dọa sẽ tấn công Hàn Quốc bằng tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan. Đây là lần đầu Bình Nhưỡng rải truyền đơn trên sông. Ngay lập tức, quân đội Hàn Quốc tăng cường giám sát và duy trì mức độ cảnh giác cao trước các động thái tuyên truyền này.

Xây quân cảng chứa tàu ngầm mới

Về phía mình, ông Ri Yong-ho lý giải nguyên nhân khiến tình hình căng thẳng hiện nay: “Chính sách của Mỹ đang làm cho tình hình hiện nay xấu đi. Đây là chính sách thù địch và ngày càng gay gắt hơn. Ngoài gia tăng sức ép quân sự và đe doạ hạt nhân, còn cô lập kinh tế nhằm cản trở sự phát triển của chúng tôi”.

Ông Ri Yong-ho còn cho rằng, Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân có trách nhiệm và sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân nếu không bị đe dọa; việc nước này có tiếp tục thử hạt nhân hay không phụ thuộc vào Mỹ; nhưng chính Mỹ đã làm tan vỡ khả năng một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân. Những phát biểu mạnh mẽ của ông Ri Yong-ho ám chỉ đến việc Mỹ - Hàn trước đó thống nhất địa điểm triển khai hệ thống THAAD tại Hàn Quốc. Ngoài ra, ông Ri cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong Un kêu gọi Mỹ ký hiệp ước hòa bình, thay thế hiệp định đình chiến kết thúc Chiến tranh Triều Tiên năm 1953; Yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc và coi “đây là con đường duy nhất” để cải thiện tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Trước đó, theo tạp chí quốc phòng IHS Jan’s Defence Weekly, Bắc Triều Tiên đang xây dựng một quân cảng mới ở bờ biển phía Đông, có đủ khả năng đón tiếp các tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo. Quân cảng mới này nằm ở tỉnh Nam Hamgyong, có thể đón tiếp tàu ngầm trọng tải 3.000 tấn, được trang bị ít nhất ba tên lửa đạn đạo; tại đây còn có cả Nhà máy đóng tàu ngầm Sinpo Shipyard.

Trong một diễn biến liên quan, theo SCMP, Nhật Bản kêu gọi các nước không tiếp nhận lao động Triều Tiên để ngăn nguồn kinh phí cho chương trình hạt nhân của nước này. Theo số liệu, hiện có khoảng 50.000 - 60.000 người Triều Tiên đang lao động ở nước ngoài và mỗi năm có trên 500 triệu USD được chuyển về nước. Theo một số nguồn tin, trong số 20 nước tiếp nhận lao động Triều Tiên thì Nga và Trung Quốc tiếp nhận nhiều nhất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.