Góc nhìn

Triều Tiên có lo khi Trump hủy thỏa thuận với Iran?

15/05/2018, 08:28

Với quyết định hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, ông Donald Trump đã tự tạo một tiền lệ xấu trong việc...

33

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un

Với quyết định hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, ông Donald Trump đã tự tạo một tiền lệ xấu trong việc hạ uy tín của chính quyền Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un liệu có còn tin vào một thỏa thuận có thể đạt được với Hoa Kỳ hay không?

“Xé rách” thỏa thuận của người tiền nhiệm

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran bất chấp các nước đồng minh phương Tây cố gắng cứu lấy bản thỏa thuận từng được phần đông quốc tế ủng hộ.

Năm 2015, Iran đồng ý dừng các chương trình hạt nhân để đổi lấy việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Tuy nhiên, Tổng thống Trump lại đang dùng chính những lệnh trừng phạt này gây sức ép để “đập đi, xây mới” một thỏa thuận hạt nhân khác với Tehran.

Giới quan sát chỉ ra rằng, có nhiều lý do để lý giải hành động của tổng thống đương nhiệm. Trong đó, Tổng thống Trump trước hết muốn loại bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran vì đây là thành quả chính sách đối ngoại hàng đầu của người tiền nhiệm Barack Obama.

Bằng chứng là nhiều quyết sách của ông Trump cho thấy, nếu Obama ủng hộ điều gì thì ắt hẳn đó là một quyết định “không đúng đắn”, từ chương trình chăm sóc sức khỏe đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thỏa thuận Iran được ông Trump đánh giá không chỉ thiếu sót mà còn “khủng khiếp” và “tồi tệ nhất trong lịch sử”.

Một lý do nữa, đội ngũ giúp việc về chính sách đối ngoại cho tổng thống từ lâu đã phản đối thỏa thuận Iran vì điều khoản chỉ cấm 10-15 năm đối với nghiên cứu hạt nhân của Iran và làm giàu uranium.

Theo quan điểm này, Iran chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi trong thời gian xây dựng lại nền kinh tế trước khi nước này đạt được đột phá hạt nhân trong thập kỷ tới.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, tiếng nói quan trọng nhất vẫn là chiến lược gia “hiếu chiến” John Bolton - người mà hiếm thấy một đất nước nào ông không muốn đánh bom. Theo quan điểm của ông Bolton, kết thúc vấn đề ở Iran không cần đến đàm phán, thay vào đó là những cỗ máy ném bom chiến lược như B-52 chẳng hạn.

Chuyên gia Keith B. Richburg, cựu phóng viên tờ Washington Post cho rằng, những “cơn gió cuồng nộ” đó đã thổi bay nhiều thứ, trong đó có sự công nhận của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và tất cả các bên ký kết khác rằng thỏa thuận đang được thực thi và Iran tuân thủ tốt thỏa thuận hạt nhân hay như cam kết này không liên quan đến vấn đề khủng bố hay can thiệp của Iran trong khu vực Trung Đông.

Ông Richburg cho rằng, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi khi đồng nhân dân tệ có khả năng len vào khoảng trống thương mại nếu các công ty châu Âu buộc phải rút khỏi Iran. Việc ông Trump vô tình đẩy Tehran vào “vòng tay” của Bắc Kinh có vẻ như một ví dụ khác của Tổng thống Mỹ trong việc “Làm Trung Quốc vĩ đại lần nữa”.

Kim Jong-un không dễ bị gạt?

Không chỉ đẩy Tehran lại gần hơn Bắc Kinh, trong tình huống này, Bình Nhưỡng có khả năng không tin tưởng vào một thỏa thuận đạt được với Mỹ tại cuộc họp ngày 12/6 tới. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng đã bí mật gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại TP Đại Liên cách đây vài hôm.

Dù ông Trump, một nhà đàm phán tài ba trong kinh doanh nói rằng, ông có thể đưa ra một thỏa thuận khắt khe hơn nhiều cho Triều Tiên, so với người tiền nhiệm Obama và cựu Ngoại trưởng John Kerry trong thỏa thuận với Iran.

Nhưng, vào thời điểm đàm phán năm 2015, Tehran mới chỉ đang trong giai đoạn phát triển vũ khí hạt nhân. Còn tính tới thời điểm này, Triều Tiên đã tiến hành 6 cuộc thử nghiệm hạt nhân thành công và có một kho vũ khí với 60 đầu đạn nguyên tử.

Giới quan sát cho rằng, sở hữu bằng được vũ khí hạt nhân chính là chính sách bảo đảm sự tồn tại của chính quyền ông Kim Jong-un. Vì thế, khó có khả năng Bình Nhưỡng đồng ý giải trừ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân nếu chính quyền ông Kim có thể bị lật đổ bất cứ lúc nào.

Vì thế, vấn đề đặt ra là ông Trump có thực sự khiến nhà lãnh đạo Kim Jong-un cảm thấy đủ an toàn để từ bỏ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân Triều Tiên trước khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ hay không?

Các câu hỏi được đặt ra là: Liệu ông Trump và cố vấn Bolton đã không quan tâm đến việc “thay đổi chế độ” ở Bình Nhưỡng? Hay liệu người Mỹ có di chuyển cột mốc đàm phán, đầu tiên yêu cầu phi hạt nhân hóa, sau đó sẽ thêm điều kiện mở hết các trại giam, trại lao động và cuối cùng, buộc chế độ của ông Kim ngừng gây ảnh hưởng lên đất nước Triều Tiên?

Dưới con mắt hoài nghi, nhiều chuyên gia cho rằng, ngay cả khi ông Trump có thể đạt được thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên thì ông Kim Jong-un có thể yên tâm rằng Mỹ sẽ tôn trọng thỏa thuận này trong tương lai?

Rất có thể một Tổng thống Mỹ mới sẽ gọi thỏa thuận Triều Tiên của ông Trump là một thỏa thuận “khủng khiếp, một chiều” và hành xử như việc ông Trump đang thực hiện với Iran và di sản của cựu Tổng thống Obama. Bởi lẽ đó, nhiều chuyên gia cho rằng, ông Trump có thể sẽ hối tiếc vì đã thiết lập một tiền lệ nguy hiểm - “đảo ngược” các quyết định của người tiền nhiệm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.